Phạm Văn Chương người "lính già" của đối ngoại nhân dân
Chúng tôi được gặp ông Phạm Văn Chương vào một ngày đầu tháng 6 tại Hà Nội. Với chất giọng trầm ấm và khuôn mặt rạng rỡ khi gặp chúng tôi, những “lính mới” trong công tác đối ngoại nhân dân, ông chia sẻ: “Tôi sinh năm 1934, là một trong những người có tuổi đời và tuổi nghề cao nhất trong đại gia đình Liên hiệp Hữu nghị, làm công tác thông tin đối ngoại từ năm 1955, làm công tác đối ngoại nhân dân từ năm 1963. Tôi có mong muốn và cũng là niềm vui được chia sẻ với các đồng nghiệp đi sau, nhất là các bạn trẻ, những hiểu biết và kinh nghiệm đã tích lũy được trong mấy chục năm qua”.
Ông Phạm Văn Chương chia sẻ tại buổi Tọa đàm (ảnh: TV)
Với kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, ông được giao các chức vụ là Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Liên hiệp Hữu nghị, Chủ tịch Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á - Phi - Mỹ La-tinh, Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam.
Trong công tác đối ngoại nhân dân, ông đã tham dự và có những báo cáo chuyên đề về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, về đối ngoại nhân dân, thông tin đối ngoại, xử lý tình huống, đấu tranh dư luận, tình hình quốc tế, vấn đề Biển Đông tại một số lớp tập huấn hoặc hoạt động khác của Liên hiệp các tỉnh Kiên Giang, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đồng Nai, Quảng Ninh, Huế, Đăk Lăk, Cao Bằng.
Không chỉ vậy, với vốn kinh nghiệm của mình, ông đã tham gia biên soạn cuốn sách “Việt Nam và Biển Đông” do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam ấn hành bằng tiếng Việt năm 2011 và chịu trách nhiệm chính về bản tiếng Anh được ấn hành năm 2012. Khi cuốn sách được tái bản năm 2014, ông là người trực tiếp rà soát, biên soạn các phần chỉnh lý, bổ sung, nghiêm túc tham khảo ý kiến các cơ quan liên quan, chấp bút toàn bộ bản tiếng Việt, chỉnh lý và chịu trách nhiệm về toàn bộ bản tiếng Anh. Năm 2016, cuốn sách được tái bản lần thứ hai; năm 2017, bản tiếng Anh cũng được tái bản. Đến nay, cuốn sách vẫn là một tài liệu thông tin đối nội và đối ngoại bổ ích, bản tiếng Anh đã được một số tổ chức thành viên của Liên hiệp cung cấp cho bạn bè nước ngoài và được đưa lên trang thông tin điện tử của Quỹ Hòa bình và Phát triển, và được bạn bè ở một số nước dịch và phát hành.
Ông đã nhiều lần được Liên hiệp Hữu nghị cử dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Diễn đàn Nhân dân Việt-Trung (từ lần thứ I năm 2010 tại Việt Nam đến lần thứ VIII năm 2016 tại Trung Quốc). Qua Diễn đàn, đoàn đã góp phần khẳng định vai trò của đối ngoại nhân dân trong việc trao đổi thông tin và khẳng định lập trường của mỗi bên, giữ gìn quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Đặc biệt, năm 2014, Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc rất căng thẳng sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta, ông cùng với đoàn Việt Nam đã góp phần duy trì một kênh đối thoại thẳng thắn và hữu nghị được cả hai bên coi trọng.
Đối với các “lính mới” làm công tác đối ngoại nhân dân như chúng tôi, ông luôn chia sẻ những câu chuyện đối ngoại và kinh nghiệm đáng học hỏi. Ông đã trực tiếp tham gia các chương trình bồi dưỡng cán bộ trẻ của cơ quan thường trực Liên hiệp Hữu nghị. Kinh nghiệm tự học để rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ, phỏng vấn, viết và biên tập tin đối ngoại, công tác thông tin đối ngoại và đấu tranh dư luận là tài liệu quý đối với các cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân như chúng tôi.
Được biết ông là đại diện cá nhân duy nhất của Liên hiệp Hữu nghị đi dự Đại hội điển hình tiên tiến năm 2017, chúng tôi càng thêm tự hào và chúc ông sức khoẻ để tiếp tục cống hiến cho nền ngoại giao nhân dân Việt Nam và truyền thụ cho thế hệ trẻ chúng tôi những câu chuyện đối ngoại và kinh nghiệm của ông, hành trang quý cho chúng tôi trong công tác đối ngoại nhân dân.