Quang cảnh Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 tại Việt Nam Quốc tự. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt, vai trò cũng như vị thế được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Tuy vậy, vẫn có một số tổ chức nước ngoài, các thế lực thù địch đưa ra những báo cáo sai lệch, tuyên truyền sai sự thật về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Trần Thị Hồng Lê, Viện Quyền Con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để làm rõ vấn đề này, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam tạo nên một bức tranh đa dạng, hài hòa với vô vàn màu sắc làm nên vẻ đẹp văn hóa Việt Nam.
Đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh chính đáng của quần chúng nhân dân, giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp trong đời sống tâm linh, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoàn toàn đáp ứng các chuẩn mực pháp luật quốc tế về quyền con người, về tự do tín ngưỡng, tôn giáo và được triển khai thực hiện hiệu quả, mang lại lợi ích tinh thần to lớn cho xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh việc thực hành tín ngưỡng, tôn giáo vì nhu cầu tinh thần chính đáng, trên cơ sở tôn trọng hiến pháp, pháp luật, vẫn còn không ít cá nhân, tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền bá mê tín dị đoan, xâm phạm đạo đức, sức khỏe cộng đồng, xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi vật chất, chống phá chính quyền, chia rẽ đoàn kết dân tộc.
Trong quá trình đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực này, không ít chính sách, hành động thực tiễn của Việt Nam đã bị hiểu lầm hoặc cố tình xuyên tạc, vu cáo dẫn đến nhận thức không đúng về công tác bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo - một quyền con người cơ bản, quyền hiến định ở Việt Nam
Có thể tồn tại dưới rất nhiều hình thức khác nhau nhưng nội dung cốt lõi của tín ngưỡng, tôn giáo chính là niềm tin vào một lực lượng/thế giới siêu nhiên thần bí. Lực lượng siêu nhiên đó có thể mang tính biểu tượng như “trời," “phật," “thần thánh” hay bất kỳ một sức mạnh hư ảo, huyền bí, vô hình nào đó được tin phục và tôn thờ.
Niềm tin, niềm mong đợi vào sự che chở, ban phúc hay đền bù, an ủi từ những lực lượng siêu nhiên như vậy luôn tồn tại trong thế giới tâm linh của con người khi họ cô đơn, sợ hãi, đau khổ hoặc đơn giản là khát vọng cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhu cầu về “liều thuốc tinh thần," “chỗ dựa tinh thần” này rõ ràng là chính đáng và cùng với lịch sử phát triển của nhân loại, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đã trở thành văn hóa tinh thần.
Do đó, trong Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 - đạo luật nhân quyền quốc tế đầu tiên - nhân loại tiến bộ đã thống nhất tuyên bố: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hay tôn giáo của mình bằng các hình thức như truyền giảng, thực hành, thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ, dưới hình thức cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc nơi riêng tư” (Điều 18).
Đồng bào dân tộc H'Mông xóm Nà Ca ở Cao Bằng cập nhật thông tin về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn trong buổi sinh hoạt điểm nhóm Tin Lành. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)
Sau Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tái khẳng định tại Điều 5 Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965; quyền được theo và thực hành tôn giáo được nhắc lại tại Điều 27 Công ước về các quyền dân sự chính trị năm 1966; và quyền tự do của các bậc cha mẹ, người giám hộ hợp pháp trong việc giáo dục về tôn giáo và đạo đức cho con cái họ theo ý nguyện riêng của họ được ghi nhận tại Điều 13 Công ước về các quyền kinh tế xã hội và văn hóa…
Nhu cầu về đời sống tâm linh thể hiện qua việc theo, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền tự nhiên của con người đã được các văn kiện pháp lý quốc tế cơ bản về quyền con người công nhận và bảo vệ. Ở Việt Nam, vượt trước 2 năm so với Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, vượt trước 19 năm so với Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc và 20 năm so với hai công ước về các quyền con người cơ bản năm 1966, Hiến pháp Việt Nam năm 1946 đã ghi nhận tại Điều 10 Chương 2 - Nghĩa vụ và quyền lợi công dân: “Công dân Việt Nam có quyền Tự do tín ngưỡng." Hiến pháp năm 1959 (tại Điều 26) và Hiến pháp 1980 (tại Điều 68) tiếp tục ghi nhận công dân có quyền “quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào."
Hiến pháp năm 1992 tái khẳng định quyền này đồng thời bổ sung ghi nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của các tôn giáo; tuyên bố bảo hộ nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo; và quy định ngăn cấm việc xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước (Điều 70).
Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 ghi nhận các quyền con người - bao gồm tự do tín ngưỡng, tôn giáo - dưới danh nghĩa quyền công dân nhưng trên thực tế chưa có trường hợp nào ở Việt Nam bị hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vì lí do không phải là công dân Việt Nam.
Mô hình 'điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh, trật tự' - điểm sáng về sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và tín đồ Tin lành tại xóm Nà Ca, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)
Hiến pháp năm 2013 phân định rõ ràng hai khái niệm quyền con người và quyền công dân, trong đó ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo với tư cách là một quyền con người với tính phổ quát của nó: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật” (khoản 1 Điều 24). Hơn thế, Hiến pháp năm 2013 mở rộng phạm vi nghĩa vụ của Nhà nước, không chỉ là bảo hộ nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo như Hiến pháp năm 1992 mà là: “tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo." Đối tượng bảo hộ gồm cả quyền tự do theo hay không theo tín ngưỡng, tôn giáo; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (nơi thờ tự).
Về việc ngăn chặn vi phạm pháp luật chống lại hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Hiến pháp năm 2013 kế thừa Hiến pháp năm 1992 và tuyên bố: “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” (khoản 3 Điều 24).
Như vậy, tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tự nhiên của con người, đã được pháp luật quốc tế công nhận và bảo hộ với tư cách một quyền con người cơ bản ngay từ khi Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người - đạo luật nhân quyền quốc tế đầu tiên - được ban hành. Ở Việt Nam, tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn luôn là một quyền hiến định mà Nhà nước có nghĩa vụ bảo hộ.
Quy định pháp luật bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay
Thể chế hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi nhận bởi Hiến pháp năm 2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Nếu như Hiến pháp là gốc thì Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chính là trụ cột của hệ thống pháp luật về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam. Luật này quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cùng với các văn bản liên quan được xây dựng trên tinh thần Hiến pháp năm 2013 đã tạo thành một khung pháp lý chặt chẽ nhằm tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam với những nội dung chính quan trọng sau đây:
Xác lập địa vị bình đẳng của các chủ thể quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Trên cơ sở Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 khẳng định lại tính phổ quát của quyền: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” (khoản 1 Điều 6). Chủ thể của các quyền cụ thể thuộc nội dung quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Điều 6 Luật này cũng được đề cập đến bằng các thuật ngữ “mọi người," “mỗi người” thể hiện sự ghi nhận bình đẳng đối với tất cả các cá nhân, không có sự phân biệt đối xử nào. Mặc dù vậy, đối với một số chủ thể yếu thế, ở vị trí lệ thuộc, có nguy cơ bị phân biệt đối xử hoặc bị hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản liên quan khác đã đưa ra những quy định riêng, nhấn mạnh để bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của họ.
Trong quan hệ quyền - nghĩa vụ giữa vợ và chồng, Điều 22 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 xác định: “Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau."
Đối với trẻ em, Điều 19 Luật Trẻ em năm 2018 tuyên bố: “Trẻ em có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được bảo đảm an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em."
Đối với người đang bị giam giữ, quản lý, khoản 5 Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo." Việc thực hiện quy định này được hướng dẫn bởi Nghị định số 162/2017/NĐ-CP năm 2017 và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP năm 2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật của phạm nhân cũng được Luật thi hành án hình sự năm 2019 ghi nhận tại điểm I khoản 1 Điều 27.
Đối với người nước ngoài, Điều 8 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tuyên bố: “Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo." Điều luật này cũng đưa ra các quy định cụ thể để bảo đảm người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam thực hiện được các quyền thuộc nội dung quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như công dân Việt Nam.
Việc nhấn mạnh thêm yêu cầu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho các đối tượng có nguy cơ dễ bị tổn thương quyền này là hết sức cần thiết bởi “hệ thống các quy phạm và cơ chế về quyền con người nói chung về cơ bản là không đủ, thậm chí đôi khi không phù hợp nếu áp dụng một cách máy móc với các nhóm người dễ bị tổn thương." Sự hiện diện của những quy định riêng ấy là bảo đảm cho thiết lập chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là mọi người, không loại trừ ai và mọi người bình đẳng trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mỗi cá nhân, tuy nhiên, hoạt động tôn giáo là hoạt động có hệ thống, tổ chức, gắn với các tổ chức tôn giáo nên việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo của cá nhân phải bao gồm bảo đảm quyền hoạt động của tổ chức tôn giáo.
Nhà thờ Giáo xứ Bồng Tiên xã Vũ Tiến (Vũ Thư, Thái Bình) trang hoàng mừng Giáng sinh. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Về chủ thể này, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 phân ra thành hai loại: 1) Tổ chức tôn giáo - là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo; 2) Tổ chức tôn giáo trực thuộc - là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo (khoản 12 và 13 Điều 2). Các cấp tổ chức tôn giáo phải được thành lập hợp pháp mới là chủ thể của quyền thực hiện các hoạt động tôn giáo do Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 ghi nhận. Và sự tồn tại, hoạt động của các tổ chức tôn giáo thuộc các tôn giáo khác nhau ở Việt Nam được bảo đảm trên nguyên tắc “các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật” (khoản 1 Điều 24 Hiến pháp 2013).
Để bảo vệ cho quyền tự do, bình đẳng về tín ngưỡng, tôn giáo, Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 nghiêm cấm các hành vi: Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. Các hành vi bị nghiêm cấm này, theo mức độ khác nhau có thể bị xử lý về hành chính hoặc hình sự.
Cụ thể hóa và phát triển nội dung quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Để xác định nội dung của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 trước tiên đưa ra định nghĩa pháp lý về tín ngưỡng, tôn giáo. Theo định nghĩa được mô tả tại Điều 2 Luật này, tín ngưỡng là niềm tin của con người gắn với phong tục, tập quán, truyền thống, có những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Mô tả này đã tách biệt tín ngưỡng tốt đẹp khỏi mê tín dị đoan - hoạt động tâm linh tiêu cực, không được thừa nhận, bảo vệ.
Cũng theo Điều 2, sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo, cùng với các hoạt động tôn giáo khác như: truyền bá tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo là các hoạt động của tổ chức tôn giáo được thành lập hợp pháp. Tức là, những hoạt động tôn giáo do nhóm, tổ chức bất hợp pháp thực hiện không thuộc đối tượng bảo hộ theo Luật này.
Trên cơ sở nhận thức thống nhất đó, nội dung của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi nhận tại Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 gồm: 1) theo hoặc không theo một tôn giáo nào; 2) bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; 3) thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; 4) tham gia lễ hội; 5) học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; 6) vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo (người chưa thành niên thực hiện quyền vào tu, học này phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý); 7) thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác nếu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành.
Nội dung nêu trên hoàn toàn phù hợp với nội dung quyền tại Điều 18 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 cũng như các điều liên quan trong Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965; Công ước về các quyền dân sự chính trị; Công ước về các quyền kinh tế xã hội và văn hóa năm 1966.
Ngoài ra, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam phát triển thêm nội dung quyền liên quan đến tu, học tôn giáo (học tập giáo lý, giáo luật tôn giáo; vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo hoặc lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo).
Gắn liền và phục vụ quyền tự do tôn giáo của cá nhân là quyền hoạt động tôn giáo của các tổ chức tôn giáo. Điều 8 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 ghi nhận quyền của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc gồm: 1) Hoạt động tôn giáo theo hiến chương, điều lệ và văn bản có nội dung tương tự (gọi chung là hiến chương) của tổ chức tôn giáo; 2) Tổ chức sinh hoạt tôn giáo; 3) Xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tôn giáo; 4) Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo. 5) Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở tôn giáo; 6) Nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho và 7) Các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Quy định về quyền của tổ chức tôn giáo là một phương thức bảo đảm thực hiện quyền tự do tôn giáo của cá nhân.
Xác lập nghĩa vụ của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Điều 14 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã xác lập nghĩa vụ của Nhà nước trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân bằng Hiến pháp và pháp luật. Đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 xác định rõ thêm về trách nhiệm của Nhà nước tại Điều 3, cụ thể là Nhà nước có trách nhiệm: 1) tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2) tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; 3) bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Như vậy, Nhà nước không chỉ có trách nhiệm bảo hộ quyền tự do, tín ngưỡng của cá nhân mà còn bảo hộ các giá trị tinh thần và tổ chức, cơ sở vật chất, tài sản của cơ sở tín ngưỡng; cơ sở, tổ chức tôn giáo.
Để yêu cầu Nhà nước thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các cá nhân, tổ chức liên quan được trao cho các công cụ/thủ tục có hiệu lực ràng buộc trách nhiệm Nhà nước.
Theo Điều 63 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016: “Người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và các tổ chức, cá nhân khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính, khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật có liên quan”; và “Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo."
Như vậy, cá nhân, tổ chức có quyền thực hiện các phương thức khiếu nại, khởi kiện, tố cáo để yêu cầu nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp về tín ngưỡng, tôn giáo bằng trình tự hành chính, dân sự hay hình sự như đối với bất kỳ trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người nào khác. Theo quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận các yêu cầu này có nghĩa vụ giải quyết theo luật định.
Hướng dẫn thủ tục tổ chức, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo
Để các sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được diễn ra thuận lợi, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 dành 5 chương (từ Chương III đến Chương VII) để hướng dẫn về nguyên tắc tổ chức hoạt động, các thủ tục hành chính trong tổ chức, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm cho các hoạt động này diễn ra thuận lợi, hợp pháp và phát huy được giá trị tinh thần tích cực cho xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tín đồ, của cơ sở/tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo. Các quy định hướng dẫn này còn được cụ thể hóa bằng Nghị định số 162/2017/NĐ-CP năm 2017 và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP năm 2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để việc thực hiện được dễ dàng hơn.
Giới hạn chính đáng đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Quyền con người là khát vọng thiêng liêng, là thành quả đấu tranh cách mạng của nhân loại. Tuy nhiên, nếu các quyền ấy được thực hiện hoàn toàn tự do không giới hạn thì “trật tự xã hội sẽ sụp đổ, loài người sẽ phải sống trong hỗn loạn như bầy thú hoang sẵn sàng dẫm đạp lên đồng loại cũng như bất kỳ tồn tại, giá trị nào khác chỉ vì nhu cầu của riêng mình."
Do đó, khi tuyên bố những quyền, tự do của cá nhân, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 cũng đồng thời đặt ra hạn chế chính đáng đối với các quyền ấy: “Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ” (khoản 2 Điều 29).
Chư tăng và các đại biểu thả bóng bay cầu nguyện hòa bình tại Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2568-Dương lịch 2024) ở chùa Quốc Thanh, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)
Trên cơ sở nguyên tắc chung này, giới hạn trực tiếp đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đặt ra tại khoản 3 Điều 18 Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác."
Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân có thể bị giới hạn vì lý do chính đáng là bảo vệ các giá trị, lợi ích quan trọng như: an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, quyền và tự do của người khác. Tuy nhiên, để giới hạn thực sự chính đáng và không bị đặt ra một cách tùy tiện thì giới hạn đó phải là cần thiết và được đặt ra bằng pháp luật.
Hiến pháp Việt Nam đặt ra giới hạn chính đáng đối với các quyền con người, quyền công dân hoàn toàn phù hợp với những chuẩn mực nêu trên trong pháp luật quốc tế. Giới hạn quyền vì các lợi ích công cộng được nêu tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp hiện hành: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng."
Nguyên tắc thực hiện quyền con người, quyền công dân ở khoản 4 Điều 15 Hiến pháp cũng giới hạn việc thực hiện quyền trên cơ sở tôn trọng, bảo đảm các lợi ích công và quyền, lợi ích của người khác: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác." Cụ thể hóa thêm những giới hạn chính đáng này riêng đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Điều 24 Hiến pháp quy định ngăn cấm việc xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Trên cơ sở giới hạn chính đáng của Hiến pháp, Điều 4 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 nghiêm cấm các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mà: Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Đồng thời với bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo yêu cầu tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và quy định khác của pháp luật có liên quan; Các chức sắc tôn giáo, nhà tu hành, người có chức trách, nhiệm vụ của cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có trách nhiệm hướng dẫn tín đồ và những người tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo thực hiện các hoạt động này đúng quy định của pháp luật (Điều 9). Các trường hợp hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm tới các quyền, lợi ích chính đáng mà Hiến pháp, pháp luật tuyên bố bảo vệ, tùy theo mức độ khác nhau có thể bị xử lý về hành chính hoặc hình sự.
Thực tiễn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo nhưng trong suốt lịch sử phát triển không có xung đột tôn giáo, tín ngưỡng, người theo tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo và người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, người theo tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau sống đan xen, hài hòa khắp lãnh thổ của Việt Nam. Theo khảo sát đa dạng tôn giáo toàn cầu của Viện Diễn đàn Pew (Hoa Kỳ) công bố 10 năm trước, Việt Nam đã nằm trong số 12 quốc gia trên thế giới được công nhận là có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao.
Theo công bố trong Sách trắng Tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ đầu năm 2023, Việt Nam có 16 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo, 4 tổ chức và 1 pháp môn có chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Con số các tổ chức được công nhận và cấp đăng ký hoạt động này theo báo cáo của Bộ Nội vụ vào tháng 6 năm 2024 là 43 tổ chức (tăng thêm 2 tổ chức).
Số lượng tín đồ của các tôn giáo ở Việt trong những năm gần đây tăng đặc biệt nhanh. Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2019 cho thấy cả nước có hơn 13 triệu tín đồ theo các tôn giáo chính thức được đăng ký nhưng gần đây, theo công bố trong Sách trắng Tôn giáo năm 2023, Việt Nam có khoảng 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số.
Cùng với tôn giáo, hầu hết người Việt Nam bất kể ở đồng bằng hay miền núi, thành thị hay nông thôn đều có niềm tin theo và thực hành một hoặc một số tín ngưỡng dân tộc như: tín ngưỡng thờ tổ tiên, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc, tín ngưỡng thờ thành hoàng, tín ngưỡng thờ nữ thần và mẫu thần. Các loại hình tín ngưỡng của đồng bào người Mông, Dao, Ba Na, Ê Đê, Hoa, Khmer… cũng rất đa dạng, vừa có sự tương đồng, vừa có nét bản sắc làm nên vẻ đẹp văn hóa sắc màu của dân tộc Việt Nam.
Không khí đón Lễ Giáng sinh tại nhà thờ Vị Tín, Vị Thanh, Hậu Giang. (Ảnh: TTXVN)
Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tham gia rất tích cực vào đời sống chính trị xã hội. Quốc hội khóa XV, có 05 vị chức sắc trúng cử đại biểu; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026, là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tích cực tham gia các Hội, đoàn thể khác như: Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam... Các tổ chức tôn giáo cũng phát huy mạnh mẽ nguồn lực của tổ chức, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, trải dài từ lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo và bảo trợ xã hội.
Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo cùng với tín đồ Việt Nam hoặc tập trung thành nhóm tại địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo.
Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, ở Việt Nam hiện có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Nhóm người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tập trung được mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài vào Việt Nam giảng đạo.
Mặc dù đời sống tín ngưỡng, tôn giáo rất đa dạng nhưng ở Việt Nam không có hiện tượng kỳ thị hay xung đột về tôn giáo, tín ngưỡng. Rất nhiều lễ hội tôn giáo đã trở thành ngày hội của cộng đồng dân cư như: Lễ Giáng sinh, Halloween của đạo Công giáo, đạo Tin lành; Lễ Phật đản, Vu lan của Phật giáo; Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của Hội thánh Cao đài Tây Ninh… Bức tranh tín ngưỡng, tôn giáo đa sắc và sự tồn tại hài hòa, đoàn kết giữa các tín đồ, giáo dân, người không tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là minh chứng thực tiễn khẳng định rõ ràng về thành tựu của hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam.
Đồng thời với bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, sự bình đẳng giữa các tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam cũng bảo đảm việc thực hiện tự do tín ngưỡng, tôn giáo của diễn ra trên cơ sở tôn trọng những lợi ích công cộng quan trọng được hiến pháp, pháp luật bảo vệ và các quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Những hoạt động mê tín dị đoan hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi khi bị phát giác đều bị xử lý nghiêm khắc. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không có nội dung, mục đích tiêu cực nhưng ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, sức khỏe cộng đồng cũng bị nghiêm cấm.
Ví dụ như tục lệ thả đèn trời để cầu may mắn, gửi gắm ước nguyện hoặc bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn các bậc sinh thành trước đây khá phổ biến trong đêm giao thừa hay các lễ hội ở đồng bằng Bắc Bộ nhưng sau những thiệt hại về người và của do hỏa hoạn từ đốt đèn trời gây ra, Việt Nam đã chính thức cấm tất cả các hình thức sản xuất, buôn bán, và thả đèn trời trong cả nước từ ngày 17 tháng 7 năm 2009.
Các hành vi này đến nay vẫn bị cấm và xử phạt theo quy định pháp luật. Hoặc trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi việc tập trung đông người thực hành nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo phải tạm dừng để phục vụ yêu cầu giãn cách xã hội để phòng chống sự lây lan dịch bệnh thì tuyệt đại bộ phận tín đồ, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên cả nước đã chấp hành nghiêm biện pháp hạn chế quyền này vì sức khỏe cộng đồng và có những cách thức thay thế để vẫn thực hiện được quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như: cầu nguyện, hành lễ tại gia, trực tuyến.
Nhà thờ Chánh tòa ở Đà Lạt trong đêm Giáng sinh. (Ảnh Quốc Hùng/TTXVN)
Nhìn chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Trong những trường hợp cần thiết phải hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo luật định vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, các tín đồ, cơ sở, tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo đều nhận thức và chấp hành nghiêm, thể hiện lối sống tốt đời đẹp đạo. Tuy nhiên, trong thực tiễn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, cũng có những trường hợp hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cố tình chà đạp trật tự và lợi ích công cộng phải bị xử lý thích đáng theo quy định pháp luật.
Trường hợp Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên là một ví dụ điển hình về việc núp bóng hoạt động tôn giáo để hoạt động chính trị, chống phá chính quyền và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Tổ chức này được thành lập với bề ngoài là tổ chức sinh hoạt tôn giáo bình thường, hoạt động hát thánh ca, chia sẻ kinh thánh và cầu nguyện. Tuy nhiên bên trong, Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên tuyên truyền nói xấu, vu khống chính sách, pháp luật về dân chủ, quyền con người, quyền bình đẳng của đồng bào các dân tộc, về tự do tín ngưỡng, tôn giáo; xúi giục, chia rẽ dân tộc, thành lập nhà nước riêng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Riêng đối với đạo Tin lành ở Việt Nam, ngoài các tổ chức đã được Nhà nước công nhận (như: Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Nam), Hội thánh Tin lành Cơ đốc Phục lâm, Hội thánh Tin lành Trưởng lão, Hội thánh Truyền giáo Cơ đốc và Hội thánh Tin Lành Liên hữu Cơ đốc), vẫn còn hàng chục tổ chức, hệ phái Tin lành chưa được công nhận tư cách pháp nhân, chưa được đăng ký hoạt động (như: Tin lành Truyền giảng phúc âm, Tin lành Liên hữu Báp tít, Tin lành Phúc âm đời đời...) với tổng số hàng chục ngàn tín đồ vẫn được Nhà nước tạo điều kiện để hoạt động ổn định. Vậy nhưng những kẻ cầm đầu Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên vẫn ra sức vu cáo Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Trường hợp Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ lại vi phạm nghiêm trọng quyền tự do theo hoặc không theo tôn giáo của cá nhân và tuyên truyền phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền thống hiếu nghĩa của dân tộc. Để phát triển nhanh, rộng tổ chức này đã o ép, mua chuộc, dụ dỗ, dọa dẫm tín đồ nếu không theo, không đi sinh hoạt, không từ bỏ gia đình, bàn thờ… sẽ không được làm “lễ vượt qua," khi chết sẽ bị đày xuống “hồ lửa."
Ngược lại nếu tin, làm theo, khi chết sẽ được lên “nước thiên đàng, làm tiên, hoàng tử." Họ tuyên truyền về “ngày tận thế," “chúa tái lâm” để hù dọa hoặc cưỡng ép, “áp giải” đi sinh hoạt. Nhiều người lỡ theo muốn thoát ra cũng rất khó, bỏ bê công việc, học tập, mâu thuẫn gia đình… phải làm đơn cầu cứu tới chính quyền. Tổ chức yêu cầu thành viên dâng nộp thu nhập, phá bỏ bàn thờ tổ tiên, bất kính cha mẹ, chỉ tin và thờ “Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ," đi ngược lại đạo đức và truyền thống văn hóa người Việt.
Như vậy, không chỉ chà đạp quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà hoạt động của tổ chức này còn có sự lợi dụng hoạt động tâm linh để trục lợi, phá hoại đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong quá trình bị chính quyền xóa bỏ, nhân dân tẩy chay, những kẻ cầm đầu Hội thánh Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ và một số thế lực xấu vẫn ra sức tuyên truyền sai sự thật, vu khống chính quyền đàn áp tôn giáo.
Trường hợp tổ chức Dương Văn Mình hoạt động ở các tỉnh miền núi phía Bắc, không phải là một tôn giáo, không có giáo lý, giáo luật; không có hiến chương, điều lệ, tôn chỉ, đường hướng hành đạo; không có cơ sở thờ tự, cơ sở tu hành và đào tạo những người hoạt động tôn giáo nhưng lại tự xưng tôn giáo, hoạt động mê tín dị đoan và phá hoại khối đoàn kết dân tộc.
Lợi dụng tình trạng nhận thức còn hạn chế, đời sống khó khăn của bà con dân tộc thiểu số, những đối tượng cốt cán của tổ chức này lôi kéo, dụ dỗ bà con tin theo những giáo lý nhảm nhí như: “Không làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ, người trẻ mãi không già, ốm đau sẽ tự khỏi, tiền tự khắc trên trời rơi xuống, chỉ cần đưa người chết vào “nhà đòn," khấn vái đủ 24 giờ, có khả năng người chết sẽ sống lại."
Ngoài hoạt động truyền bá niềm tin hoang đường, quái gở, tổ chức Dương Văn Mình còn núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp lực lượng với ý đồ thành lập “Nhà nước Mông," chia rẽ đồng bào Mông với các dân tộc khác của Việt Nam, hoạt động trục lợi cả về vật chất, lừa gạt đồng bào Mông nộp tiền, của cải vào quỹ Vàng Chứ. Vì tin theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, nhiều gia đình đã bỏ bê đồng ruộng, nhà cửa, không chịu làm ăn, bán hết trâu bò, lợn gà, nhiều gia đình người Mông rơi vào cảnh khốn cùng. Khi bị vận động xóa bỏ, đội ngũ cốt cán của tổ chức ngoan cố chống đối, tiếp tục câu kết, móc nối với cá nhân, tổ chức phản động, chống đối trong và ngoài nước vu cáo, xuyên tạc chính quyền địa phương vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Đạo “Hoàng Thiên Long” hay “Tâm linh Hồ Chí Minh," “đạo Bà Điền” là nhóm do Bà Nguyễn Thị Điền lập ra ở Ứng Hòa, Hà Nội, sau đó hoạt động ở 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, không hoạt động chính trị nhưng tuyên truyền mê tín, dị đoan và trục lợi, gây thiệt hại cho sức khỏe cộng đồng và tài sản của nhân dân.
Bà Điền tự xưng là “Thánh nữ” hay “Nữ thần giao liên của Trang Thiên," lập điện để sinh hoạt tôn giáo và rêu rao khả năng chữa bệnh không cần uống thuốc mà chỉ cần uống nước “thánh” (nước lã, nước giếng khoan tại nhà riêng của bà) là bệnh gì cũng khỏi. Kinh sách của đạo này là thơ ca do bà Điền sáng tác, gọi là “Tâm linh Hồ Chí Minh," mỗi tín đồ tham gia “tu hành” đều phải mua kinh sách với giá từ 150.000-350.000 đồng.
Bà Điền lập ra “Hội đồng tu gia Điện Hoàng Thiên Long” để điều hành lễ nghi, tuyên truyền phát triển “Đạo Hoàng Thiên Long” bán “kinh sách," tượng ảnh Bác Hồ, cờ Đảng, cờ Tổ quốc thu tiền, đồ lễ và hướng dẫn người “quy” theo “điện” của bà Điền. Khi theo đạo phải lập bàn thờ đạo này và phải bỏ bàn thờ tổ tiên, trên bài thờ có chai nước (gọi là nước Thánh) dùng để chữa bệnh bằng cách cho người bệnh uống và xoa trên cơ thể hàng ngày. Hầu hết người theo đạo là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đang mắc bệnh nan y nhưng không đến bệnh viện để điều trị, do đó đã phải gánh chịu nhiều hậu quả về sức khỏe và tài sản.
Tương tự như “Hoàng Thiên Long," đạo Long Hoa Di Lặc do một nông dân ở Sóc Sơn, Hà Nội thành lập cũng truyền bá trong nhân dân cách chữa bệnh bằng nước lã, không cần dùng thuốc, đến bệnh viện… Chính quyền các cấp ở Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động để quần chúng nhân dân nhận thức đúng đắn, không sa đà, mê muội với niềm tin hoang đường, nhảm nhí như vậy.
Đấu tranh xóa bỏ những hình thức tín ngưỡng, tôn giáo độc hại như một số điển hình nêu trên là một trong những nội dung quan trọng của bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Mặc dù vậy, quá trình đấu tranh gặp phải không ít khó khăn, thách thức do các thế lực chống đối nhân danh bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc, vu khống việc Việt Nam đấu tranh với tà đạo là áp bức, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam chưa thực sự đồng bộ, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến khó khăn trong quá trình thực thi, nhất là ở cơ sở.
Trong bối cảnh điều kiện địa lý và phong tục, tập quán đa dạng, phức tạp, dân cư sinh sống ở các vùng miền có ngôn ngữ, trình độ và điều kiện sinh hoạt rất khác nhau nên việc triển khai các chính sách cụ thể nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn nhiều khó khăn. Đây là cơ hội để các thế lực thù địch, phản động người Việt lưu vong và thiểu số chống đối trong nước lợi dụng nói xấu, vu khống Việt Nam vi phạm nhân quyền, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam cần tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, đồng thời bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo để theo kịp, phù hợp với tình hình thực tiễn và có tính khả thi.
Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn quần chúng nhân dân thực hiện tự do tín ngưỡng, tôn giáo để được hưởng thụ những giá trị tốt đẹp do quyền này mang lại. Không chỉ vậy, cần quan tâm chú trọng công tác truyền thông, đối thoại, hợp tác quốc tế để cộng đồng quốc tế nhận thức đầy đủ về chính sách, pháp luật và thành quả bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam./.
Theo TTXVN