
Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam-Ấn Độ lần thứ 7 - 2015
Hỏi : Đề nghị ông giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Ban Á-Phi ?
Trả lời : Trước hết, xin điểm qua đôi nét về sự hình thành của các tổ chức hoà bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân của Việt Nam. Như mọi người đều biết, Năm 1950, Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam và các Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Liên Xô được thành lập. Tiếp đó, nhiều tổ chức hữu nghị lần lượt ra đời theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn.
Sau chiến thắng 30/4/1975, để thống nhất và tăng cường hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị, ngày 17/11/1977, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định 304-CP cho phép thành lập Uỷ ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước. Đầu năm 1978, Uỷ ban được sát nhập vào Ban Đối ngoại Trung ương Đảng nhưng vẫn giữ tổ chức biên chế và chức năng của Uỷ ban. Tháng 5-1989, Uỷ ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước được đổi tên thành Liên hiệp các Tổ chức hoà bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam. Ngày 10/1/1992 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 22/QĐ-TW tách Liên hiệp các Tổ chức hoà bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam ra khỏi Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, trở thành một tổ chức chính trị - xã hội độc lập. Năm 1994, Liên hiệp các Tổ chức hoà bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam đổi tên thành tên gọi như hiện nay.
Cùng với sự phát triển nói trên, trong từng giai đoạn đều có các cơ cấu và đội ngũ cán bộ thường trực cho các tổ chức hoà bình, đoàn kết, hữu nghị với các nước trên thế giới. Năm 1987, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng thành lập các Vụ khu vực của Uỷ ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước gồm Vụ hữu nghị và đoàn kết Á-Phi-Mỹ La tinh; Vụ hòa bình và hữu nghị Tư bản chủ nghĩa; Vụ Liên Xô và hữu nghị Xã hội chủ nghĩa... Sau khi hệ thống Xã hội Chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Vụ Liên Xô và hữu nghị Xã hội chủ nghĩa bị giải thể, chức năng nhiệm vụ của Vụ này được điều chuyển cho hai Vụ khu vực là Vụ hữu nghị và đoàn kết Á-Phi-Mỹ La tinh và Vụ hòa bình và hữu nghị Tư bản chủ nghĩa. Năm 1994, cùng với việc Liên hiệp các Tổ chức hoà bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam đổi tên thành Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, các Vụ của cơ quan thường trực cũng đổi thành các Ban trong đó Ban Á - Phi - Mỹ La tinh là cơ quan thường trực cho các Hội hữu nghị của Việt Nam với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi và Mỹ La tinh. Ngoài ra, Ban còn làm thường trực cho Uỷ ban đoàn kết Á - Phi - Mỹ La tinh của Việt Nam (nay là Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á - Phi - Mỹ La tinh) và một thời gian ngắn làm thường trực cho Hội Quốc tế ngữ Việt Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam. Sau này, khi bộ phận đa phương hình thành (nay là Ban Đa phương của Liên hiệp), Ban Á - Phi - Mỹ La tinh chuyển công tác thường trực của ba tổ chức đa phương nói trên cho bộ phận này. Tháng 1/2007, Ban Á - Phi - Mỹ La tinh chính thức đổi thành Ban Á - Phi sau khi chuyển khu vực Mỹ La tinh cho Ban châu Mỹ của Liên hiệp.
Hỏi : Xin ông cho biết những sáng kiến, những hoạt động tiêu biểu mà Ban Á-Phi đã tiến hành từ khi thành lập đến nay ?
Trả lời : Như đã nói ở trên, Ban Á - Phi làm nhiệm vụ thường trực cho các tổ chức hữu nghị của Việt Nam với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi, tính tới thời điểm hiện nay là 30 tổ chức trong đó có nhiều Hội hữu nghị giữa nước ta với các nước láng giềng, các nước lớn và bạn bè truyền thống... Cơ quan thường trực có hai chức năng chính là tham mưu đề xuất các hoạt động đồng thời tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động ấy. Có thể đơn cử một số loại hình hoạt động dưới đây :
Trước hết là với Trung Quốc: Bước vào những năm 80 của Thế kỷ XX, nhằm góp phần cải thiện và bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, với danh nghĩa Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc chúng ta đã tổ chức cho Đại sứ và các cán bộ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đi viếng mộ liệt sỹ Trung Quốc (hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam) tại các địa phương phía Bắc vào dịp Thanh minh hàng năm, mở ra một kênh giao lưu mới giữa Việt Nam và cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc. Hoạt động này đã góp phần xứng đáng vào việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc tháng 11/1991. Chưa đầy ba tháng sau khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ, trung tuần tháng 2/1992 chúng ta đã đón đoàn xiếc Thành phố Tế Ninh (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) sang thăm và biểu diễn tại Việt Nam. Xin được nhấn mạnh là, đây là đoàn văn nghệ đầu tiên của Trung Quốc sang hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam sau khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ. Trong thời gian ba tuần, đoàn đã có hàng chục buổi giao lưu, biểu diễn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tạo nên mối quan hệ gần gũi thân mật giữa các nghệ sỹ Trung Quốc với các tầng lớp nhân dân cũng như các đồng nghiệp Việt Nam. Tháng 5/2008 chúng ta đã tổ chức hoạt động “Gặp gỡ trên quê hương Bác Hồ” nhân dịp kỷ niệm 118 năm ngày sinh của Người với sự tham dự của 50 đại biểu Trung Quốc là những người đã từng phục vụ Bác Hồ. Qua hoạt động này, các đại biểu Trung Quốc đã ẩm nhận sâu sắc hơn về đạo lý tình nghĩa, thủy chung, ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’ của dân tộc Việt Nam. Nhằm tạo ra một kênh mới để đại diện nhân dân hai nước Việt - Trung có thể trao đổi thẳng thắn, chân tình trên tinh thần xây dựng về những vấn đề nổi cộm trong quan hệ hai nước, chúng ta đã đề xuất và được phía đối tác Trung Quốc hưởng ứng cùng nhau tổ chức Diễn dàn nhân dân Việt - Trung lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2010. Từ đó Diễn đàn được tổ chức thường niên mỗi năm một lần, lần lượt tại Việt Nam và Trung Quốc. Đến thời điểm này đã có sáu kỳ Diễn đàn được tổ chức.
Với Lào: Nhằm góp phần vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, nhiều hoạt động hữu nghị Việt - Lào có quy mô lớn và rất có ý nghĩa đã được tổ chức. Đó là các cuộc thi tìm hiểu về quan hệ Việt Nam - Lào với chủ đề “Việt - Lào trong trái tim tôi” thu hút hàng triệu lượt người tham gia, là các chuyến hành hương “Về nguồn” nhằm tìm hiểu sâu hơn về thân thế, sự nghiệp và quá trình hoạt động cách mạng của các vị Lãnh tụ hai nước. Đó là chương trình ‘Theo dấu chân Chủ tịch Xu-pha-nu-vông’ nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nguyên Chủ tịch nước CHDCND Lào Xu-pha-nu-vông (13/7/1909 - 13/7/2009), hàng chục nhân sỹ và phóng viên báo chí Việt - Lào hành hương tới những địa danh mà nhà cách mạng Xu-pha-nu-vông đã từng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp ; là hoạt động ‘Theo chân Bác’ nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015), 125 đại biểu nhân dân Việt Nam, Lào và Thái Lan đã đi thăm những nơi Bác Hồ từng hoạt động tại Lào và Thái Lan những năm 20 của Thế kỷ XX. Trung tuần tháng 12/2015, chúng ta sẽ tổ chức chương trình ‘Theo dấu chân Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản’ nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học, những người làm công tác hữu nghị và phóng viên báo chí Lào hành hương tới những nơi Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản từng hoạt động tại Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của nguyên Chủ tịch BCH TW Đảng, nguyên Chủ tịch nước CHDCND Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản (13/12/1920 – 13/12/2015).
Với Campuchia: Sau khi Hiệp định Paris về Campuchia được ký kết (1991), tình hình Campuchia có nhiều diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh ấy, đối tác của chúng ta tại Campuchia là Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó, chúng ta đã phối hợp với Nhóm nghị sỹ hữu nghị của Quốc hội hai nước để triển khai các hoạt động trong đó tiêu biểu là đón đoàn các nghệ sỹ Campuchia sang thăm và biểu diễn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác (2002). Chuyến thăm của đoàn đã thu hút được sự quan tâm và đánh gía cao của quần chúng nhân dân hai nước. Những năm gần đây, chúng ta thực hiện chương trình cán bộ hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia đỡ đầu lưu học sinh Campuchia đang theo học tại các trường đại học ở Việt Nam nhằm giúp các em đi sâu tìm hiểu về phong tục tập quán và ngôn ngữ của nhân dân Việt Nam đồng thời hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia. Chương trình này được Lãnh đạo hai nước biểu dương và đánh giá cao.
Một loại hình hoạt động bề nổi với quy mô lớn với sự tham dự của đông đảo quần chúng nhân dân là Liên hoan hữu nghị nhân dân (hay Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân). Loại hình này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003 với Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới Việt - Lào tại Nghệ An. Đây là tiền đề để chúng ta tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt - Lào lần thứ nhất tại Việt Nam năm 2005. Như vậy, Lào là nước đầu tiên chúng ta phối hợp với đối tác tại nước bạn để tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân. Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt - Lào lần thứ II được tổ chức tại Lào năm 2007 và lần thứ III tại Việt Nam năm 2012 nhằm hưởng ứng ‘Năm đoàn kết và hữu nghị Việt Nam - Lào 2012’’. Campuchia là nước thứ hai chúng ta phối hợp tổ chức loại hình hoạt động này nhưng với tên gọi là Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Campuchia với cuộc Gặp gỡ lần thứ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2006. Sau cuộc Gặp gỡ lần thứ II tổ chức tại Campuchia năm 2007, Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Campuchia lần thứ III được tổ chức tại Việt Nam nhân ‘Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2012’. Ấn Độ là nước thứ ba phối hợp với chúng ta tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân với Liên hoan lần thứ I được tổ chức tại Ấn Độ tháng 9/2007. Từ đó đến nay, chúng ta đã tổ chức sáu Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ lần lượt tại mỗi nước. Liên hoan lần thứ VII sẽ được tổ chức tại Ấn Độ cuối tháng 10/2015. Chào mừng sự kiện Việt Nam và Trung Quốc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền trong năm 2008, chúng ta đã cùng đối tác Trung Quốc tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới Việt - Trung 2009, tạo tiền đề cho việc tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt - Trung lần thứ nhất tại Việt Nam 2010 và các Liên hoan tiếp theo. Năm 2012 chúng ta có Liên hoan hữu nghị nhân dân với Srilanka tại nước bạn. Tháng 9/2013 chúng ta đăng cai tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Nhật Bản nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước đồng thời hưởng ứng ‘Năm hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản 2013’. Đến nay, chúng ta đã tổ chức thành công 18 Liên hoan hữu nghị nhân dân với 6 nước là Lào, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Srilanka và Nhật Bản. Gần đây, chúng tôi đã đề xuất tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Thái Lan vào tháng 8/2016 nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (6/8/1976 - 6/8/2016).
Vai trò cầu nối thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật... được các tổ chức hữu nghị khu vực Á - Phi chú trọng. Những năm 90 của Thế kỷ XX, chúng ta đã tổ chức cho nhiều nhà khoa học cũng như các chuyên gia có uy tín của Nhật Bản vào hợp tác với các đối tác Việt Nam trong việc bảo tồn, duy tu và phát triển phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Với vai trò cầu nối và thúc đẩy của ta, nhiều dự án hợp tác kinh tế Việt - Nhật đã ra đời và đi vào hoạt động rất hiệu quả mà tiêu biểu là dự án Công ty TNHH Làng văn hóa công nghệ Việt Nam – Lưu Cầu (tại Long Biên, Hà Nội, đi vào hoạt động từ năm 1997). Ngoài ra còn có nhiều dự án hợp tác Việt - Hàn, Việt - Trung... được hình thành với sự giúp đỡ của các tổ chức hữu nghị của nước ta với các nước đối tác.
Bên cạnh các hoạt động với các nước láng giềng, các nước lớn và bạn bè truyền thống, Ban chúng tôi cũng chú trọng triển khai hoạt động với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đông Bắc Á, Nam Á, Trung Đông-Châu Phi. Trong khuôn khổ hạn hẹp của cuộc trao đổi hôm nay, tôi không thể giới thiệu về mọi hoạt động mà Ban chúng tôi đã tổ chức triển khai mấy chục năm qua. Những nỗ lực, cố gắng của Ban Á-Phi trong những năm qua đã được các cấp lãnh đạo ghi nhận và đánh gía cao, được thể hiện trong các hình thức khen thưởng của Nhà nước dành cho các Hội hữu nghị mà Ban là cơ quan thường trực trong đó Hội hữu nghị Việt Nam - Lào và Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc được nhận Huân chương Lao động hạng nhất. Bốn Hội hữu nghị được nhận Huân chương Lao động hạng ba là Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Hội hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên, Hội hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc và Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Hỏi : Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, ông có điều gì muốn chia sẻ?
Trả lời : Qua phần trình bày ở trên, bạn đọc đã phần nào nắm được về quá trình hình thành phát triển và nhất là những thành tích mà Ban Á-Phi đã giành được từ khi thành lập đến nay. Phải khẳng định rằng, những thành tích đó gắn liền với những đóng góp của nhiều vị lãnh đạo và cán bộ công chức đã và đang công tác tại Ban Á-Phi. Trong ngày truyền thống vẻ vang này, chúng ta trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của các vị đã từng làm thường trực cho các tổ chức hữu nghị khu vực Á, Phi, Mỹ La tinh trên những cương vị công tác khác nhau. Đó là các vị Đoàn Trần Cảnh, Trần Văn An, Trần Trang Trọng, Hoàng Lynh, Nguyễn Trung Hiếu, Trần Thị Chi, Đỗ Văn Cận, Nguyễn Hữu Tiếp, Trần Minh Quốc, Nguyễn Thế Đắc, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Nhận, Trần Trọng Giáp, Đào Duy Tiến, Vũ Cao Phan, Đỗ Bá Khoa, Trần Bá Văn Lộc, Vũ Tiến Dũng, Nguyễn Quang Hồng, Phan Ngọc Trâm, Mai Thị Thảo, Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Thị Trâm Anh, Nguyễn Trang Thu, Hà Thị Thu Hường... Chúng ta kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới những người đã vĩnh viễn đi xa. Với những vị còn sống, chúng ta chân thành chúc các vị luôn mạnh khỏe, tiếp tục quan tâm chỉ đạo và đóng góp ý kiến đối với công tác của Ban Á - Phi.
Những người đang công tác tại Ban Á-Phi xin hứa với các vị tiền bối rằng: Chúng tôi sẽ kế thừa và phát huy truyền thống cũng như những thành tích mà các vị đã gây dựng, cùng nhau đoàn kết, khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo, tiếp tục lập nên những thành tích mới, to lớn hơn nữa, góp phần xứng đáng vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, Châu Phi!
Hữu Nghị