Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam trước thông tin Trung Quốc xuất bản cuốn sách về “đường 9 đoạn”, trong đó ngang nhiên khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông, ông Lê Hải Bình đã tuyên bố mạnh mẽ rằng: “Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động trên là bất hợp pháp và vô giá trị không thể thay đổi thực tế nêu trên.”
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam - Lê Hải Bình (Ảnh: BL)
Cũng liên quan tới vấn đề Biển Đông, trả lời phóng viên về việc vấn đề này sẽ được đề cập thế nào tại Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng mà Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức vào cuối tháng 8 này, ông Lê Hải Bình khẳng định, vấn đề duy trì hòa bình, ổn định an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, vùng biển quan trọng bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á sẽ được bàn luận trong các diễn đàn này.
“Theo chúng tôi được biết, các quốc gia có liên quan trong và ngoài khu vực đều được mời tham dự diễn đàn này và việc duy trì vấn đề hòa bình an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, vùng biển quan trọng bậc nhất ở Đông Nam Á sẽ được bàn luận,” ông nêu rõ.
Ông cho biết, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47, các nước đã hoan nghênh việc Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn biển ASEAN và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) có thể gặp trở ngại khi Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng không có tranh chấp trên Biển Đông tại AMM 47 vừa qua tại Myanmar, ông Lê Hải Bình nêu rõ: “Tại AMM 47 và các hội nghị liên quan, các bộ trưởng bày tỏ đặc biệt quan tâm và quan ngại sâu sắc đến căng thẳng trên Biển Đông và nhấn mạnh yêu cầu không để tái diễn các vấn đề tương tự.
Các hội nghị cũng nhấn mạnh về việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông cũng như yêu cầu các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế như Công ước Luật biển của Liên hợp quốc 1982, không làm phức tạp tình hình, thực thi đầy đủ tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thương lượng thực chất để sớm tiến tới COC. ASEAN cùng các đối tác của mình sẽ tích cực triển khai các kết quả đạt được trong các hội nghị vừa rồi”.
Trình bày quan điểm của Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc hãng tin Reuters gần đây trích lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Mỹ sẽ giám sát tình hình biển Đông xem các hành động xuống thang có được thực hiện không, ông Lê Hải Bình nói: “Việt Nam hoan nghênh mọi sự đóng góp tích cực và có tính xây dựng của các quốc gia trong và ngoài khu vực trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông”.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về việc liệu Việt Nam và Mỹ có kế hoạch gì hay không trong hợp tác quốc phòng khi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey đang có chuyến thăm Việt Nam và từ nay đến cuối năm Bộ trưởng Hải quân Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự kiến thăm Việt Nam, ông Lê Hải Bình cho biết: “Các hoạt động trao đổi đoàn như trên là bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ được xác lập vào tháng 7/2013.”
Người phát của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, hoạt động trao đổi đoàn giữa hai nước đã được thúc đẩy mạnh mẽ, qua đó đóng góp tích cực vào mối quan hệ toàn diện giữa hai nước. Trong thời gian tới, hoạt động trao đoàn sẽ được tiếp tục thực hiện.
Bên cạnh đó, về lao động Việt Nam tại Libya, tại buổi họp báo, ông Lê Hải Bình cho biết, theo thông tin mới nhất từ ĐSQ Việt Nam tại Libya, Ai Cập và Thổ Nhỹ Kỳ, những lao động cuối cùng đang được chuyển từ vùng chiến sự đến nơi an toàn.
Theo ông, tính đến hết ngày 13/8, đã có 907 lao động Việt Nam tại Libya về nước, hơn 200 lao động được chuyển khỏi vùng chiến sự tại Libya. Những ngày qua, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của Việt Nam tại các nước sở tại hỗ trợ đưa lao động Việt Nam về nước.
Người phát ngôn nhấn mạnh, mặc dù có khó khăn, nhưng các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ cố gắng hết mình để đưa toàn bộ lao động Việt Nam tại Libya về nước an toàn.