Cây chè được coi là cây có hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác, đóng vai trò xoá đói giảm nghèo và góp phần quan trọng để làm giàu cho địa phương. Hiện cả nước có 130.000 ha diện tích trồng chè với hơn 500 cơ sở sản xuất chế biến, công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô mỗi năm. Nhiều vùng chè cho năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng trong nước như: Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng)… Các sản phẩm chè ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong và ngoài nước như: Chè sao lăn, chè xanh, chè Ô Long, chè Hương, chè Thảo dược...
Phát triển ngành chè góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người nông dân, đồng thời giúp người nông dân tăng thu nhập, nâng cao mức sống, xoá đói giảm nghèo cho các vùng, đồng thời việc trồng chè đã nâng cao việc sử dụng hiệu quả đất đai vùng miền núi trung du, giúp người dân tộc có thu nhập và dần chuyển từ du canh du cư sang định canh định cư. Tốc độ phát triển của ngành chè đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, từ đó làm giảm đi sự cách biệt giữa vùng thành thị và vùng miền núi,...
Top 3 thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam là: Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga, trong 8 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu chè tới 3 thị trường này chiếm tới 51,5% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước. Trong đó, Pakistan luôn dẫn đầu thị trường về tiêu thụ chè của Việt Nam, dù xuất khẩu chè của Việt Nam sang Pakistan luôn đạt kim ngạch cao, song vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trên tổng lượng chè tiêu thụ tại thị trường này và chỉ chiếm 2,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu chè của nước này; trong năm 2016 và 8 tháng năm 2017, xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường này đang giảm cả về lượng và kim ngạch. Nguyên nhân được cho là do sản phẩm chè của Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại (chủ yếu là chè đen, chè xanh và chè nguyên liệu), chất lượng, mẫu mã còn chưa hấp dẫn khiến chè Việt Nam thiếu sức cạnh tranh trên thị trường Pakistan.
Mặc dù là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, nhưng đa phần chè Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường dễ tính, chưa có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ... Chính vì vậy đến nay, lượng chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với sức tiêu thụ của thế giới.
Thuận lợi trong xuất khẩu chè là rất lớn song cũng có không ít khó khăn. Ngoài việc chưa có sản phẩm chè chất lượng thâm nhập vào các thị trường có yêu cầu cao, xuất khẩu chè Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức về chi phí sản xuất, công nghệ chế biến, tiêu chuẩn chất lượng, quảng bá, xây dựng thương hiệu. Cách thức trồng, chế biến chè vẫn còn một số khâu chưa tuân thủ tiêu chuẩn nên rất khó đảm bảo chất lượng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, bên cạnh thuận lợi về giảm thuế quan thì các doanh nghiệp phải chịu sức ép về hàng rào kỹ thuật, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để mặt hàng chè phát triển bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu cần thay đổi hình ảnh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng. Đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn bởi những quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng chè xuất khẩu, nhất là tại một số thị trường khó tính như Mỹ, EU...