* Đề nghị ông cho biết những kết quả nổi bật trong hợp tác giữa Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc và Hội hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam, Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc thời gian qua?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Những năm qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc đã phối hợp tích cực với Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc, Hội hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, góp phần thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống hai nước.
Một trong những kết quả nổi bật là Diễn đàn nhân dân Việt - Trung. Tham gia diễn đàn là các nhân sĩ, học giả, cựu cán bộ ngoại giao… có hiểu biết sâu sắc về quan hệ Việt – Trung, đại diện cho tiếng nói của nhân dân hai nước. Sau 11 lần tổ chức, Diễn đàn đã trở thành kênh ngoại giao nhân dân để trao đổi, thảo luận chân thành, thẳng thắn, sâu sắc về các vấn đề liên quan đến quan hệ hữu nghị Việt - Trung; đưa ra những kiến nghị với tinh thần xây dựng, mong muốn củng cố, tăng cường tin cậy chính trị trên mọi mặt; tăng cường nền tảng dân ý, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Trung Quốc phát triển.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Bên cạnh đó, Hội phối hợp với đối tác Trung Quốc tổ chức nhiều hoạt động nhằm củng cố, phát huy giá trị truyền thống hữu nghị nhân dân hai nước như ôn lại lịch sử quan hệ hai Đảng 100 năm qua và quan hệ hai nước 70 năm qua. Trong đó phải kể đến hành trình "Du lịch đỏ - theo dấu chân Bác Hồ" tại Quảng Tây năm 2015 nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc. Hành trình đã nhận được sự hưởng ứng của hàng ngàn người dân hai nước. Đoàn đến những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đi qua và có nhiều kỷ niệm về Bác thuộc các thành phố như Phòng Thành Cảng, Quế Lâm, Bách Sắc, Sùng Tả và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc). Qua đó, các đại biểu hiểu biết sâu sắc hơn về quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất nước Trung Quốc, những đóng góp của Người cho cách mạng hai nước.
Hội cũng tổ chức nhiều đoàn thăm Khu tự trị dân tộc Choang; thăm bệnh viện Nam Khê Sơn, bệnh viện dành cho Việt Nam thời chống Mỹ; thăm khu học xá Trung ương của Việt Nam tại Quảng Tây…
Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc và các Hội địa phương còn phối hợp với các ban, ngành đón tiếp các đoàn cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ Trung Quốc từng giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, thăm và tảo mộ liệt sĩ Trung Quốc tại các nghĩa trang địa phương.
Năm 2019, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập bệnh viện Nam Khê Sơn, Hội đã đón đoàn bác sĩ bệnh viện Nam Khê Sơn và đoàn phóng viên của Quảng Tây sang Việt Nam lấy tư liệu phục vụ việc làm phim và tọa đàm kỷ niệm.
Hội cũng đón một số đoàn nghiên cứu về lịch sử Việt - Trung của Quảng Tây; những người tham gia Khu học xá Trung ương trước đây và những người đang phụ trách Nhà kỷ niệm trường học Việt Nam tại thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây ngày nay.
Những hoạt động kết nối, giao lưu nói trên đã góp phần tạo cơ sở xã hội vững chắc cho quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam – Trung Quốc.
* Trong tình hình mới, theo ông, các tổ chức hữu nghị nêu trên cần tập trung vào những chủ đề gì? Cách thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Một trong những phương hướng hợp tác cơ bản, quan trọng nhất của quan hệ hai nước được nêu trong Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là thúc đẩy “nền tảng xã hội vững chắc hơn”. Đây cũng chính là nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân.
Để nền tảng xã hội được củng cố vững chắc hơn thì hai bên phải hiểu nhau, tin nhau, thân nhau. Muốn vậy phải tuyên truyền, giáo dục thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình, đặc biệt là trao đổi, trò chuyện; tăng cường giao lưu, tạo không gian cho những vấn đề mà nhân dân hai nước quan tâm, đơn cử như các cuộc giao lưu văn hóa nghệ thuật, hội họa, phim ảnh…
Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc đã có kế hoạch tổ chức một số hoạt động giao lưu với phía Trung Quốc bằng các hình thức da dạng, hiệu quả hơn như: gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị, tọa đàm về lĩnh vực hai bên cùng quan tâm; tổ chức các hội thảo, triển lãm ảnh, giao lưu văn hóa; duy trì trao đổi thư, điện nhân các sự kiện quan trọng của mỗi nước, các ngày lễ, tết, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Bên cạnh đó, chú trọng thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, truyền thông, khoa học - công nghệ, du lịch, y tế, thể thao... đặc biệt là kết nối gặp gỡ, tăng cường hiểu biết giữa thế hệ trẻ, gặp gỡ thanh, thiếu niên hai nước.
Phát huy vai trò của Hội trong việc hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hai nước tăng cường giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Nghiên cứu thiết lập quan hệ đối tác với các cá nhân, tổ chức, viện nghiên cứu, trường học, học giả, doanh nhân, nhà báo, văn nghệ sĩ... các cấp của Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh có chung biên giới với Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn nhân dân Việt – Trung lần thứ 11. (Ảnh: KT) |
* Năm 2024, các tổ chức hữu nghị nêu trên có những hoạt động hợp tác cụ thể nào? Ông có thể cho biết về một chương trình trọng tâm cụ thể ?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Theo kế hoạch, năm 2024 hai bên sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn nhân dân Việt - Trung lần thứ 12 ở Trung Quốc. Đây là diễn đàn được tổ chức sau thời gian bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, cũng là triển khai các nhận thức chung đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào năm 2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam năm 2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Vì vậy, tôi tin rằng Diễn đàn nhân dân lần này hai bên sẽ trao đổi, thảo luận các hoạt động phong phú để cánh cửa giao lưu giữa Việt Nam và Trung Quốc rộng mở hơn. Năm 2024 sẽ là năm giao lưu nhân dân nhộn nhịp hơn, Hội hữu nghị Việt Nam -Trung Quốc có kế hoạch cử đoàn thăm Trung Quốc và đón các đoàn Trung Quốc thăm Việt Nam qua nhiều kênh khác nhau. Tôi tin rằng, qua các hoạt động này, sự hiểu biết giữa nhân dân hai bên càng thêm sâu sắc.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Tạp chí Thời Đại