Tết cổ truyền Campuchia tại Việt Nam - ấm tình hữu nghị
(Vietpeace) Ngày 14/4, đoàn lưu học sinh Campuchia và các bố mẹ đỡ đầu thuộc Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã dự lễ chào mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây do Trường hữu nghị 80 tổ chức tại Sơn Tây.
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tặng hòa và quà cho các lưu học sinh Campuchia ( Ảnh: QH)
Cùng vui với các em lưu học sinh có Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Vũ Mão; Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Prak Nguon Hong; đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các ban ngành, đoàn thể thị xã Sơn Tây; các thầy cô giáo và toàn thể lưu học sinh Campuchia, Lào của Trường hữu nghị 80.
Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thực hiện chương trình đỡ đầu các sinh viên Campuchia đang học tập tại Hà Nội đã được nhiều năm, đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần tăng cường giao lưu nhân dân và tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc. Chuyến đi Sơn Tây lần này là một trong rất nhiều sự kiện mà Hội tổ chức cho các em. Nhân dịp này phóng viên trang tin điện tử vietpeace.org.vn đã có bài phỏng vấn Em Chay Sothavy, sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Nông nghiệp và bác Bác Vũ Vương Việt, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
PV: Em có thể chia sẻ về cảm xúc của mình khi đón tết Chôl Chnăm Thmây ở Việt Nam ?
Em Chay Sothavy: Em rất vui khi đón tết cổ truyền cùng với các bố mẹ đỡ đầu người Việt Nam. Đây là năm thứ 3 em đón tết ở Việt Nam, em rất nhớ nhà nhưng sự quan tâm của bố mẹ đỡ đầu đã động viên em rất nhiều, em có cảm giác đầm ấm như ở quê nhà.
Bố mẹ đỡ đầu cùng với Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia năm nào cũng tổ chức cho chúng em đón tết với các hoạt động phong phú, ví dụ như là hôm nay, chúng em được đi Sơn Tây gặp gỡ, giao lưu các bạn lưu học sinh Campuchia Trường Hữu nghị 80.
PV: Em có những kỷ niệm gì sâu sắc về tết Chôl Chnăm Thmây khi còn ở quê nhà không? Em hãy giới thiệu về phong tục tết Chôl Chnăm Thmây.
Em Chay Sothavy: Khi còn bé em cùng bố tham dự lễ đón tết Chôl Chnăm Thmây, em đã bị tạt nước rất mạnh, ướt hết nhưng rất vui. Tết Chôl Chnăm Thmây mang ý nghĩa là đón mừng năm mới, tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt, với hy vọng năm mới đến sẽ đem lại những điều may mắn. Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra trong ba ngày, ngày thứ nhất gọi là Thngay Chôl Chnăm Thmây, mọi người trong gia đình đoàn tụ, tắm gội, mặc quần áo đẹp, mang nhang đèn, lễ vật đến chùa dâng lên các vị sư và được nghe các vị chúc tụng năm mới; ngày thứ hai gọi là Thngay Von-boch: mỗi gia đình làm lễ dâng cơm buổi sớm và buổi trưa cho các vị sư sãi; ngày thứ ba gọi là Thngay Lơn-săk (ngày thêm tuổi), tương tự như hai ngày đầu, sau khi đã dâng cơm sáng cho các vị sư ở chùa, người ta làm lễ tắm tượng Phật, nhằm rửa sạch hết cái cũ, những bụi bặm của trần thế trong năm cũ, để bước sang năm mới với một thân thể sạch sẽ và hoàn toàn mới. Tiếp theo đó là lễ cầu siêu cho những người quá cố để cầu kinh, mong vong linh của họ sớm được siêu thoát.
PV: Em đã Việt Nam 3 năm, em có cảm nhận gì về tình cảm mà nhân dân hai nước Việt Nam, Campuchia dành cho nhau ?
Qua những câu chuyện của các bố về quá khứ hào hùng của hai dân tộc, em cảm nhận sâu sắc về tình đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân hai nước. Đặc biệt, qua lời kể sinh động của bố nuôi, em như được chứng kiến những ngày tháng quân và dân hai nước, trong đó có các bố đỡ đầu của chúng em, cùng chung chiến tuyến, chia ngọt, sẻ bùi, chiến đấu chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot. Hiện nay tình đoàn kết, hữu nghị mà nhân dân Việt Nam dành cho Campuchia vẫn không thay đổi, em chứng kiến và cảm nhận được điều đó.
PV: Thưa bác Vũ Vương Việt, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, xin bác cho biết ý tưởng nào dẫn tới việc Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia nhận đỡ đầu các lưu học sinh Campuchia ?
Thế hệ trẻ hai nước chính là hạt giống, là tương lai của tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa hai dân tộc. Vì vậy các em lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam chính là nhân chứng, là người biết rõ về tình cảm mà nhân dân Việt Nam dành cho Campuchia. Hội thực hiện chương trình này hy vọng các em sau khi về nước sẽ có những đóng góp tích cực cho tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia, tuyên truyền để bạn bè, người thân hiểu đúng về quan hệ hữu nghị hai nước. Hiện tại Hội đang đang đỡ đầu 45 sinh viên Campuchia đến từ các trường Đại học ở Hà Nội, sắp tới Hội sẽ tiếp tục mở rộng chương trình đến chi Hội Việt Nam - Campuchia ở các địa phương.
PV: Xin cảm ơn bác và chúc Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia sẽ có nhiều thành công hơn nữa trong chương trình đỡ đầu các lưu học sinh Campuchia .
Tại Trường hữu nghị 80, Đại sứ Campuchia Prak Nguon Hong, cô Hiệu trưởng Trường hữu nghị 80 Nguyễn Thị Ánh đã chúc tết các em sinh viên Campuchia trong đoàn và bố mẹ nuôi, nhắn nhủ các em cố gắng học tập, rèn luyện để sau khi trở về xây dựng đất nước Campuchia ngày một tốt đẹp hơn; tham gia giao lưu văn nghệ, dự tiệc chào mừng năm mới; trao hoa và quà cho đoàn lưu học sinh Campuchia Trường hữu nghị 80.