Khu di tích này có ý nghĩa hết sức đặc biệt, vô cùng gần gũi với nhân dân Việt Nam. Đây là nơi Bác đã từng sống, làm việc, gặp gỡ Lãnh đạo Trung Quốc, trong đó đặc biệt quan trọng là cuộc hội đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai, trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến Hội nghị Giơ-ne-vơ về hoà bình, giải quyết vấn đề Đông Dương vào tháng 7/1954.
Híện nay, quần thể cụm di tích bao gồm: Di tích nhà ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Di tích Lạc Quần xã, Di tích Trại giam Bàn Long Sơn và Di tích Hồng Lầu đã được Quốc vụ viện của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thống nhất gọi tên chung là “Di tích nơi ở cũ của Hồ Chí Minh”, đồng thời công bố Cụm di tích lịch sử quan trọng này là Đơn vị Bảo hộ văn vật trọng điểm toàn quốc.
Khu di tích đã chính thức mở cửa đón khách thăm quan từ năm 2005, đến năm 2010 đã hoàn toàn miễn phí vé thăm quan. Hàng năm, khu di tích đã đón rất nhiều đoàn khách, trong đó phần lớn là người Trung Quốc.
Chiều cùng ngày, đoàn cũng đã tới thăm Công ty trách nhiệm hữu hạn cổ phần Liễu Công (Quảng Tây), Bảo tàng quy hoạch Liễu Châu và Bảo tàng công nghiệp Liễu Châu.
Liễu Châu hay còn gọi là Long Thành là thành phố công nghiệp lớn nhất với sản lượng chiếm 1/3 tổng sản lượng công nghiệp của Quảng Tây và đồng thời là thành phố lớn thứ hai của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Liễu Châu là nơi ghi dấu thời gian hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (giai đoạn từ năm 1942-1944) và quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ tướng Chu Ân Lai (năm 1954); có cơ sở đào tạo lái xe cho quân đội Việt Nam thời kỳ kháng chiến. Liễu Châu cũng là thành phố năng động, tích cực xúc tiến các hoạt động thương mại đầu tư với Việt Nam trong hơn 10 năm qua.
N. Yến