Đây là một trong những sự kiện hướng tới 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Israel (1993-2023). Thành phần tham gia Hội bao gồm chủ yếu các thế hệ đại sứ, phó đại sứ và cán bộ ngoại giao của Israel từng công tác nhiệm kỳ tại Việt Nam trong khoảng 20 năm trở lại đây.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã trao đổi về những kinh nghiệm, kiến thức đã có sau quá trình công tác tại Việt Nam, cả trong lĩnh vực đối ngoại và hợp tác phát triển. Một số cán bộ từng tham gia các dự án trong khuôn khổ do Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế (Mashav) do Bộ Ngoại giao Israel triển khai tại Việt Nam.
Sau khi trở về nước, một số cán bộ đã nghỉ hưu hoặc chuyển sang khu vực tư nhân, nhưng vẫn tiếp tục quan tâm tới môi trường đầu tư và dành tình cảm đặc biệt với đất nước và con người Việt Nam. Các đại biểu cho rằng người dân Việt Nam và Israel có nhiều điểm chung, nhất là tinh thần chịu khó và coi trọng vốn tri thức. Đánh giá cao quá trình phát triển nhanh chóng của Việt Nam về mọi mặt, các đại biểu hy vọng việc thành lập Hội Hữu nghị Israel – Việt Nam sẽ mở thêm một cầu nối thúc đẩy mối quan hệ và giao lưu song phương về các lĩnh vực văn hóa, du lịch...
Chủ tịch điều hành Hội, ông Amikam Levy, nguyên Đại sứ Israel tại Việt Nam giai đoạn 2001 – 2003, cho biết: Mục đích thành lập Hội là nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước vốn có rất nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa. Ông Levy nói: “Hôm nay là một ngày rất đặc biệt với chúng tôi, ngày đầu tiên của Năm Mới của các bạn, và Hội Hữu nghị Israel - Việt Nam được ra mắt trong đúng ngày này. Đây mới chỉ là sự khởi đầu, chúng tôi dự định sẽ chuẩn bị và sớm đưa ra một kế hoạch hoạt động mang tính sáng tạo. Cá nhân tôi cho rằng hoạt động này là rất quan trọng, là một phần của sức mạnh hợp tác song phương”.
Ông Eyal Buvilski, nguyên Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam, cho biết quãng thời gian công tác tại Việt Nam là một trải nghiệm tuyệt vời không chỉ với cá nhân, mà với cả gia đình nhỏ của ông. Trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Israel đang phát triển rất tốt ở cấp độ giữa chính phủ, đây là lúc ngoại giao nhân dân cần được phát triển với mức độ tương ứng và sự ra đời của Hội hữu nghị không nằm ngoài mục đích này.
Ông nói: “Sau khi rời Việt Nam, các nhân viên ngoại giao nói với nhau rằng cần phải làm một điều gì đó vào một thời điểm nào đó. Một ngày nào đó chúng tôi phải thiết lập một cầu nối giữa hai nền văn hóa. Người dân hai nước có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt, muốn tìm hiểu lẫn nhau. Tôi mong muốn có thêm nhiều người Israel sang thăm Việt Nam và ngược lại nhiều người Việt Nam sang thăm Israel”.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung cho biết Việt Nam coi công tác đối ngoại nhân dân có một vai trò quan trọng trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình ổn định, đóng góp vào quá trình phát triển, nâng cao vị thế của đất nước. Sau khi được bổ nhiệm, ông đã đi nhiều tỉnh thành, địa phương ở trong nước và nhận thấy người dân Việt Nam có sự hiểu biết rất tốt về dân tộc Do Thái nói chung và người dân Israel nói riêng, nhất là câu chuyện thành công đất nước Israel trong thời gian không dài đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển của thế giới. Một số lĩnh vực khoa học và công nghệ của Israel đứng đầu thế giới.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Israel thời gian qua đã có sự hợp tác rất gần gũi và sự hợp tác này đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn rất cần có thêm sự hợp tác giữa người dân hai nước trong việc thúc đẩy mối quan hệ song phương. Hy vọng Hội Hữu nghị Israel – Việt Nam sẽ trở thành một ngôi nhà chung cho mọi người có thể tham gia, đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương này.
Q.Hoa t.h / TTX