Thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Cộng hòa Séc
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Séc M.Dê-man và Phu nhân đã đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Chuyến thăm là sự kiện chính trị quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Séc, nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Séc là nước có nền kinh tế phát triển mạnh và ổn định ở Đông Âu. Séc chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 3-1999 và Liên hiệp châu Âu (EU) vào tháng 5-2004. Về chính sách đối ngoại, Séc chủ trương tăng cường hội nhập EU và chú trọng phát triển quan hệ với các nước láng giềng cũng như các nước trong nhóm Visegrad (V4 - liên minh bốn nước Trung Âu). Tại châu Á, Séc ưu tiên thúc đẩy quan hệ với các nước lớn và một số nước bạn truyền thống, trong đó có Việt Nam. Séc cũng luôn chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE)…
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Séc không ngừng được các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp qua nhiều thế hệ. Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống tại khu vực Trung - Đông Âu, trong đó, Séc là một trong những đối tác ưu tiên. Mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao, mà gần đây nhất là chuyến thăm Séc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào tháng 4-2017 và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Séc M.Xtếch vào tháng 11-2015. Việt Nam đã ký với Séc nhiều hiệp định khung về hợp tác kinh tế, đầu tư, ngoại giao, văn hóa, giáo dục… Hai nước luôn phối hợp hành động chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc cũng như các diễn đàn quốc tế.
Chúng ta vui mừng nhận thấy, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Séc ngày càng phát triển, với kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2016 đạt 249 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang Séc các mặt hàng như cà-phê, hạt tiêu, gạo, chè, hải sản… và nhập khẩu từ Séc hàng điện tử, máy móc, hóa chất, dược phẩm, các sản phẩm cơ khí… Năm 2012, Séc công bố Chiến lược xuất khẩu quốc gia giai đoạn 2012-2020, trong đó đưa Việt Nam vào danh sách 12 thị trường ưu tiên của Séc. Hợp tác về giáo dục - đào tạo giữa hai nước được duy trì và phát triển, đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Từ năm 1999 đến nay, Chính phủ Séc duy trì cấp học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh của Việt Nam. Hai bên đang đàm phán ký Thỏa thuận hợp tác về giáo dục trong giai đoạn mới.
Nhân dân Việt Nam luôn đánh giá cao sự ủng hộ nhiệt tình và sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ và nhân dân Tiệp Khắc (trước đây) cũng như của Séc ngày nay trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước của Việt Nam. Séc thường xuyên tham gia các hội nghị quốc tế tài trợ cho Việt Nam và là một trong số ít các nước Trung - Đông Âu cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam từ năm 1994 tới nay, với tổng giá trị tài trợ khoảng 18 triệu USD. Cộng đồng người Việt Nam tại Séc gồm khoảng 65 nghìn người, được chính quyền sở tại tạo mọi điều kiện thuận lợi trong cư trú và kinh doanh. Năm 2013, Chính phủ Séc đã quyết định bổ sung đại diện người Séc gốc Việt vào Hội đồng dân tộc thiểu số.
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng thống M.Dê-man và Phu nhân khẳng định quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Séc và Việt Nam, củng cố quan hệ chính trị tin cậy giữa lãnh đạo hai nước. Chuyến thăm là dịp để hai bên trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực thực chất và hiệu quả hơn, đồng thời trao đổi các vấn đề khu vực, quốc tế hai bên cùng quan tâm, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.