Theo đó, Dự án sẽ xử lý triệt để thấm dột mái Khải Tường Lâu xuống công trình và hạn chế nguy cơ gây hư hỏng các bộ phận khác nhằm nâng cao diện mạo khang trang, sạch đẹp của công trình, trả lại vẻ đẹp vốn có của tòa lâu đài và phát huy giá trị tổng thể di tích cung An Định. Bên cạnh đó góp phần phục vụ người dân địa phương, du khách, các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu, học tập tại di tích cung An Định.
Cung An Đinh. |
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiếp nhận khoản tài trợ và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.
Cung An Định được xây dựng năm 1917, tọa lạc ngay bên bờ sông An Cựu, hiện nay là địa chỉ 179B Phan Đình Phùng (TP.Huế). Di tích là công trình độc đáo gắn bó với nhiều vị vua cuối triều Nguyễn như vua Khải Định, vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long.
Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay cung An Định còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường. Cổng chính làm theo lối tam quan, hai tầng, trang trí bằng sành sứ đắp nổi rất công phu. Đình Trung Lập, nằm phía trong cửa, kết cấu kiểu đình bát giác, nền cao. Trong đình nguyên có đặt bức tượng đồng vua Khải Định, tỷ lệ bằng người thật, đúc từ năm 1920. Lầu Khải Tường nằm phía sau đình Trung Lập, là công trình kiến trúc chính của cung An Định.
Dưới triều hoàng đế Khải Định (1916-1925) và Bảo Đại (1926-1945), cung An Định là nơi tổ chức các lễ tiếp tân, lễ khánh hỷ của hoàng gia với sự tham dự của đình thần và các quan chức thuộc chính phủ Bảo hộ Pháp. Nơi đây cũng ghi dấu một giai đoạn gia đình cựu hoàng Bảo Đại từng sinh sống sau khi nhà vua thoái vị (8/1945). Đặc biệt cũng là nơi gắn bó nhiều kỷ niệm với đức Từ Cung, vị Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn.
th Thời đại