Chiều 13/7 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thông tin đối ngoại 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương chủ trì Hội nghị |
Tham dự Hội nghị có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và phóng viên các cơ quan báo chí.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quế Lâm, Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại nhấn mạnh 6 tháng đầu năm 2022, tình hình trong và ngoài nước có nhiều biến động với những thuận lợi và thách thức đan xen. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp; cuộc xung đột Nga- Ukriane vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, tác động sâu sắc đến đời sống chính trị, kinh tế xã hội và quan hệ quốc tế. Dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các quốc gia từng bước mở cửa thực hiện phục hồi kinh tế. Kinh tế thế giới đang phục hồi chậm. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu… tiếp tục đặt ra nhiều thách thức đối với quản trị toàn cầu. Tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa sự ổn định và an ninh ở khu vực. Trong nước diễn ra nhiều sự kiện chính trị, xã hội, đối ngoại quan trọng. Đại dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát, Việt Nam chính thức mơ của trở lại.
Đồng chí Nguyễn Quế Lâm, Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại phát biểu tại hội nghị |
Trong bối cảnh đó, công tác thông tin đối ngoại đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển tích cực của tình hình kinh tế - xã hội, sự phục hồi mạnh mẽ các hoạt động kinh tế và giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về quan điểm, đường lối đối ngoại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là:
Thứ nhất, việc kịp thời thông tin đẩy đủ, chính xác về các sự kiện chính trị - đối ngoại quan trọng của đất nước như các chuyến thăm, làm việc, trao đổi đoàn của lãnh đạo cấp cao, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII; Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, SEA Games 31.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm trong năm tròn Việt Nam kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước đối tác quan trọng, trong đó có Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên hợp quốc… Đặc biệt là Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022 và Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022.
Thứ ba, công tác bảo hộ công dân được thực hiện rất thành công, tuyên truyền, thông tin đối ngoại rộng rãi làm nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, đồng thời làm sáng ngời những giá trị truyền thống chia sẻ, đùm bọc tốt đẹp của dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã hoàn thành tốt vai trò chỉ đạo, lãnh đạo toàn lực lượng triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, đảm bảo thống nhất về nội dung, phương thức; đồng bộ trong phối hợp triển khai; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh phức tạp, có tác động sâu sắc đến nhận thức, tư tưởng nhân dân. Sự phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan liên quan, giữa trung ương và địa phương được tăng cường, thể hiện rõ nét trong công tác phối hợp triển khai nhiều hoạt động thông tin đối ngoại về đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân. Huy động được sự tham gia tích cực, chặt chẽ, hiệu quả của kiều bào, các cơ quan thường trú, đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ bản tranh thủ được đội ngũ phóng viên thường trú nước ngoài tại Việt Nam, người nước ngoài có thiện cảm với Việt Nam.
Đồng chí Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác thông tin đối ngoại nói chung và hoạt động của Ban Chỉ đạo nói chung còn một số hạn chế, như: tình trạng báo chí đưa tin thiếu khách quan, cân bằng, việc dẫn tin chưa qua kiểm chứng, mang góc nhìn, quan điểm của phương Tây vẫn còn tồn tại. Việc đổi mới phương thức thông tin đối ngoại chưa được triển khai đồng đều giữa các địa phương; tính chủ động định hướng trước những sự kiện lớn, được dư luận quan tâm, đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc; việc theo dõi, phối hợp đôi lúc chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Đồng chí Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ từ đại diện các ban, bộ, ngành liên quan đối với công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương ghi nhận những đóng góp, sự chủ động, tích cực trong chỉ đạo, điều hành, định hướng thông tin, tuyên truyền đối ngoại của Ban Chỉ đạo và các cơ quan thành viên.
Đồng chí đề nghị trong 6 tháng cuối năm 2022, Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo và các ban, bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, quán triệt sâu sắc công tác tư tưởng và đối ngoại theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Hội nghị triển khai Nghị quyết của Đại hội XIII;
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân; tăng cường phối hợp thật tốt các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại.
Ba là, sớm trình Bộ Chính trị Chiến lược thông tin đối ngoại đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và triển khai tổ chức phổ biến, quán triệt Kết luận của Bộ Chính trị về Chiến lược ngay khi được ban hành.
Bốn là, chú trọng các nội dung thông tin đối ngoại nhằm nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thương mại, du lịch; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần, ý thức trách nhiệm với đất nước.
Quang cảnh hội nghị |
Năm là, tăng cường nội dung thông tin đối ngoại về công tác bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân tộc, tôn giáo nhằm phục vụ nhiệm vụ ứng cử ủy viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Sáu là, đa dạng hoá các hình thức thông tin tuyên truyền; nâng cao vai trò chủ lực của báo chí, hiệu quả của đổi mới phương thức thông tin đối ngoại theo hướng áp dụng các phương thức truyền thông mới, thúc đẩy chuyển đổi số góp phần tạo sự đồng thuận trong Đảng, trong nhân dân ta ở trong nước và nước ngoài; và sự thấu hiểu, chia sẻ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam./.
N.Nghiêm/th theo Trang thông tin của BCĐ công tác TTĐN