Sự kiện thu hút hơn 100 đại biểu đến từ các đơn vị quản lý giáo dục trung ương và địa phương, các trường học, tổ chức quốc tế và đại diện phụ huynh – giáo viên từ nhiều tỉnh, thành phố.
![]() |
Hơn 100 đại biểu tham dự buổi tổng kết dự án. (Ảnh: Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) |
Báo cáo tổng kết, ông Đào Khắc Việt, Quản lý dự án, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nhấn mạnh những tác động tích cực mà dự án mang lại cho trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 11 tuổi thông qua việc cải thiện chất lượng giảng dạy và môi trường học tập tại nhà. Đặc biệt, ba mô hình thực hành tốt được triển khai thành công trong khuôn khổ dự án bao gồm: Chương trình tin nhắn hỗ trợ phụ huynh trong việc đồng hành cùng con học tại nhà qua nền tảng trực tuyến; Ứng dụng học đọc tiếng Việt “Vui đọc cùng em” với 500 bài đọc tương tác sinh động dành cho học sinh tiểu học; Hoạt động nâng cao năng lực cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tập trung vào nội dung dạy đọc viết cho học sinh tiểu học (LB) và làm quen chữ cái, toán cho trẻ mầm non (ELM).
Các mô-đun này đã được số hóa, tích hợp vào hệ thống trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời được khuyến khích giáo viên đăng ký tự học. Nhiều tỉnh cũng đã chủ động tổ chức tập huấn lại và sinh hoạt chuyên môn để hướng dẫn giáo viên lồng ghép LB và ELM vào chương trình giảng dạy, góp phần lan tỏa bền vững các phương pháp tiếp cận đổi mới.
Dự án cung cấp 25.503 bộ tài liệu ELM và LB, 8.300 đầu sách truyện thiếu nhi, 79 giá sách, 310 bàn đọc sách và 205 thiết bị công nghệ như máy tính, máy tính bảng và tivi. Tổng cộng có hơn 27.238 trẻ em, 1.677 cán bộ giáo viên và 27.296 phụ huynh được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động của dự án. |
![]() |
Hơn 27.000 trẻ em thiệt thòi tại Hải Phòng và Đồng Tháp được hưởng lợi từ dự án. (Ảnh: Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) |
Tại buổi tổng kết, ông Trần Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá dự án đã đạt được cơ bản các mục tiêu đề ra. Trong đó kết quả cuối cùng là 4 mô-đun bồi dưỡng thường xuyên cấp mầm non và tiểu học đã được số hóa, cập nhật trên hệ thống TEMIS của Bộ Giáo dục và Đào tạo để các cán bộ quản lý, giáo viên chủ động tham gia bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho bản thân nhằm thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.
Đại diện địa phương, bà Đỗ Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đánh giá cao tính bền vững của dự án: "Dự án nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em thiệt thòi tại Việt Nam đã có những hỗ trợ mang tính bền vững cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh thông qua những đóng góp về mặt vật chất và chuyên môn. Đặc biệt, việc số hóa các tài liệu cung cấp nguồn học liệu hữu ích và đảm bảo tính tiếp cận rộng rãi cho các giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn cho các thầy cô".
![]() |
Bà Lê Thị Thuỳ Dương, Giám đốc Chương trình Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phát biểu tại buổi tổng kết. (Ảnh: Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) |
Thông qua dự án này, bà Lê Thị Thuỳ Dương, Giám đốc Chương trình Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tái khẳng định cam kết không ngừng nỗ lực mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em thiệt thòi tại Việt Nam. Với sự phối hợp chặt chẽ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở và Phòng Giáo dục các địa phương, những kết quả đạt được sẽ tiếp tục được duy trì, phát huy và lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em trên toàn quốc.
Theo Thời Đại