Quang cảnh buổi Tọa đàm Ảnh (TV)
Tham dự Tọa đàm có ông Nguyễn Tâm Chiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ; đại diện các Bộ, Ban, Ngành, các tổ chức xã hội, các cán bộ lão thành, cựu lãnh đạo ngoại giao Việt Nam và Hội viên Hội Việt - Mỹ.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Nguyễn Tâm Chiến cho biết: Tọa đàm về “Hồ Chí Minh với quan hệ Việt - Mỹ” là hoạt động có ý nghĩa nhân dịp kỉ niệm 72 năm cách mạng tháng 8, quốc khánh 2/9 và 72 năm thành lập Việt - Mỹ thân hữu hội (tiền thân của Hội Việt - Mỹ). Đây cũng là dịp để cùng nhau ôn lại các tư liệu, mẩu chuyện lịch sử về Bác Hồ, tưởng nhớ công ơn của Người, nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và tác phong của Hồ Chí Minh, nhất là về tầm nhìn đối ngoại nói chung và về thực tiễn quan hệ Việt-Mỹ, trong đó có đối ngoại nhân dân với Mỹ, nói riêng.
Lịch sử quan hệ Việt - Mỹ thời hiện đại, cận đại cũng bắt nguồn từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Mỹ là nước Bác dừng chân lâu nhất, từ đó mở ra sự phát triển quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Mỹ luôn thường trực trong suy nghĩ và hành động của người.
Theo Chủ tịch Hội Việt - Mỹ Nguyễn Tâm Chiến, tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ Việt - Mỹ là một chủ đề bao quát nhiều khía cạnh, nội dung, từ triết lý đến hành động, phong cách ứng xử. Những điểm này đều xuất phát từ mục tiêu giải phóng cho đất nước, dân tộc Việt Nam và góp phần giải phóng các dân tộc, nhân dân bị áp bức ở các nước khác. Cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở 4 chữ “Vì nước, Vì dân”. Đạo đức và tác phong của Người là ở sự “Kính trọng dân, và thương dân”. Toàn bộ cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sâu sắc, nhất quán tư tưởng đạo đức, phong cách này.
Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại Tọa đàm (Ảnh: TV)
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Việt - Mỹ cho biết, đầu năm 1945, Trung úy phi công Mỹ William Saw bị rơi tại Cao Bằng được quân và dân ta cứu và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật. Người đã cùng một số cán bộ trực tiếp đưa viên phi công sang Trung Quốc trao trả cho phía Mỹ.
Đầu tháng 10-1945, Tổng thống Mỹ Truman đã tuyên bố chính sách đối ngoại 12 điểm sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, trong đó nêu rõ Mỹ sẽ “không phản đối và không giúp Pháp tái lập sự kiểm soát ở Đông Dương”. Nhằm khai thác điểm tích cực trong tuyên bố của Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương vận động thành lập Việt - Mỹ thân hữu hội, tiền thân của Hội Việt - Mỹ hiện nay. Ngay từ khi thành lập, Hội đã trở thành cầu nối để những người yêu chuộng hòa bình tại Mỹ biết thêm về tình hình thực tế của Việt Nam. Phạm vi hoạt động của hội cũng vô cùng phong phú. Không chỉ lập những lớp dạy tiếng Anh, Hội còn tổ chức những cuộc nói chuyện để các hội viên hiểu rõ văn minh và học thuật Mỹ. Bên cạnh đó, Hội cũng lập những lớp dạy tiếng Việt cho người Mỹ giúp đỡ các bạn học sinh Việt Nam muốn sang theo học bên Mỹ. Quan trọng hơn, Hội cũng tham gia dịch các cuốn sách Mỹ, Việt và truyền bá những tác phẩm phiên dịch ấy để nhân dân hai nước hiểu rõ về văn hóa, phong tục của nhau...
Với quan niệm “thêm bạn bớt thù”, trong thời gian từ 1945 đến trước ngày mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần gửi thư cho các Tổng thống Mỹ kêu gọi tăng cường quan hệ Việt - Mỹ, tố cáo những tội ác chiến tranh của thế lực hiếu chiến Mỹ, đề cao quan hệ hữu nghị và tình cảm của nhân dân Mỹ.
Các đại biểu cũng nhìn lại những thăng trầm trong quan hệ Việt- Mỹ kể từ khi Việt Nam giành được độc lập năm 1945 cho đến khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995. Nhà nghiên cứu Hạ Chí Nhân, con gái của đồng chí Hoàng Quốc Việt-người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho rằng lẽ ra, việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có thể diễn ra sớm hơn. “Việc đánh thắng đế quốc Mỹ là điều không tưởng. Nhưng đánh bại ý chí xâm lược là điều quyết tâm làm và chúng ta đã thành công. Đáng tiếc là việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ đã không diễn ra sớm hơn. Từ năm 1995 tới nay, 22 năm bình thường hóa quan hệ, Việt Nam có được kỳ tích ngày hôm nay là có sự đóng góp, hợp tác của nhân dân Mỹ, cựu chiến binh Mỹ, nước Mỹ, góp phần vào sự phát triển vượt bậc trong kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, tạo nên một Việt Nam năng động, sôi nổi, đầy hứng khởi, hướng về tương lai”, nhà nghiên cứu Hạ Chí Nhân nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng việc nghiên cứu tư tưởng, triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ là điều có ý nghĩa quan trọng. Từ đó, hiểu hơn nền văn hóa Mỹ là cơ sở cho đối ngoại nhân dân thời gian tới.
NN