Tham dự có ông Wolfgang Boetsch, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính và Viễn thông Đức; ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Phạm Hoàng Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện tổ chức HSF.
Ông Wolfgang Boetsch khẳng định Việt Nam là một đối tác hợp tác quốc tế quan trọng nhất của Đức tại Châu Á. Từ năm 1990, Đức đã hỗ trợ Việt Nam gần 1,5 tỷ Euro tập trung vào ba trọng tâm sau: phát triển kinh tế bền vững, đào tạo nghề; bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và phát triển thành phố; cải thiện hệ thống chăm sóc y tế phân cấp. Năm 2011, Đức đã nâng vị trí của mình lên thành đối tác thương mại lớn nhất với Việt Nam trong khối EU. Giá trị trao đổi thương mại tăng đáng kể từ 5,85 tỉ USD năm 2000 lên 7,5 tỉ USD năm 2011. CHLB Đức còn hỗ trợ Việt Nam trong việc cải cách cơ cấu luật pháp – một trong số chủ đề của các cuộc đối thoại Đức – Việt về Nhà nước pháp quyền. Rất nhiều hội thảo, hội nghị, các chuyến thăm, làm việc và nhiều hoạt động khác giữa các luật sư và cán bộ Việt Nam đã được tổ chức tại Đức cũng như Việt Nam trong khuôn khổ dự án này.
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Hoàng Mai đã trình bày tham luận “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam”. Chiến lược này xác định ba mục tiêu cụ thể. Thứ nhất, tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có, khuyến khích phát triển các vùng kinh tế, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao. Thứ hai, nghiên cứu ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Thứ ba, nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh. Để đạt được ba mục tiêu nêu trên, chiến lược cũng đề ra ba nhiệm vụ quan trọng: giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Ông Mai mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Đức trong việc đào tạo nguồn nhân lực về sản xuất thiết bị điện gió, điện mặt trời; tái đào tạo nguồn nhân lực trong một số lĩnh vực bị thu hẹp trong quá trình phát triển chiến lược; nhận được công nghệ mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sản xuất carbon thấp, bảo hành các thiết bị mới; nhận được kinh nghiệm trong việc quản lý các ngành công nghệ xanh, kinh nghiệm huy động nguồn lực tài chính kể cả tư nhân. Ông khẳng định chiến lược mới đưa lại nhiều khả năng hợp tác Đức Việt trong tương lai.
HSF là một tổ chức chính trị xã hội của Cộng hòa Liên bang Đức có phạm vi hoạt động tại 62 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, HSF có mặt từ năm 1990 và đã triển khai nhiều hợp tác với Văn phòng Chính phủ, các bộ và trường đại học, thực hiện các dự án bảo vệ môi trường và đào tạo nâng cao nguồn lực.
Nam Hương