
Ảnh: TV
Tham dự buổi tọa đàm có bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ; ông Trịnh Ngọc Thái, Phó Chủ tịch Quỹ; ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương; ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; các cán bộ chuyên viên nghiên cứu của Bộ Ngoại Giao, Bộ Công thương và một số thành viên của Quỹ và Thời báo Kinh tế Việt Nam…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh, TPP là Hiệp định của thế kỷ thứ 21. Hiệp định TPP không những có ý nghĩa chính trị mà còn đóng vai trò rất lớn trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, để tận dụng được những ưu thế của TPP, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước cần phải hiểu và nắm chắc về Hiệp định này.
Với tư cách là Phó Trưởng đoàn Việt Nam tham dự vòng đàm phán lần thứ 19 về Hiệp định TPP, ông Lương Hoàng Thái cho biết, Hiệp định TPP là Hiệp định có tiêu chuẩn, vị trí và tầm chiến lược nhất trên thế giới. Tính đến tháng 07/2013 đã có 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định TPP. Trong số các nước tham gia, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất. Chính vì vậy, việc tham gia Hiệp định TPP sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam, kết nối với các nước thành viên khác trong việc phát triển kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo thuận lợi cho thương mại và hiệu quả trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn nếu doanh nghiệp Việt Nam không có định hướng và kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nhận định, khi tham gia Hiệp định TPP, doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn, nguồn thiết bị, máy móc chất lượng tốt hơn. Nhưng cùng với đó các doanh nghiệp như ô tô, công nghiệp nặng, chăn nuôi gia cầm sẽ phải đối mặt với những đối thủ mạnh hơn về vốn, công nghệ, trình độ quản lý và kinh nghiệm trên cả lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Do vậy, để tận dụng tối đa và hiệu quả các cơ hội mà Hiệp định TPP đem lại, Việt nam phải có những biện pháp trước mắt và lâu dài để ứng phó với những thách thức khi gia nhập Hiệp định TPP.
Theo ông Lê Đăng Doanh, Việt Nam tham gia Hiệp định TPP là phù hợp với chiến lược nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Hiệp định TPP sẽ tác động lớn đến môi trường kinh doanh của nước ta thông qua những cam kết trong Hiệp định. Để năm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định; từ đó, xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.
Buổi tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm của các đại biểu. Nhiều ý kiến phát biểu đã được các chuyên gia kinh tế và đại diện các ban ngành thảo luận một cách cụ thể.
Phát biểu bế mạc buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Bình cho rằng, đây là một cơ hội hết sức quý báu khi có sự tham dự, trao đổi, cập nhật thông tin của đại diện đoàn đàm phán Hiệp định TPP. Bà Bình mong muốn, Chính phủ và Nhà nước cần công khai thông tin về tiến trình đàm phán, lấy ý kiến rộng rãi của các nhóm có liên quan, đưa ra các chiến lược đàm phán hiệu quả vì lợi ích của quốc gia./.
Thu Hằng