Ngày 31/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức tọa đàm “Tăng cường phối hợp nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân đa phương” nhằm đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả hơn nữa hoạt động đối ngoại nhân dân đa phương.
Ảnh: TV
Tham dự Tọa đàm có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp; lãnh đạo Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Hội Quốc tế ngữ Việt Nam, Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á - Phi - Mỹ Latinh cùng đại diện một số Ban, đơn vị trong Liên hiệp.
Các đại biểu đã nghe báo cáo tổng kết về công tác đối ngoại nhân dân đa phương về 10 hoạt động nổi bật mảng công tác đa phương trong năm 2014:
Thứ nhất, các hoạt động liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, các Hội thành viên đã ra Tuyên bố, gửi thư ngỏ đến các tổ chức đối tác đề nghị ủng hộ quan điểm của Việt Nam. Tại các Diễn đàn Nhân dân đa phương, Liên hiệp đã chủ động phối hợp với Ban Tổ chức và các tổ chức bạn bè đưa nội dung về Biển Đông vào các cuộc thảo luận cũng như Tuyên bố cuối cùng. Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đã hoàn thành việc tái bản cuốn sách Việt Nam và Biển Đông bằng tiếng Việt, tiếng Anh để làm tài liệu tuyên truyền.
Thứ hai, tham dự Diễn đàn Nhân dân Á- Âu lần thứ 10 tại Milan, Ý. Liên hiệp cử đoàn 09 đại biểu tham dự Diễn đàn tổ chức tại Milan, I-ta-li-a từ 10-12/10/2014. Đoàn đại biểu Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức quốc tế tập hợp được các tổ chức, cá nhân tham dự Diễn đàn nên tạo được sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ và thống nhất chung, từ đó đóng góp tích cực cho công tác tổ chức và các hoạt động tại Diễn đàn.
Thứ ba, tham dự Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2014 tại Myanmar. Đoàn Việt Nam đã tham gia đầy đủ, có trách nhiệm từ các Hội nghị trù bị (04 Hội nghị) và Diễn đàn chính thức (20-24/3/2014), tiếp kiến lãnh đạo cấp cao ASEAN (08-13/5/2014) và tham gia Tiểu ban điều hành của Diễn đàn (5-8/8/2014). Các đại biểu Việt Nam đã chủ động trao đổi và đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam, không để đưa vào biên bản và khuyến nghị của các hội thảo các nội dung bất lợi đối với Việt Nam.
Thứ tư, các hoạt động bảo vệ và đấu tranh nhân quyền Liên hiệp đã tham gia Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Việt Nam và lần đầu tiên làm đầu mối tổ chức họp tham vấn giữa các tổ chức nhân Việt Nam với đại diện Việt Nam tại Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) vào ngày 17/4/2014.
Thứ năm, tổ chức Hội thảo quốc tế “Các phương án tự chủ của các nước phương Nam trong thế giới toàn cầu hóa”từ ngày 13-14/8/2014. Tại Hội thảo, các đại biểu quốc tế và trong nước tập trung thảo luận về việc tự chủ đi lên của các nước phương Nam; tác động của trật tự kinh tế thế giới và toàn cầu hóa đối với sự phát triển và chủ quyền kinh tế của các nước phương Nam; những bài học thực tế về phát triển của các nước phương Nam; kinh nghiệm ở các khu vực đặc biệt là Mỹ La tinh và ASEAN, phong trào không liên kết; vấn đề tăng cường đoàn kết giữa các nước phương Nam theo tinh thần Hội nghị Băng Đung trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Thứ sáu, đón đoàn đại biểu Hiệp hội Nhân dân Trung Quốc vì Hòa bình và Tài giảm quân bị (Hòa Tài)tháng 10/2014. Phát biểu tại các cuộc làm việc và tiếp xúc cũng như qua thái độ trong suốt chuyến thăm, đoàn Hòa Tài đã thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, coi Ủy ban Hòa bình Việt Nam là một trong các kênh đối ngoại nhân dân làm cầu nối cho quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Thứ bảy, bà Nguyễn Thị Bình được bầu lại là Phó Chủ tịch tổ chức đoàn kết nhân dân Á Phi (AAPSO). Tại Đại hội lần thứ IX của AAPSO, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, đã được tín nhiệm bầu lại là Phó Chủ tịch AAPSO. Điều này thể hiện sự tín nhiệm của AAPSO với Việt Nam nói chung cũng như với cá nhân bà Nguyễn Thị Bình.
Thứ tám, đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế về “Hợp tác Năng lượng và Môi trường tại Đông Á”ngày 29-30/7/2014. Hội thảo được Ủy ban Hòa bình Việt Nam tổ chức nhằm tìm hiểu khả năng hợp tác về năng lượng và môi trường tại Đông Á. Đây cũng được coi là cơ hội để các tổ chức nhân dân Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên gặp gỡ và giao lưu.
Thứ chín, tổ chức hoạt động Chạy vì hòa bình (Peace Run) tại Hà Nội và Thanh Hóa (17-21/11/2014) Hoạt động Chạy vì hòa bình đã giúp nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về hòa bình và một thế giới hài hòa. Hoạt động đã giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình tới bạn bè quốc tế, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho các đại biểu quốc tế và Việt Nam tham gia chương trình.
Thứ mười, tổ chức Hội thảo chung thanh niên châu Á (KS33) của Hội Quốc tế ngữ từ 26 - 28/12/2014. Đây là sự kiện thường niên của thanh niên 4 nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. KS33 vừa qua được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của 50 đại biểu đến từ 7 quốc gia để họp bàn chung về phương hướng hoạt động và hợp tác của thanh niên các nước trong khu vực châu Á. Sự kiện đã diễn ra tốt đẹp và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã chia sẻ kinh nghiệm công tác đối ngoại nhân dân đa phương và thảo luận về phương hướng hoạt động của công tác trong năm 2015, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính: các tổ chức đa phương sẽ phối hợp với nhau và với các tổ chức nhân dân khác chú trọng vào các hoạt động theo các nhóm chủ đề về hòa bình, phát triển và an ninh; tập trung công tác nghiên cứu và tổ chức tọa đàm về vấn đề Biển Đông, vai trò của hòa bình trong việc đảm bảo quyền con người…; dịch cuốn sách Việt Nam và Biển đông sang Quốc tế ngữ; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, cung cấp tài liệu tuyên truyền cho các đoàn đi công tác; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trang thông tin điện tử của Liên hiệp, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam và các hội thành viên, đáp ứng nhu cầu chia sẻ thông tin; duy trì quan hệ với bạn bè đối tác truyền thống và mở rộng quan hệ với những đối tác, bạn bè mới.