1. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 01 đến ngày 05 tháng 11 năm 2023.
2. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh đã hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ; thăm Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an Việt Nam và thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa tại tỉnh Hòa Bình.
3. Trong chuyến thăm, hai bên đã trao đổi thực chất về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, giao thông vận tải, logistics, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân, cũng như một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hướng tới thiết lập khuôn khổ quan hệ mới ngày càng toàn diện, thực chất dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao Việt Nam-Mông Cổ năm 2024.
4. Tại hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh bày tỏ hài lòng về quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp và đạt một số thành tựu mới trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế; nhất trí cùng tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của mỗi nước. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, các cấp thông qua các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội bằng nhiều hình thức linh hoạt; phối hợp triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2024; thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác song phương, qua đó góp phần củng cố lòng tin chính trị giữa hai nước.
5. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, trong đó có “Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mông Cổ về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng” (12/2019); đặc biệt là triển khai kết quả chuyến thăm chính thức Mông Cổ củaBộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tháng 10/2023 vừa qua; thúc đẩy hợp tác thực chất trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghiệp quốc phòng, gìn giữ h òa bình, trao đổi thông tin trong lĩnh vực quốc phòng thông qua các dự án, chương trình hợp tác cụ thể. Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả các văn kiện hợp tác song phương trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, quản lý xuất nhập cảnh đã ký giữa các cơ quan thực thi pháp luật hai nước; ghi nhận việc thành lập Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an Việt Nam là minh chứng sinh động cho sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan an ninh hai nước, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nhất trí tiếp tục hợp tác để tăng cường Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh trong thời gian tới.
7. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp ký năm 2022; hoan nghênh hai bên đã thống nhất Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu thịt dê, cừu từ Mông Cổ và Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm từ Việt Nam vào Mông Cổ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trao đổi nông sản hai nước; tăng cường trao đổi chuyên gia, chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, nhất là công nghệ sản xuất thực phẩm nông nghiệp cho phía Mông Cổ.
8. Lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá cao các tổ chức liên quan hai bên mở rộng quan hệ hàng không, nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân hai nước. Hai bên nhất trí cần tiếp tục trao đổi tìm giải pháp cơ bản tháo gỡ khó khăn trong logistics, vận tải đường sắt, đường biển và hàng không giữa hai nước.
9. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Lao động và Bảo trợ xã hội Mông Cổ (2017) về hợp tác trong lĩnh vực chính sách việc làm, an sinh xã hội, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, phát triển dân số, chính sách và dịch vụ xã hội cho người khuyết tật, bình đẳng giới và phúc lợi xã hội; nhất trí tiếp tục nghiên cứu khả năng cung ứng và tiếp nhận lao động theo các ngành nghề, lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu.
10. Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định về hợp tác giáo dục ký năm 2012. Phía Việt Nam nhất trí xem xét tích cực việc tăng thêm số lượng học bổng Chính phủ cho phía Mông Cổ trên cơ sở Sáng kiến Chương trình học bổng của Tổng thống Mông Cổ mang tên “Thông điệp 2100.”
11. Hai bên nhất trí mở rộng hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực y tế, trong đó có y học cổ truyền; nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất thuốc từ thảo dược; tăng cường triển khai các chương trình giao lưu và quảng bá về văn hóa, lịch sử mỗi nước, thúc đẩy trao đổi các đoàn văn hóa, nghệ thuật; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử; tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch hai bên, thúc đẩy giao lưu hữu nghị nhân dân hai nước, đặc biệt là giao lưu thanh niên, sinh viên và hợp tác giữa các địa phương; hợp tác chặt chẽ bảo hộ công dân mỗi nước yên tâm sinh sống, học tập và làm việc tại nước kia, góp phần phát huy vai trò cầu nối quan hệ hữu nghị hai nước.
12. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm như Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, WTO, ASEM, ASEAN (ARF), UNESCO, Hội nghị quốc tế “Đối thoại Ulaanbaatar” về an ninh khu vực Đông Bắc Á, Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG).
13. Phía Việt Nam sẵn sàng ủng hộ Mông Cổ mở rộng và tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, đồng thời khẳng định ủng hộ đề nghị của Mông Cổ gia nhập APEC khi tổ chức này mở rộng kếp nạp thành viên mới. Hai bên coi trọng việc thực hiện Chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030; bày tỏ sẵn hợp tác thực chất theo hướng ủng hộ tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực.
14. Hai bên ghi nhận tầm quan trọng của việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh trên Biển Đông, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
15. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký các văn kiện sau:
(1) Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mông Cổ về việc miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông; (2) Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Tư pháp và Nội vụ Mông Cổ về trao đổi thông tin và hợp tác quản lý xuất nhập cảnh; (3) Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Tư pháp và Nội vụ Mông Cổ về hợp tác phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia; (4) Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Mông Cổ; (5) Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Mông Cổ về hợp tác nghiên cứu chiến lược; (6) Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ về thương mại gạo bền vững.
16. Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân chân thành cảm ơn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phu nhân, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã dành cho đoàn Mông Cổ sự đón tiếp trọng thị, thân tình và chu đáo. Tổng thống Mông Cổ trân trọng mời Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mông Cổ vào năm 2024. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cảm ơn và vui vẻ nhận lời./.
Q.Hoa t.h / TTXVN