Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào từ ngày 30/5 đến 3/6/2019, chiều 1/6, đoàn đại biểu Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào do ông Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Lào dẫn đầu đã tham dự Lễ bàn giao Nhà Hữu nghị Việt Nam – Lào cho bà Kanchia ở tỉnh Sê Kông, Lào.
Đây là dự án hợp tác giữa Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào và Trung ương Hội Hữu nghị Lào – Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Trần Văn Túy nhận định, câu chuyện người thiếu phụ trẻ tuổi Kanchia vượt qua những rào cản kiêng kị của phong tục tập quán dân tộc, sẵn lòng chia sẻ dòng sữa đang nuôi con nhỏ của mình để cứu sống anh bộ đội tình nguyện Việt Nam bị trọng thương trong kháng chiến chống Mỹ là một trong những điển hình về sự hy sinh cao cả và thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Lào.
Theo ông, câu chuyện đẹp này có lẽ chỉ có trong quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào, là một nghĩa cử cao đẹp góp phần xây đắp và hun đúc nên tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Hành động này cũng cho thấy, bản làng nào, địa danh nào trên đất nước Lào anh em cũng in đậm dấu ấn nghĩa tình keo sơn gắn bó của nhân dân và bộ đội Lào với quân tình nguyện Việt Nam.
Ông Trần Văn Tuý cho biết thêm, cuối năm 2016, Hội đã biết tin về bà Kanchia thông qua Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Lào – Việt. Với tinh thần "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây", Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào đã phát động đợt quyên góp xây dựng ngôi nhà tình nghĩa cho bà mẹ Kanchia.
Chỉ trong một thời gian ngắn, các cấp Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào trong cả nước đã quyên góp được 400 triệu đồng. Số tiền này đã được chuyển tới Hội Hữu nghị Lào – Việt Nam để triển khai xây dựng căn nhà.
Nhân dịp này, ông Trần Văn Tuý đã gửi lời cảm ơn Trung ương Hữu nghị Lào – Việt Nam, Lãnh đạo tỉnh Sê Kông và Hội Hữu nghị Lào – Việt Nam tỉnh Sê Kông đã phối hợp, giúp đỡ rất tích cực để công trình được hoàn thiện và bàn giao.
"Công trình được hoàn thành là biểu tượng của tình nghĩa đặc biệt chia ngọt sẻ bùi và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào", ông Trần Văn Tuý nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào đã trao tặng bà Kanchia một sổ tiết kiệm và một chiếc tivi |
Chia sẻ về bà mẹ Kanchia, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Vilayvong Butdakham cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của hai dân tộc, bà mẹ Kanchia cùng với người dân tỉnh Sê Kông đã giúp sức bảo vệ và sửa chữa những tuyến đường đường Hồ Chí Minh bị hư hại. Đặc biệt, những giọt sữa nghĩa tình cứu anh bộ đội Việt Nam bị thương, thể hiện tình cảm keo sơn gắn bó hai nước Việt - Lào.
Ngoài số tiền 400 triệu đồng do Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào gửi tặng trong đợt quyên góp đầu tiên, dự án đã nhận được sự hỗ trợ tiếp theo của Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào thành phố Hồ Chí Minh và Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam. Phía Lào hỗ trợ một phần kinh phí và triển khai công tác xây dựng căn nhà.
Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt nhận định, dự án là biểu tượng của sự hợp tác chặt chẽ, ngày càng đi vào chiều sâu giữa hai Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Ông Vilayvong bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam, Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Lào, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Nam cùng chung sức góp vốn để xây dựng căn nhà này. Đồng thời hy vọng, Hội Hữu nghị Việt – Lào tiếp tục giúp đỡ để xây dựng những Nhà Hữu nghị Việt Nam – Lào tương tự ở miền Trung và miền Bắc Lào. Mặt khác, ông Vilayvong cũng đề nghị Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào phối hợp để phía Lào tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với cựu quân tình nguyện Việt Nam.
Tại buổi Lễ này, đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào đã trao tặng bà Kanchia một sổ tiết kiệm và một chiếc tivi, tổng trị giá 100 triệu đồng. Đây là số tiền Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào trong Công an nhân dân, tổ chức thành viên của Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào và một số đơn vị khác quyên góp.
Bà Kanchia còn được người dân gọi với cái tên khác là mẹ Heem, ở bản Mô, huyện Viêng Thông, Đông Bắc tỉnh Sekong.. Bà là người mẹ năm 1970 đã chia đôi dòng sữa quý của con mình cho anh chiến sĩ Việt đang trong tình trạng thập tử nhất sinh ở chiến trường Lào. Năm 1970, khi 18 tuổi, bà Kanchia là đoàn viên thanh niên xung phong, chồng của bà là cán bộ trong một đơn vị giải phóng của Lào. Vào giữa năm 1970, chồng bà Kanchia hy sinh ngoài chiến trường khi chưa kịp nhìn mặt người con đầu lòng. Lúc này, gia đình Kanchia cũng như nhiều dân bản đang sống trong túp lều nhỏ gần khe suối, ẩn sâu bên trong một khu rừng rậm, gần một đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam. Cuối năm 1970, bà Kanchia thấy một cán bộ của bộ đội Việt Nam đóng quân gần đó sang xin giúp đỡ. Người cán bộ đó cho biết, trong đơn vị có một chiến sỹ bị sốt nặng, trong đơn vị không còn lương thực để bồi dưỡng sức khỏe bởi súng đạn của địch đã phá sạch. Các tuyến đường đều bị ném bom chia cắt, việc vận chuyển, tiếp tế bị gián đoạn. Người chiến sỹ đó nếu không được cứu giúp kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nghe chuyện, gia đình bà Kanchia rất lo lắng cho người bộ đội Việt Nam khi thấy tình trạng sức khỏe của anh đang yếu dần. Lúc đó, bà Kanchia nói: Hãy đem anh ấy đến đây, tôi sẽ chia sẻ sữa của tôi để anh ấy bồi dưỡng nếu anh ấy không ngại. Người cán bộ Việt Nam lo lắng việc chia sữa cho chiến sỹ bị ốm sẽ làm con bà Kanchia đói sữa, quấy khóc thì bà nói ngay: Không sao, tôi sẽ nấu thêm cháo cho cháu. Khi anh chiến sỹ Việt được dìu đến trong tình trạng ốm nặng, mặt tái xanh, người gầy yếu, chân tay mềm nhũn, chị đã để anh uống dòng sữa của mình. Hàng ngày, vào buổi sáng, trước giờ Kanchia đi làm, anh bộ đội được đưa đến uống sữa. Sau 5 ngày thì sức khỏe anh đã khá hơn trước rất nhiều. Hai tuần thì anh bình phục và trở lại chiến trường. Bấy giờ máy bay Mỹ ngày đêm thả bom vào nhà dân. Chiến tranh khốc liệt. Nhiều gia đình Lào tan nát, ly tán. Trong tình cảnh khó khăn như vậy khiến anh bộ đội Việt Nam được bà Kan Chia cứu sống không có điều kiện trở lại gặp bà nữa. Năm 1975, đất nước Lào được giải phóng, bà Kan Chia và gia đình, dân bản Mô cũng đã xây dựng lại ngôi nhà tại quê hương của mình và có cuộc sống mới bình an. Không thể nhớ được chính xác tuổi của mình, tuy nhiên, khi được hỏi về chuyện từng chia sẻ một phần sữa của mình để cứu mạng một bộ đội tình nguyện Việt Nam bị sốt rét kiệt sức trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt cách đây hơn 40 năm, bà Kanchia vẫn nhớ rõ. Bởi vì theo phong tục của người Lào, sữa là máu, chỉ có thể dành cho con, việc cho người khác là điều kiêng kị, đặc biệt với một cô gái trẻ mới ở tuổi 18 như bà vào thời điểm đó, điều này còn khó hơn nhiều. “Trước đó, tôi cũng chưa từng biết Việt Nam ở đâu, nhưng thấy bộ đội Việt Nam sang giúp đất nước mình tôi thương và yêu quý họ. Chính vì thế nên tôi quyết định vượt qua mọi ái ngại và cho sữa. Có người hỏi tôi tại sao lại cho sữa như vậy, tôi kệ, tôi chỉ nghĩ rằng, anh em Việt Nam đến ở làng mình, chiến đấu vì mình, hy sinh xương máu vì dân mình, nếu không yêu thương chăm sóc thì sẽ như thế nào, còn gì là đoàn kết nữa”, bà Kanchia chia sẻ. |
Thư AP