Chia sẻ với tạp chí Thời Đại, thầy Trà Văn Nhì, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Junko cho biết: Junko Takahashi là sinh viên khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Meiji Gakuin (Nhật Bản). Năm 1993, ở tuổi 20 tuổi, tranh thủ thời gian nghỉ hè, Junko cùng nhóm bạn sang Việt Nam tìm hiểu, nghiên cứu thu thập tư liệu để phục vụ cho bài luận văn với chủ đề “Sự phát triển kinh tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở khu vực Đông Nam Á”.
Trường Tiểu học Junko khánh thành công trình phù điêu Junko tháng 3/2023. |
Đến Quảng Nam - Đà Nẵng, Junko ước nguyện, sau khi ra trường sẽ quay trở lại Việt Nam làm việc và dành tiền lương xây cho các em nhỏ ở đây một ngôi trường. Những dự tính ấp ủ của Junko phải gác lại vào ngày 09/12/1993, khi tai nạn giao thông tại Nhật Bản cướp đi tính mạng cô.
Ngỡ rằng mọi dự định của Junko sẽ dang dở, nhưng trong đám tang, ông bà Horotaro Takahashi đọc được ước mơ của con gái trong cuốn nhật ký. Họ quyết định hoàn thành tâm nguyện này.
Ông bà Horotaro Takahashi gom góp số tiền phúng điếu đám tang, tiền bồi thường bảo hiểm và tiền tiết kiệm của Junko được 100.000 USD (hơn 1 tỉ đồng) rồi sang Việt Nam, chọn xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn) xây một ngôi trường với 8 phòng, 1 nhà thi đấu và 1 công trình vệ sinh. Năm 1995, ngôi trường chính thức được khánh thành.
Học sinh trường Tiểu học Junko nhận học bổng từ Hiệp hội Junko. |
Vì mến phục Junko nên các thầy cô giáo và sinh viên của nhiều Trường Đại học tại Nhật Bản đã thành lập Hiệp hội Junko, nhằm tiếp nối sứ mệnh dang dở của cô. Từ đó, cứ mỗi năm đến ngày khai trường, sinh viên Hiệp hội Junko đều đến trao hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi của Quảng Nam. Hiệp hội Junko cũng kết hợp với sinh viên Đại học Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu với các học sinh của trường Tiểu học Junko và một số trường trên địa bàn xã Điện Phước.
Anh Hashimoto Tamami, đại diện Hiệp hội Junko chia sẻ: “Chúng tôi là những sinh viên trường đại học Meiji Gakuin, nơi Takahashi Junko đã học. Chúng tôi đến đây để tiếp nối ước nguyện của Junko dành cho Việt Nam. Hiệp hội Junko tự hào đã luôn gắn bó với thầy trò trường Junko và người dân Điện Phước suốt 28 năm qua. Ở Nhật Bản, các thành viên của Hiệp hội Junko luôn nhớ đến ngôi trường và các em học sinh, nỗ lực tiến hành các hoạt động giới thiệu về Việt Nam và các hoạt động gây quỹ. Chúng tôi sẽ đến đây và tiếp tục các hoạt động góp phần đưa Việt Nam và Nhật Bản xích lại gần nhau hơn...”.
Cũng theo đại diện Hiệp hội Junko, ông bà Horotaro Takahashi hiện nay đã già yếu, không thể đến Việt Nam. Nhưng vào dịp khai giảng hàng năm, cha mẹ Junko đều gửi thư cho học sinh của trường, động viên các em gắng chăm ngoan, học giỏi. Đồng thời cảm ơn học sinh, các thầy cô và những người bạn Việt Nam đã gìn giữ và phát triển ngôi trường.
Thành viên Hiệp hội Junko giao lưu với thầy cô và học sinh trường Junko tại Lễ khánh thành công trình phù điêu Junko tháng 3/2023. |
Theo thầy hiệu trưởng Trà Văn Nhì: hiện Trường Tiểu học Junko có diện tích gần 8.000 m2 với 25 phòng học và 15 phòng chức năng. Đến nay, đã có hơn 20.000 học sinh được đào tạo, trưởng thành từ mái trường này.
“Nhà trường lấy ngày 09/12, ngày mất của Junko làm ngày Truyền thống. Trong ngày này chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động: viết thư, vẽ tranh gửi cho ba mẹ Junko và Hiệp hội Junko để bày tỏ lòng biết ơn và tình cảm tri ân đối với họ. Chúng tôi cũng tổ chức các cuộc thi để học sinh tìm hiểu văn hoá Nhật Bản” - thầy Nhì chia sẻ.
Bà Teramoto Eri, Lãnh sự Ban Kinh tế - Văn hóa thông tin (Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng) cho biết: “Trường Tiểu học Junko là minh chứng cho tình hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam và cũng là hy vọng của tương lai. Chúng tôi mong rằng thế hệ trẻ, những người sẽ gánh vác quan hệ Nhật Bản - Việt Nam trong tương lai sẽ trưởng thành và tiếp tục kế thừa tư tưởng của cô Junko”. |
Q.Hoa t.h / Thời Đại