Bốn chiến sỹ Binh đoàn Hương Giang mang cờ tiến thẳng vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 (Người cầm cờ là chiến sỹ Bùi Quang Thận). (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Bài báo nhấn mạnh: "Ngày 30/4/1975, Sài Gòn đã được giải phóng và đây là cột mốc đánh dấu thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam sau bao năm chiến đấu hy sinh gian khổ, thống nhất đất nước.”
Bài báo được đăng trong chuyên mục Quốc tế, đã điểm lại Chiến dịch Tây Nguyên kéo dài từ ngày 4/3 đến 3/4/1975, mở màn cho cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975, do Quân đội Nhân dân Việt Nam phát động.
Cuộc tấn công này mang ý nghĩa chiến lược, đánh dấu sự sụp đổ với "hiệu ứng domino" của quân đội Mỹ.
Trong chiến dịch này, Lực lượng vũ trang, nhân dân và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã kề vai sát cánh để làm nên chiến thắng.
Đây là kết quả của 30 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ của nhân dân và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Cùng với bài viết, tờ báo cũng đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bức hình xe tăng Quân đội Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Cũng trong chuyên mục Quốc tế, tờ Tổng hợp Mỹ Latinh cũng đã đăng lại bài viết của Thông tấn xã Việt Nam về những chiến công lẫy lừng của lực lượng đặc công Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bài viết với tiêu đề “Lực lượng đặc công Việt Nam, những điều chưa được kể” khẳng định những đóng góp mang tính chiến lược của đội quân này, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đối với sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Lực lượng đặc công Việt Nam đã trở thành nỗi ám ảnh đối với đội quân xâm lược.
Những câu chuyện và những chiến công lẫy lừng đã được các cựu sỹ quan và lính đặc công kể lại vô cùng sinh động và ấn tượng trong bài viết như theo lời kể của Đại tá Đỗ Văn Ninh, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng đặc công, khi lực lượng này tấn công kho vũ khí lớn nhất của quân đội Mỹ tại sân bay Biên Hòa.
Hay câu chuyện của các chiến sỹ “người nhái” chiếm 14 cây cầu dẫn vào Sài Gòn đảm bảo an toàn cho đoàn quân giải phóng tiến vào thành phố bất chấp bao hy sinh, mất mát./.