
Đường về xã văn hóa Lương Hòa - Làng Moncada. Ảnh: A. Nguyệt
Từ Lương Hòa đến Làng Moncada
Vì sao có Làng Moncada tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm? Kể về cuộc gặp “lịch sử” này, ông Dương Văn Ẩn - nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, vào khoảng tháng 5-1982, phái đoàn công tác của Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba đến Bến Tre. Chuyến đi này, phía Cuba có nhiều người, trong đó bà Menba - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam làm trưởng đoàn. Cùng đi có bà Nguyễn Thị Định, khi đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Mục đích của chuyến đi này là bà Menba muốn gặp lãnh đạo tỉnh để thể hiện mong muốn của người dân Cuba có làng Moncada tại Bến Tre, vì ở Cuba đã có Làng Bến Tre rồi. Ông Dương Văn Ẩn khi ấy là Trưởng Ban Kinh tế Tỉnh ủy cùng tiếp đoàn. Ông Dương Văn Ẩn cho rằng, lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ hoan nghênh và nhất quán thực hiện chủ trương, chọn nơi đặt tên “Làng Moncada”.
Tại cuộc gặp gỡ thấm tình hôm đó, bày tỏ mong ước của mình, bà Menba cho biết cuộc tấn công pháo đài Moncada do Chủ tịch Cuba Fidel Castro trực tiếp lãnh đạo, bà Menba cũng là một chiến sĩ tham gia trận này. Dù không tiêu diệt được căn cứ của địch nhưng cuộc tiến công vào pháo đài Moncada được xem như phát súng mở đầu cho phong trào khởi nghĩa vũ trang của cách mạng Cuba.
Nhờ trận đánh mở màn này mà phong trào cách mạng nổi lên giải phóng Cuba. Cuba giải phóng nhưng lại ở trong vòng vây của đế quốc Mỹ, các nước xung quanh đều lệ thuộc vào Mỹ. Sau khi Cuba giải phóng hơn một năm, Bến Tre nổ ra cuộc Đồng khởi 17-1-1960. Khi phong trào Đồng khởi Bến Tre nổ ra, nhân dân Cuba vô cùng phấn khởi vì cho rằng phía châu Á xa xôi kia có một đất nước kiên cường, cùng chí hướng với nhân dân Cuba đứng lên đấu tranh chống Mỹ. Vậy là, dù chưa hiểu Việt Nam như thế nào, Bến Tre ra sao, vậy nhưng Cuba vẫn quyết định lấy một làng đặt tên “Làng Bến Tre”.
Đáp lại nghĩa tình quý báu của nhân dân nước bạn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh có mặt trong buổi tiếp đoàn hôm ấy đề xuất ba xã tiêu biểu xét chọn đặt tên “Làng Moncada” gồm: Tân Xuân (Ba Tri), Định Thủy (Mỏ Cày) - nơi mở màn phong trào Đồng khởi và Lương Hòa (Giồng Trôm) - nơi có con sông được mệnh danh là “Bạch Đằng giang” thời đại vì nổi tiếng đánh chìm nhiều tàu chiến Mỹ.
Sau khi bàn bạc, phân tích, lãnh đạo tỉnh thấy rằng Lương Hòa dù thành lập chi bộ đảng sau nhưng trong kháng chiến có nhiều thành tích, nổi bật là chiến công đánh tàu chiến Mỹ, vì vậy được mệnh danh “Bạch Đằng giang” thời đại. Sau chiến tranh, Lương Hòa là một trong những xã khôi phục kinh tế, giao thông nhanh, nơi có hợp tác xã mua bán sầm uất, nổi tiếng nhất, nhì tỉnh. Đây lại là quê hương của vị tướng tài ba Nguyễn Thị Định. Chọn Lương Hòa là xứng đáng.
Sau buổi làm việc này, bà Menba điện về Cuba báo cáo rồi sẽ có “Làng Moncada - Lương Hòa tại Bến Tre”. Từ khi xét chọn đến chính thức công nhận Làng Moncada - Lương Hòa tại Bến Tre vào đầu năm 1983, đúng dịp lễ Quốc khánh nước Cộng hòa Cuba. Năm này, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị các dân tộc Cuba dẫn đầu phái đoàn sang dự lễ mít-tinh tại Lương Hòa và công bố chính thức Làng Moncada - Lương Hòa. Từ đây, Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba tại Bến Tre ra đời.
“Sau lễ mít-tinh công nhận Làng Moncada, hàng năm, mỗi khi đến ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Cuba, lãnh đạo tỉnh tổ chức đưa đón bà con Làng Moncada - Lương Hòa về TP. Hồ Chí Minh thăm Tổng lãnh sự quán Cuba. Tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Làng Moncada cùng với ngày Thương binh, liệt sĩ. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay giữ gìn và phát huy tình hữu nghị tốt đẹp của hai nước”, ông Dương Văn Ẩn nhấn mạnh.
“Mối gắn kết lâu đời cần được gìn giữ và phát triển”
Ông Trịnh Mai Sơn - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh đã chia sẻ như vậy. Ông Trịnh Mai Sơn là người đã từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm, là một trong những người hiểu rõ về tình hữu nghị đặc biệt này.
Ông nói, mối quan hệ Việt Nam và Cuba đã khắng khít từ rất lâu, khi Việt Nam ở giai đoạn chiến tranh, Cuba đã hết lòng ủng hộ cho phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam và Việt Nam cũng hết lòng ủng hộ Cuba trong vấn đề bảo vệ độc lập dân tộc của Cuba. Dù hai nước cách xa về địa lý nhưng đồng nhất về quan điểm là ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, xây dựng chế độ chủ nghĩa xã hội, chăm lo cho nhân dân, vì thế, tình hữu nghị giữa Cuba và Việt Nam luôn thân thiện và thắt chặt. Phía Việt Nam ta, từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều hoạt động thăm hỏi, giao kết trong quan hệ ngoại giao mang đậm tình hữu nghị đoàn kết anh em; ngược lại, phía Cuba cũng thế. Cả hai nước đều thể hiện tình đoàn kết gắn bó rất chân thành và sâu sắc.
Vinh dự cho Bến Tre, bà Nguyễn Thị Định được người dân đất nước Cuba rất tôn trọng, yêu quý. Lãnh tụ Fidel Castro cũng đã từng có cuộc gặp gỡ Nữ tướng Nguyễn Thị Định trong vai trò lãnh đạo cấp cao của hai nước, ông cũng đã bày tỏ sự quý mến dành cho vị nữ tướng tài ba của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, trong tư liệu lịch sử vẫn còn bức ảnh về cuộc gặp gỡ giữa Lãnh tụ Fidel Castro và bà Nguyễn Thị Định.
Ngay từ thời kỳ bắt đầu đặt mối gắn kết đến mãi sau này, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đều rất chú trọng gìn giữ tình đoàn kết hữu nghị, lưu giữ dấu ấn Cuba qua việc gìn giữ và phát triển Làng Moncada. Các vị lãnh đạo thời kỳ ấy nói riêng, qua các thời kỳ nói chung đã phấn đấu thực hiện nhiều công trình để vun đắp tình hữu nghị này, đồng thời gắn với sự phục vụ thiết thực cho nhân dân địa phương như: trường học, cầu, đường… Không chỉ ở giai đoạn trước đây khi còn đương nhiệm mà lúc đã hưu trí, ông Trịnh Mai Sơn cùng Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh cũng đã vận động xây dựng nhiều công trình cầu, đường tại xã Lương Hòa.
Nhận định về việc giữ gìn truyền thống, tình đoàn kết hữu nghị mang ý nghĩa sâu sắc như nêu trên, ông Mai Sơn cho rằng, theo thời gian tình hữu nghị đã lan tỏa sâu rộng trong nhân dân Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng. “Tôi cho rằng, tình hữu nghị này rất đáng trân trọng, thực sự thắm tình sâu sắc, không chỉ thể hiện trong nội bộ Đảng, chính quyền và trong cả quần chúng nhân dân. Không chỉ trong tình cảm nhận thức mà còn biến thành hành động, cùng nhau gìn giữ các công trình, gìn giữ làng Moncada” - ông Mai Sơn nói.
Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng về việc Bến Tre nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy tình đoàn kết hữu nghị với đất nước Cuba anh em, một mối gắn bó khắng khít được vun đắp qua các giai đoạn lịch sử. Mối gắn kết này không chỉ đơn thuần về mặt vật chất, ngoại giao mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, từ thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc đến xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng chăm lo cuộc sống của nhân dân. Theo ông, thế hệ hiện tại sẽ ngày càng củng cố mối quan hệ này, đưa hai đất nước ngày càng phát triển trong giai đoạn cách mạng mới.
Ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước được duy trì thường xuyên, đặc biệt là từ sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội thì tình nghĩa giữa Việt Nam - Cuba cũng không hề suy giảm. Mối quan hệ luôn luôn bền chặt, hầu như các vị đại sứ Cuba công tác ở Việt Nam đều đến Bến Tre và hằng năm, ngài Tổng lãnh sự Cuba tại TP. Hồ Chí Minh đều có về Bến Tre để chia sẻ những thông tin, tìm hiểu về sự phát triển của tỉnh nhà; và nhiều đồng chí cán bộ, lãnh đạo Bến Tre cũng đã từng đến học tập, làm việc tại Cuba.
Tổng hợp theo báo Đồng Khởi