Thông điệp của sự kiện tại Việt Nam.
Năm nay, Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu gồm các hoạt động nhằm tăng cường nhận thức của công chúng, đặc biệt là người trẻ. Một số hoạt động trong việc chống biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức dịp này như: Chiếu phim “Truy tìm rạn san hô” và thảo luận với giới trẻ về sự ấm lên của đại dương tác động tới các rạn san hô, sinh vật biển; Chiến dịch làm sạch khu vực chân cầu Long Biên; Đạp xe ở Hội An kêu gọi cộng đồng chung tay hành động chống biến đổi khí hậu; Khai trương hệ thống điện mặt trời lắp mái tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu và hội thảo với sinh viên Đại học Đà Nẵng về biến đổi khí hậu.
Nhiều bạn trẻ tại Đà Nẵng vẫn thường có những hoạt động bảo vệ môi trường
Đại biện lâm thời của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, bà Axelle Nicaise cho biết: “Chúng tôi ủng hộ giới trẻ và đánh giá cao những nỗ lực của giới trẻ trong việc nâng cao nhận thức về một vấn đề đáng lo ngại và cấp bách như biến đổi khí hậu. Tương lai và sự sống trên Trái đất phụ thuộc vào hành động của chúng ta”.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất của biến đổi khí hậu và các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra. EU đang tích cực giúp Việt Nam giảm nhẹ thiệt hại nhờ đổi mới lĩnh vực năng lượng, và ứng phó biến đổi khí hậu nhờ việc tài trợ cho các nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp thích nghi phù hợp.
Bảo vệ môi trường cần sự chung tay của rất nhiều người
Trong khoảng thời gian từ 2014 tới 2020, EU dành ngân sách 320 triệu Euro cho các chương trình liên quan tới môi trường, tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Ngoài phạm vi song phương, Việt Nam cũng hưởng lợi từ các chương trình hợp tác được tài trợ thông qua các dòng ngân sách theo chủ đề và các chương trình ở khu vực.
T/H