Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách Đối ngoại và An ninh Federica Mogherini trong buổi ký hiệp định ở Brussels hôm 17/10
Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách Đối ngoại, An ninh kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini hôm 17/10 đã ký Hiệp định khung về Tham gia Hoạt động quản lý khủng hoảng của EU, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Theo đó, Hiệp định tạo nền tảng pháp lý nhằm quản lý và tạo thuận lợi cho sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động quản lý khủng hoảng dân sự và quân sự do EU lãnh đạo. Việt Nam là quốc gia đối tác thứ hai tại châu Á, sau Hàn Quốc, và là nước đầu tiên thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký Hiệp định Khung về Tham gia với EU.
Việc ký kết Hiệp định này với Việt Nam là bước tiến quan trọng trong quan hệ của hai phía và thể hiện tham vọng lớn hơn từ cả EU và Việt Nam nhằm triển khai hiệu quả quan hệ đối tác và hợp tác quốc phòng, an ninh, nội dung đã được thảo luận trong chuyến thăm của bà Mogherini hồi tháng 8.
EU và Việt Nam cùng nhau cam kết xử lý những thách thức an ninh chung tại châu Á và các khu vực khác. Chính sách An ninh và Quốc phòng Chung EU (CSDP) đem lại cho EU năng lực vận hành nhằm triển khai cả các sứ mệnh dân sự và chiến dịch quân sự, trong khi đó các Hiệp định Khung về Tham gia tạo ra một công cụ quan trọng để EU tăng cường sự tham gia của các đối tác của mình trong lĩnh vực này.
Các sứ mệnh và chiến dịch CSDP là công cụ đặc biệt trong bộ công cụ của EU, cho phép hành động trực tiếp nhằm quản lý xung đột hay khủng hoảng và tập trung vào các mục tiêu như cải cách pháp quyền, duy trì sự ổn định, chống lại tội phạm có tổ chức và cải cách lĩnh vực an ninh. Việc này được tiến hành theo đề nghị của quốc gia tiếp nhận hỗ trợ và luôn luôn có sự tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế.
Hiện nay, EU đang duy trì 6 hoạt động quản lý khủng hoảng quân sự và 10 hoạt động quản lý khủng hoảng dân sự với khoảng 5.000 nhân sự. Mục tiêu của các hoạt động này nhằm duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột, củng cố hòa bình quốc tế, duy trì hệ thống luật pháp, chống buôn người và chống cướp biển.
Các hoạt động này có thể có cả sự đóng góp của các nước thứ ba thông qua việc hoàn tất các Hiệp định Khung về Tham gia. Với sự bổ sung hiệp định ký với Việt Nam, EU hiện có Hiệp định Khung về Tham gia với 19 quốc gia đối tác.
Việc Việt Nam và EU ký Hiệp định FPA phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đường lối đối ngoại của Việt Nam, phù hợp với tinh thần “hợp tác toàn diện” của Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU (PCA); đồng thời bảo đảm nguyên tắc “3 không” (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia).
Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia Hiệp định FPA còn được bảo đảm trên cơ sở và phù hợp với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có sự chấp thuận của nước sở tại, phù hợp với pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam…
Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN năm 2020, việc Việt Nam và EU ký Hiệp định FPA sẽ góp phần mang lại hòa bình, hợp tác và phát triển cho khu vực và trên thế giới./.
t/h