Việt Nam muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Myanmar
(VOV.VN ) Chiều 15/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện Liên bang Myanmar Mahn Winn Khaing Thann đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt hoan nghênh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện Myanmar thăm Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam luôn trân trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Myanmar trên tất cả các lĩnh vực. Hoan nghênh những thành tựu kinh tế-xã hội mà Chính phủ Myanmar đạt được thời gian qua, Thủ tướng tin tưởng chắc chắn Myanmar sẽ thành công hơn nữa trong thời gian tới, nâng cao vị thế ở khu vực và trên trường quốc tế; tin tưởng chuyến thăm này đóng góp hơn nữa vào tăng cường phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, thực hiện hiệu quả các cơ chế hợp tác, sớm họp Uỷ ban Hỗn hợp và tham khảo chính trị, tiếp tục thúc đẩy đàm phán và ký các thoả thuận hợp tác về nông, lâm, ngư nghiệp, văn hoá, giao thông, tài chính, tư pháp, giáo dục; tăng cường hợp tác về quốc phòng, viễn thông, ngân hàng, dầu khí, nông nghiệp.
Bày tỏ ấn tượng về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Myanmar, Thủ tướng nêu rõ, các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tăng cường đầu tư vào Myanmar.
Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác giao lưu nhân dân, trong đó, đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa TP HCM với Thành phố Y-ăng-gun, tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương của Myanmar.
Thủ tướng mong Myanmar sớm thành lập Hội Hữu nghị Myanmar - Việt Nam để phối hợp hoạt động với Hội Hữu nghị Việt Nam - Myanmar trong tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Hai bên cần tăng cường quan hệ hợp tác, phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN, trên các diễn đàn và quốc tế; hợp tác sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước sông Mê Công; mong Myanmar sớm trở thành thành viên Uỷ hội sông Mekong (MRC).
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh vai trò của Myanmar trong vấn đề Biển Đông; đề nghị hai nước tăng cường phối hợp để ASEAN phát huy vai trò trung tâm, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thúc đẩy các bên tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không tiến hành các hoạt động làm căng thẳng tình hình.
Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Quốc hội Mahn Winn Khaing Thann bày tỏ hết sức vui mừng được đến thăm Việt Nam; cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Việt Nam đối với Đoàn Quốc hội Myanmar; chúc mừng những thành tựu kinh tế-xã hội to lớn mà Việt Nam đạt được thời gian qua, là những kinh nghiệm quý báu để Myanmar học hỏi.
Nhấn mạnh mối quan hệ truyền thống hữu nghị Việt Nam - Myanmar được hình thành từ lâu, Chủ tịch Mahn Winn Khaing Thann vui mừng trước việc quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ. Với việc đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, Myanmar mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư vào Myanmar trong thời gian tới.
Ngài Chủ tịch Mahn Winn Khaing Thann cũng vui mừng thông báo với Thủ tướng về kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời cho biết Myanmar đang cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng bằng việc hoàn thiện hệ thống luật về đầu tư; mong muốn hai nước tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt. Ngài Chủ tịch cũng cho biết Myanmar sẽ sớm thành lập Hội Hữu nghị Myanmar - Việt Nam.
Về vấn đề Biển Đông, Myanmar mong muôn các bên liên quan kiềm chế, giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Myanmar luôn quan tâm đến vấn đề Biển Đông, tôn trọng ý kiến đồng thuận của các bên liên quan tại Biển Đông; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên Đông Nam Á để thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)./.