Tại An Giang, Tháng ăn chay Ramadan 2022 Dương lịch - 1443 Hồi lịch của người Chăm theo đạo Hồi- bắt đầu từ thượng tuần tháng 4 đến tháng 5 (nhằm ngày 2/4 đến ngày 2/5) đã diễn ra với đầy đủ các nghi thức như: Lễ nguyện I’Sha, đọc kinh Qur’an, cầu nguyện hòa bình và nhiều hoạt động xã hội từ thiện, thể thao, văn nghệ giao lưu truyền thống... trong sự tôn trọng của cộng đồng và tạo mọi điều kiện thuận lợi của các cấp chính quyền.
Trong dịp lễ, Trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh đã kêu gọi các tín hữu Islam tiếp tục phát huy tình đoàn kết, luôn đồng hành, gắn bó với các tôn giáo khác và cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tích thực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện đúng giáo lý tôn giáo Islam gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Cũng trong tháng 4, tại chùa Ratana Paphia Vararam (chùa Chín Ngàn), xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, Hậu Giang, bà con đồng bào Khmer ở xã Vị Bình và xã Vĩnh Trung chuẩn bị thực hiện các nghi thức truyền thống rộn ràng đón Tết Chôl Chnăm Thmây với không khí nhộn nhịp, vui tươi.
Nét mặt phấn khởi, ông Thạch Bích ( ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy) chia sẻ: “Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, đồng bào Khmer tại địa phương có vụ mùa bội thu, vừa trúng mùa, vừa được giá, chuẩn bị cái Tết tươm tất hơn. Niềm vui càng nhân lên khi chùa Chín Ngàn vừa khánh thành chánh điện mới, bà con có nơi để tập trung sinh hoạt văn hóa nên rất vui."
Vào những ngày lễ, Tết, bà con tập trung về các chùa theo nghi thức cổ truyền của dân tộc Khmer, đảm bảo tổ chức trang nghiêm, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tâm linh, một số chùa trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác giáo dục, chăm lo cho các vị sư sãi bồi dưỡng tiếng Khmer; hỗ trợ các vị sư sãi học bổ túc văn hóa, trung cấp, đại học tại trường trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao kiến thức.
Thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kêu gọi: Tất cả tăng ni, phật tử cùng nhau dấn thân hơn nữa trên con đường thực hành Bồ tát hạnh như lời Đức Phật đã dạy; nguyện cầu chiến tranh, xung đột chấm dứt, dịch bệnh tiêu trừ, khắp chốn an vui, mưa thuận gió hòa, muôn dân an lạc, đất nước Việt Nam hùng cường thịnh vượng.
Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đoàn kết, hòa hợp, củng cố, mở rộng và trang nghiêm Giáo hội, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên, các hệ phái, các thế hệ; vừa phát huy các giá trị đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, vừa mở rộng và tăng cường mối quan hệ đồng đạo, tình đoàn kết giữa Phật giáo với các tôn giáo ở Việt Nam.
Không khí nhộn nhịp náo nức hoan hỷ không chỉ ở mùa Phật đản, dịp lễ Giáng sinh hằng năm tại Việt Nam từ lâu đã trở thành lễ hội của rất nhiều người chung vui, với đồng bào Công giáo ngay từ khi bắt đầu mùa Vọng…
Có thể kể ra rất nhiều các hoạt động tôn giáo đa dạng, phong phú đã và đang diễn ra thường nhật trên lãnh thổ Việt Nam. Những điểm chung của các hoạt động tôn giáo đó là phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt, đáp ứng được nhu cầu đời sống tín ngưỡng tinh thần cộng đồng và được pháp luật bảo hộ.
Các tôn giáo cùng tồn tại trong lòng dân tộc
Đảng, Nhà nước Việt Nam khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, các tôn giáo cùng tồn tại trong lòng dân tộc và bình đẳng trước pháp luật. Chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi lãnh đạo cách mạng đã luôn thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong từng giai đoạn cách mạng của đất nước, Đảng đã ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo để xây dựng và phát triển đất nước.
Ngay sau khi nước nhà độc lập, ngày 03/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ tuyên bố “tín ngưỡng, tự do và lương - giáo đoàn kết.” Quan điểm tư tưởng đó được Đảng, Nhà nước ta thể chế bằng các văn bản pháp luật, để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ và bảo đảm ngay trên thực tế.
Sắc lệnh số 234/SL, ngày 14/6/1955 gồm 5 chương, 16 điều, quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của chức sắc tôn giáo và tín đồ về hoạt động tôn giáo tại Việt Nam. Trong đó nêu rõ, “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào.
Trong tiến trình cách mạng của đất nước, chính sách nhất quán, những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được khẳng định trên nguyên tắc Hiến định tại các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013.
Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được hoàn thiện theo hướng tiệm cận luật pháp quốc tế và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia thành viên, nhằm đảm bảo cho mọi người được thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng tốt hơn trên thực tế và được bảo đảm bằng các văn bản pháp luật như: Pháp lệnh 21/2004/PL-UBTVQH11 quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo; Chỉ thị 1940/CT-TTg về nhà đất liên quan đến tôn giáo. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.”
Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo đã thực sự tác động tích cực đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng nhân dân; thúc đẩy sự phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, số lượng chức sắc, người theo đạo, cơ sở thờ tự ngày càng tăng.
Qua con số thống kê được Thạc sỹ Nguyễn Văn Long, Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ cung cấp, vào năm 2003, cả nước có 6 tôn giáo 15 tổ chức, với 17 triệu người có đạo, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự; 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc.
Đến năm 2022, chính quyền đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 27,2 triệu người có đạo, trên 53 nghìn chức sắc, khoảng 148 nghìn chức việc, 29.718 cơ sở thờ tự.
Bên cạnh đó, hằng năm có trên 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn người theo đạo tham gia. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Các tổ chức tôn giáo có trên 500 cơ sở khám chữa bệnh, trên 800 cơ sở bảo trợ xã hội, với 300 trường mầm non...
Từ năm 2018-2021, đã cấp phép xuất bản 2.027 ấn phẩm với trên 7 triệu bản in, trong đó có nhiều xuất bản phẩm được dịch ra tiếng Anh, Pháp, tiếng dân tộc và có 25 tờ báo, tạp chí của các tôn giáo đang hoạt động…
Đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo là động lực phát triển
Có thể nói, chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay. Quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng. Chức sắc, chức việc, tín đồ ngày càng đông. Cơ sở thờ tự ngày càng khang trang, việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được công khai theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tăng cường giao lưu, học tập, trao đổi các đoàn với các tổ chức tôn giáo trên thế giới.
Từ năm 2011 đến nay, khoảng 2.000 lượt cá nhân tôn giáo đã xuất cảnh tham gia khóa đào tạo ở nước ngoài, tham dự hội thảo, hội nghị quốc tế liên quan đến tôn giáo. Đồng thời, gần 500 đoàn nước ngoài, với hơn 3.000 lượt người vào Việt Nam để trao đổi, giao lưu, hướng dẫn tại cơ sở thờ tự, tham dự các sự kiện tôn giáo do các tổ chức tôn giáo Việt Nam tổ chức như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK, với trên 1.000 đại biểu quốc tế đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, cùng hàng vạn quần chúng nhân dân tham dự; Lễ hội của Công giáo, Tin Lành như: Đại Hội đồng Giám mục Á châu; Lễ 100 năm Tin Lành đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Điều này đáp ứng kịp thời với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ, số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng, trong đó có một bộ phận là tín đồ tôn giáo.
Hiện cả nước có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại địa bàn các tỉnh, thành phố, chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh (41 điểm nhóm), thành phố Hà Nội (13 điểm nhóm) với sự tham gia của hàng trăm người có quốc tịch từ nhiều nước (Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Malaysia, Nga, Mỹ, Pháp,...).
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Đảng, Nhà nước chủ trương xóa bỏ mặc cảm, định kiến, không phân biệt đối xử về thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tôn trọng ý kiến khác nhau, không trái với lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc, đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, vì sự ổn định, phát triển của đất nước.
Mỗi khi Đảng có chủ trương, quan điểm mới về tôn giáo, Nhà nước kịp thời thể chế bằng những văn bản pháp luật để đưa vào thực tiễn. Đảng, Nhà nước ta cũng kịp thời chấn chỉnh để công tác tôn giáo đi vào nền nếp, đúng hướng, tạo sự tin tưởng của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo.
Để xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đã khẳng định “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước như ngày nay,” là do sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trong đó có sự đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quốc hội khóa XV, có 5 vị chức sắc trúng cử đại biểu (trong đó có 4 chức sắc tôn giáo là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử; 1 chức sắc ứng cử lần đầu); 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026, là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tích cực tham gia các hội, đoàn thể khác như Hội Người cao tuổi Việt Nam; Hội Bảo trợ người Khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam...
Các hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; các hoạt động thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; sửa đổi hiến chương, điều lệ; đăng ký chương trình hoạt động hàng năm... theo đúng quy định của pháp luật; chấp thuận cho 646 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 3.238 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; 424 chức việc các tôn giáo được thuyên chuyển theo đúng Hiến chương, điều lệ…
Phản bác các luận điệu xuyên tạc về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Thế nhưng, thế lực xấu chưa bao giờ từ bỏ âm mưu “diễn biến hòa bình,” lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, móc nối với số bất mãn chế độ, có tư tưởng định kiến với Đảng, Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, quy chụp những điều không có thật, yêu cầu thả người “đấu tranh cho tự do tôn giáo”...
Một số đối tượng thù địch xuyên tạc quy định “việc đăng ký điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung” trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo là nhằm “kìm kẹp hoạt động tôn giáo.” Một số đối tượng thù địch lợi dụng những vấn đề xã hội về ô nhiễm môi trường, về công tác cán bộ, công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước Việt Nam để xuyên tạc quan điểm, chủ trương, chính sách pháp luật của Việt Nam, với mục tiêu gây rối loạn lòng dân, gieo rắc thị phi trong chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, gây sự hoài nghi, giảm sút niềm tin của chức sắc tôn giáo và tín đồ quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Từ một số vụ việc nổi cộm của đời sống có liên quan đến lĩnh vực tôn giáo, các thế lực thù địch, phản động đã lồng ghép yếu tố chính trị, kích động người dân bất hợp tác với chính quyền, tham gia biểu tình, gây ra điểm nóng tôn giáo, vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo, ngăn cấm xây sửa cơ sở thờ tự, cản trở hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành.
Những luận điệu nói trên là đi ngược lại thực tế đã và đang diễn ra tại Việt Nam. Trong những năm qua, với sự khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát huy nguồn lực tham gia các hoạt động an sinh xã hội của Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tôn giáo đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội và các hoạt động từ thiện nhân đạo, đồng thời tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Trong những năm dịch COVID-19 hoành hành, các tổ chức tôn giáo đã chung tay cùng với chính quyền, với nhân dân không phân biệt tôn giáo nào trong công cuộc chống bệnh dịch cũng như trong công cuộc xây dựng phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch.
Sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, của các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương đã đem lại những thành quả tích cực trong phát triển và phục hồi kinh tế của Việt Nam-được quốc tế đánh giá cao và nhận định Việt Nam là “một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, là hình mẫu thành công trong phòng chống dịch bệnh, đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cam kết chuyển đổi năng lượng.”
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa diễn ra tại Thiên Tân, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã được mời phát biểu tại Đối thoại Chiến lược Quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) với chủ đề: "Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước" với sự tham gia của Giáo sư Klaus Schwab-Chủ tịch WEF, ông Borge Brende-Giám đốc Điều hành WEF cùng khoảng 50 lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu là thành viên WEF.
Đây là hoạt động Đối thoại Quốc gia duy nhất được WEF tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị, nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam như một hình mẫu về phục hồi kinh tế và đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo cơ hội để trao đổi về những định hướng, chính sách và môi trường đầu tư-kinh doanh tại Việt Nam.
Sách Trắng: “Tôn giáo và Chính sách Tôn giáo ở Việt Nam” cũng nêu những thách thức cần vượt qua và những hướng ưu tiên nhằm thúc đẩy việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, tiếp tục góp phần giúp thế giới và người dân hiểu rõ và đầy đủ về chính sách tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam.
Đồng thời, Sách Trắng: “Tôn giáo và Chính sách Tôn giáo ở Việt Nam” chính là căn cứ xác thực giúp bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam; cung cấp thông tin để người dân tỉnh táo nhận diện, kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, vu khống với ý đồ xấu, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, âm mưu gây bất ổn xã hội, chống phá chế độ… của các thế lực thù địch.
Tại Họp báo thường kỳ do Bộ Ngoại giao tViệt Nam ổ chức ngày 29/4 vừa qua, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ năm 2021 lên án Việt Nam tiếp tục vi phạm tự do, tôn giáo, tín ngưỡng, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ: "Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo Tình hình Tự do Tôn giáo Thế giới năm 2021 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã đề cập đến những nỗ lực và tiến triển tích cực trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam.
Tuy nhiên, báo cáo vẫn còn một số nội dung đánh giá thiếu khách quan, không công bằng dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình tôn giáo tại Việt Nam."
“Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước,” Phó Phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt bày tỏ.
Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Những điều này đều được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được đảm bảo tôn trọng trên thực tế: hiện nay, ước tính 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó trên 25 triệu người theo các tôn giáo khác nhau, chiếm khoảng 27% dân số; riêng công giáo có trên 7 triệu người, tin lành có trên 1 triệu tín hữu.
Đồng thời, Phó Phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt cũng nhấn mạnh: "Tại Việt Nam, các hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật!"./.
Q.Hoa t.h / TTXVN