Thay vì trở về quê nhà sau kỳ thực tập cuối khóa, bạn KunThaSovk DaoPhet ở huyện Phôn Xay, tỉnh Luông Pha Băng (Lào) đã lựa chọn ở lại Hà Tĩnh để tìm hiểu, khám phá các địa danh văn hóa, lịch sử trên mảnh đất này. "Bốn năm gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây để lại trong em nhiều tình cảm, ấn tượng sâu sắc về tình thầy, cô, bằng hữu. Nhờ sự quan tâm, chia sẻ chân tình của thầy, cô và bạn bè cho nên chúng em đã tự tin vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu. Những lúc ốm đau phải vào điều trị ở bệnh viện, em nhận được sự chăm sóc, hỗ trợ hết lòng của các bạn sinh viên người Việt"- KunThaSovk DaoPhet chia sẻ.
Sinh viên Lào hỗ trợ người dân huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) khắc phục hậu quả thiên tai. |
Nghĩa tình hai mái Trường Sơn
Không riêng KunThaSovk DaoPhet, theo thầy giáo Nguyễn Chiến Thăng, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Hà Tĩnh, tất cả các sinh viên Lào học tập tại nhà trường đều nhận được sự quan tâm đặc biệt. Ngoài chương trình học tập toàn khóa, trường thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa, thể thao vào các ngày lễ trọng đại của hai nước; thăm hỏi, động viên những sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn để vơi bớt nỗi nhớ quê nhà, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Từ năm 2010, Trường cao đẳng Y tế Hà Tĩnh đã tiếp nhận, đào tạo sinh viên Lào ở các hệ cao đẳng, trung cấp y dược. Các chuyên ngành như: dược, điều dưỡng, hộ sinh, y sĩ... có số sinh viên tăng dần theo từng năm. Qua khảo sát, hầu hết các em sau khi tốt nghiệp, trở về nước đều tìm được công việc ổn định.
Hà Tĩnh là một trong những địa phương tiếp nhận đào tạo tiếng Việt và chuyên ngành, hệ đại học, cao đẳng, trung cấp và cao đẳng nghề cho cán bộ, học sinh, sinh viên các tỉnh của Lào với số lượng nhiều nhất cả nước, có những năm học đạt gần 3.000 em, hiện nay do tình hình dịch Covid-19 nên số lượng là gần 1.100 em học sinh. Hằng năm, tỉnh hỗ trợ cấp học bổng cho học sinh, cán bộ của các tỉnh Bolykhămxay, Khăm Muộn, Savanakhet của Lào với tổng mức trung bình hơn 6 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, hằng năm tỉnh Hà Tĩnh cử cán bộ, học sinh đi đào tạo tại Đại học Quốc gia Lào.
Tương tự tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã dành sự quan tâm, ưu tiên thỏa đáng cho công tác đào tạo học sinh, sinh viên các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bolykhămxay, Viêng Chăn, Khăm Muộn và Savanakhet (Lào). Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Nghệ An Trần Khánh Thục cho biết: Hiện có 592 học sinh, sinh viên nước bạn Lào đang theo học các ngành điều dưỡng, công nghệ thông tin, kỹ thuật và kinh tế ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. 912 người đã tốt nghiệp, ra trường về nước làm việc. Tỉnh Nghệ An trích ngân sách hỗ trợ lưu học sinh 2.000.000 đồng/người/tháng và trung bình mỗi năm khoảng gần 20 tỷ đồng phục vụ công tác đào tạo học sinh, sinh viên Lào.
Hợp tác toàn diện
Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh cho biết, phát huy truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc và các địa phương vùng biên giới, ngành y tế Nghệ An đã đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các tỉnh nước bạn Lào. Sau khi ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực y tế với tỉnh Xiêng Khoảng, các bệnh viện tuyến tỉnh của Nghệ An đã cử chuyên gia sang hỗ trợ, đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ y tế tỉnh bạn.
Sau khi được đào tạo, "cầm tay chỉ việc", Bệnh viện Xiêng Khoảng đã làm chủ nhiều kỹ thuật cao mà từ trước đến nay chưa thực hiện được tại bệnh viện tuyến tỉnh như: nối gân, ghép da, gây tê tủy sống, đặt nội khí quản, mổ nội soi 398 ca; mổ xương khớp 232 ca... "Thời gian tới, ngành y tế Nghệ An sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ đào tạo miễn phí bằng hình thức "cầm tay chỉ việc" cho đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện tỉnh Xiêng Khoảng và các tỉnh giáp biên trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt các chuyên khoa mới như: chẩn đoán trước sinh; sơ sinh và cấp cứu nhi khoa, mổ xương cột sống, xử trí vết thương bỏng, mổ vá màng nhĩ; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện...", Giám đốc Sở Y tế Nghệ An chia sẻ.
Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh, phát huy mô hình Trạm y tế quân dân y của Bộ đội Biên phòng tỉnh tại bản Thọong Pẹ, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bolykhămxay, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục hỗ trợ xây dựng Trạm Y tế Bản Mạc Phương (tỉnh Khăm Muộn), xây dựng Bệnh xá quân-dân y kết hợp tại Bản Xanaxay, thị xã Pạc Xan (tỉnh Bolykhămxay). Hoạt động của các trạm y tế, bệnh xá đã góp phần nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với các địa phương, doanh nghiệp của Lào được đẩy mạnh, qua đó hình thành các mối quan hệ hợp tác, thu hút các doanh nghiệp của Lào đầu tư vào Hà Tĩnh và các doanh nghiệp của Hà Tĩnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Lào. Hiện một số doanh nghiệp đầu tư tại Lào và mang lại hiệu quả kinh tế cao như Công ty TNHH Việt-Lào (Vilaco) thuộc Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đầu tư sản xuất các sản phẩm thạch cao tại tỉnh Khăm Muộn, tạo việc làm cho 150 lao động, thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách tại Lào đạt 32 tỷ đồng; dự kiến doanh thu năm 2022 đạt 450 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty hỗ trợ tỉnh Khăm Muộn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; làm đường giao thông nông thôn, các công trình công cộng, khắc phục thiên tai và hỗ trợ cơ sở vật chất cho một số phòng, ban tại các huyện.
Bên cạnh những kết quả hợp tác đáng mừng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, thời gian qua, chính quyền và nhân dân các địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh (Việt Nam), Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bolykhămxay, Khăm Muộn (Lào) còn thường xuyên điện đàm trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm của mỗi bên để có biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới phù hợp; duy trì tốt mối quan hệ kết nghĩa giữa các thôn, xã và huyện trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, truyền thống của hai Đảng, hai nước, góp phần xây dựng tình hữu nghị Việt-Lào "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".
Q.Hoa t.h / Theo Báo Nhân Dân