Tại hội thảo về sản xuất và sử dụng năng lượng bền vững, các đại biểu đến từ các quốc gia ở hai châu lục đã thảo luận sôi nổi. Đây là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Đối với nhiều nước nghèo, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu thậm chí còn là một vấn đề sống còn cho sự tồn tại và phát triển. Các quốc gia này đang đứng trước lựa chọn cần năng lượng để phát triển hay bảo vệ môi trường. Nhằm quy hoạch cung cấp năng lượng bền vững, nhiều quốc gia đang đầu tư vốn để sản xuất nhiều năng lượng hơn. Họ đã tập trung khai thác các nguồn năng lượng đe dọa cuộc sống và sinh thái như thuỷ điện, điện hạt nhân hay than đá và khí đốt thải ra từ các nhà máy điện. Các đại biểu cũng thảo luận những giải pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý năng lượng để điều tiết được sức ép về nhu cầu năng lượng, giảm các yêu cầu cho sản xuất năng lượng tăng lên.
Về chủ quyền lương thực, các đại biểu tập trung thảo luận về khái niệm chủ quyền lương thực, vai trò của chính phủ và người nông dân sản xuất nhỏ so với vai trò của các công ty lớn, thúc đẩy xây dựng chuẩn nghèo mới, thay thế chuẩn nghèo cũ. Theo các đại biểu Indonexia, nếu xét theo chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới thì 40% dân số In-đô-nê-xi-a sống ở mức nghèo khổ. Đại diện đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Trưởng Ban đối ngoại Hội Nông dân Việt Nam nhận định: để đảm bảo chủ quyền lương thực thì cần phải tiếp cận những người sản xuất nhỏ, đồng thời thay thế hình thức sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái nhằm thúc đẩy quyền của nông dân; cần thúc đẩy Liên hợp quốc bổ sung vào Hiến chương Liên hợp quốc quyền của nông dân.
Cùng ngày, đoàn Việt Nam tham dự 12 hội thảo khác nhau về Hiệp định thương mại tự do, sự thay đổi cuộc sống người dân tộc bản địa ảnh hưởng đến phát triển bền vững, chương trình hỗ trợ cho nông dân, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên đất… Hội thảo Giải trừ quân bị cho phát triển bền vững và giải pháp hòa bình cho khủng hoảng khu vực do bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Tổng thư ký Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đồng chủ trì đã thu hút được nhiều tham luận có giá trị của các đại biểu đến từ Mi-an-ma, Pháp và một số nước EU khác.
Chiều ngày 18/10/2012, đoàn Việt Nam tiếp tục đồng tổ chức hội thảo mang nội dung liên quan đến hòa bình, ổn định khu vực, đồng thời tham dự 25 hội thảo khác của AEPF9.
Nguyễn Đăng Thái