Tham dự Diễn đàn có gần 800 đại biểu đến từ 49 quốc gia thành viên hai châu lục Á – Âu. Các đại biểu thuộc hàng trăm các tổ chức nhân dân khác nhau đại diện cho các tầng lớp nhân dân như phụ nữ, nông dân, người lao động nghèo, người khuyết tật…với nhiều tôn giáo khác nhau. Chủ đề chính của Diễn đàn là “Chống lại đói nghèo và phát triển bền vững: Thách thức bất công và bất bình đẳng trong phát triển, kiến tạo quốc gia của công dân cho công dân”.
Tới dự Lễ khai mạc có Ông Thongloun Sisoulith, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, các vị lãnh đạo các đoàn của tất cả các quốc gia tham dự và nhiều quan chức Chính phủ Lào.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Ông Thongloun Sisoulith nhận định: Diễn đàn Nhân dân Á- Âu là cơ hội lớn cho mỗi quốc gia ở hai châu lục chia sẻ trí tuệ, ý tưởng để học cách thay đổi một cách toàn diện ở các quốc gia để phát triển. Qua đó trả lời những khát vọng hợp pháp của người dân. Diễn đàn là dịp tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước về lịch sử, văn hóa truyền thống; tăng cường tình hữu nghị và hợp tác.
Các nhà lãnh đạo Lào kêu gọi các quốc gia ở Châu Á và Châu Âu xác định mô hình phát triển bền vững mới và nhấn mạnh sự cần thiết của một biện pháp thích hợp để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, của tất cả các tầng lớp xã hội trong khi vẫn đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường.
Tiếp sau bài phát biểu của Ông Thongloun Sisoulith, một số đại biểu đại diện cho các tổ chức phi chính phủ ở cả hai châu lục đã cùng nhau chia sẻ những vấn đề của đất nước, của toàn cầu, đặc biệt kêu gọi nhân dân hai châu lục đoàn kết để chống đói nghèo. Các đại biểu cho rằng một số nước châu Á vẫn trong tình trạng tăng trưởng chậm lại do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Số lượng người nghèo đói vẫn chiếm tỷ lệ cao. Gần 80% lực lượng lao động trong khu vực này bị đẩy vào khu vực phi chính thức và nhận số tiền lương rất thấp trong khi điều kiện làm việc bấp bênh, không đảm bảo. Hàng trăm triệu phụ nữ và nam giới ở châu Á đang sống trong nghèo đói cùng cực. Chống nghèo đói không phải là đơn chiều và cần được hiểu rộng hơn một biện pháp kinh tế. Việc thực hiện không chỉ các quyền dân sự và chính trị, mà còn các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa là những yếu tố trong việc giải quyết đói nghèo và đạt được sự phát triển bền vững - nơi các thế hệ tương lai không bị tước đoạt, được tiếp cận với các nguồn lực để sống một cuộc sống tốt hơn.
Đoàn đại biểu Việt Nam gồm gần 50 đại diện đến từ các tổ chức nhân dân Việt Nam, do ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam dẫn đầu, tham dự các hoạt động của Diễn đàn.
Đăng Thái