Ban Công tác Đối ngoại Trung ương làm việc tại Vĩnh Long
Ngày 13/4, Ban Công tác Đối ngoại Trung ương do Phó ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Trần Đắc Lợi làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Vĩnh Long về công tác đối ngoại trên địa bàn.
Toàn cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Long, đến nay, tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Thông tin đối ngoại và Tổ giúp việc các cơ quan để phối hợp chặt chẽ và thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn. Riêng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Vĩnh Long với 7 tổ chức Hội thành viên Việt Nam với các nước: Trung Quốc, Pháp, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia… đã chủ động phát triển công tác đối ngoại cả chiều rộng và chiều sâu.
Tỉnh Vĩnh Long đã ký kết giao lưu hợp tác hữu nghị với các quốc gia như: Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan..., qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác. Trong năm 2016, Vĩnh Long thu hút 222 đoàn khách nước ngoài, các chuyên gia đến thăm và làm việc.
Tỉnh Vĩnh Long đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa Vĩnh Long và Xiêng Khoảng - Lào giai đoạn 2016 - 2020; thỏa thuận về hợp tác phát triển giữa Vĩnh Long - Gelderland - Hà Lan; giữa Vĩnh Long với các tỉnh Kampong Speu, SiemReap, Pursat, Banteay Meanchey (Campuchia); hợp tác với các trường chuyên nghiệp, trường đại học Hàn Quốc…
Tỉnh Vĩnh Long đã tham gia các đoàn xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch ở Hàn Quốc, Nga, tham gia các Hội chợ thương mại, triển lãm tại Campuchia, Thái Lan; tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng song Cửu Long MDEC và Hội nghị đầu tư vào đồng bằng song Cửu Long MekongInvest... Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 39 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI được cấp phép còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 370,34 triệu USD. Giai đoạn 2012 - 2016, tỉnh đã tiếp nhận 48 chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn với tổng số tiền trên 56 tỷ đồng trên các lĩnh vực: giao thông nông thôn, y tế, giáo dục, an sinh xã hội...
Năm 2017, tỉnh Vĩnh Long tập trung tổ chức xúc tiến, mời gọi đầu tư trực tiếp vào tỉnh tại các nước Đông Bắc Á Nhật Bản, Hàn Quốc; tăng cường khảo sát thị trường tiềm kiếm đối tác và cơ hội giao thương tại Campuchia, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước châu Âu…
Khó khăn hiện nay trong công tác đối ngoại của Vĩnh Long là đội ngũ cán bộ còn yếu về kiến thức đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, hình thức và tài liệu quảng bá về địa phương còn thiếu, chưa chủ động cung cấp thông tin, lồng ghép nội dung đối ngoại, vận động đầu tư khi tham gia các hội thảo…
Tại buổi làm việc, tỉnh kiến nghị Trung ương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành Trung ương xây dựng chiến lược quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế và đối ngoại nhân dân. Các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh tăng cường giới thiệu, điều phối các chương trình, dự án viên trợ phi chính phủ nước ngoài vào địa phương nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nước sạch, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai; quan tâm hỗ trợ tỉnh Vĩnh Long mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là thiết lập quan hệ hợp tác ở cấp địa phương với một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và các nước châu Âu; phối hợp với các cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam và cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi giúp tỉnh quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của địa phương.
Đoàn công tác Ban đối ngoại Trung ương đánh giá cao những nổ lực của tỉnh Vĩnh Long trong công tác đối ngoại, quá trình thu hút, kêu gọi đầu tư trên địa bàn thời gian qua. Ông Trần Đắc Lợi, Phó ban Thường trực ban đối ngoại Trung ương, Trưởng đoàn công tác lưu ý tỉnh Vĩnh Long cần khai thác thế mạnh về vị trí trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nhân lực, thế mạnh về vùng sản xuất nông nghiệp để xây dựng chiến lược thu hút đầu tư, các chương trình liên kết phát triển kinh tế xã hội phù hợp. Tỉnh cần đẩy mạnh xu thế liên kết đối ngoại với các nước, chỉ đạo gắn kết ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh, thông tin thế mạnh địa phương, tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư để khai thác có hiệu quả các cơ hội hợp tác, giao thương với đối tác nước ngoài.