Rất nhiều tàu lớn của Trung Quốc tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 |
Tờ Thời báo tài chính của Anh (The Financial Times - FT), ngày 12/5 có bài viết cho rằng, Trung Quốc đang đi ngược lại dòng chảy xu hướng trong quan hệ với Việt Nam.
Bài viết nêu rõ, hồi tháng 10/2013, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lần đầu tiên tới thăm Việt Nam, trong một phần nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng xung quanh quan hệ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ngày một gia tăng.
Phát biểu tại Hà Nội, Thủ tướng Lý Khắc Cường nêu rõ, Trung Quốc và Việt Nam cần thành lập một nhóm thảo luận các vấn đề hàng hải. Thậm chí vào thời điểm đó, ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện Quốc gia về Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng “hai nước đã đạt được đồng thuận nhằm cùng nhau kiểm soát cuộc khủng hoảng ở Biển Đông”.
Tuy nhiên, 6 tháng đã trôi qua kể từ thời điểm trên và quan hệ giữa hai nước láng giềng lại một lần nữa gặp sóng gió sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu tại vùng biển của Việt Nam – hành động đã bị Mỹ lên án là mang tính “khiêu khích”. Bài viết nêu rõ, trong bối cảnh này, hành động mới nhất của Bắc Kinh đang khiến các chuyên gia băn khoăn về khả năng “Trung Quốc đang đi chệch khỏi xu hướng cải thiện quan hệ với Việt Nam”. Nhà nghiên cứu về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Australia Carl Thayer cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam là một hành động “hoàn toàn không ai ngờ tới”.
Ông Taylor Fravel, Giáo sư chính trị học – một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 là một động thái “đặc biệt gây khó hiểu”, trong bối cảnh gần đây, Trung Quốc và Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp giữa các nhóm làm việc phụ trách vấn đề biển đảo. Tờ FT cho rằng, cho dù Trung Quốc có tính toán như thế nào, thì động thái này cũng đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam, và điều này đã được thể hiện qua việc hàng trăm người dân đã tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Ông Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh cho rằng, các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đang mong muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, những hành động mới nhất của họ, bao gồm việc thiết lập Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông (ADIZ) và hạ đặt giàn khoan tại vùng lãnh hải của Việt Nam đã cho thấy “sự mâu thuẫn” giữa lời nói và hành động của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Đây có thể được xem là những động thái đi ngược lại cách tiếp cận nhằm cải thiện môi trường ngoại giao trong khu vực.
Cùng ngày, tờ The New York Times của Mỹ cũng có bài viết về quan hệ căng thẳng giữa Việt Nam – Trung Quốc liên quan tới những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Bài viết dẫn lời ông David Zweig, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Xuyên quốc gia của Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho rằng quan điểm cứng rắn của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào hoạt động trái phép ở vùng biển Việt Nam có thể khiến các mục tiêu ngoại giao của Bắc Kinh tại khu vực bị đẩy vào thế “nguy hiểm”.
Ông Zweig cho rằng: “Nếu như Trung Quốc không thể hợp tác với Việt Nam sau khi hai nước đã có thỏa thuận song phương (về giải quyết các vấn đề trên biển), thì Trung Quốc sẽ làm cách nào để thuyết phục các nước khác thông qua các thỏa thuận song phương hay đa phương với Trung Quốc?”.
Ngày 12/5, tờ New Strait Times có bài viết “Malaysia thận trọng trong cách thức ứng phó với những quan hệ tranh chấp trên Biển Đông” nhằm khẳng định quốc gia Đông Nam Á này đang hướng tới mục tiêu xoa dịu căng thẳng và duy trì hòa bình trong khu vực. Bài viết dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Husssein cho rằng, Malaysia và các nước khác trong khối ASEAN cần hợp tác vì một tinh thần đoàn kết, thống nhất để bảo đảm an ninh trong khu vực.
Tuyên bố này được Malaysia đưa ra trong bối cảnh vào năm tới, quốc gia này sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN – trong khi dư luận đang đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò của ASEAN trong giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông để bảo đảm hòa bình, an ninh, trật tự và ổn định trong khu vực. Nhiệm vụ này đã được thể hiện rõ trong tuyên bố của Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Razak đưa ra mới đây rằng, Malaysia sẽ tìm kiếm “những thiện chí về chính trị” nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN và một cộng đồng kinh tế ASEAN trong tương lai./.