Bị đâm va trên biển, tàu đánh bắt hải sản xử trí thế nào?
Phần lớn các vụ đâm va xảy ra khi trời tối
Các vụ tàu cá của bà con ngư dân bị đâm va trên biển mấy năm qua có nhiều nguyên nhân, song có thể phân thành hai nguyên nhân chính: Do bị tàu lạ cố tình đâm va, gây tai nạn chìm tàu rồi bỏ đi; Bị tàu vận tải vô tình đâm va do cảnh báo, trực tàu không tốt.
Trong trường hợp đâm va thứ nhất, phần lớn tàu đánh bắt hải sản của bà con ngư dân ra khơi đơn lẻ, không đi thành tổ đội. Thời gian bị tàu lạ cố tình đâm va gây tai nạn chìm tàu, có thể xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào. Địa điểm là các ngư trường truyền thống gần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Với trường hợp thứ hai, phần lớn các vụ tai nạn, đâm va trên đều xảy ra khi trời tối, khoảng từ 22h hôm trước - 5h ngày hôm sau. Địa điểm xảy ra chủ yếu là vùng ngư trường tại biển Đông.
Vùng ngư trường này thường là nơi có mật độ tàu biển trong và ngoài nước hoạt động rất cao. Khi bị tàu biển đâm va vào ban đêm, phần lớn các trường hợp ngư dân ngủ đêm trên tàu cá, không cắt cử người trực canh. Khi bị đâm bất ngờ, không kịp trở tay, không nhìn rõ các đặc điểm nhận dạng của tàu đâm mình. Điều này khiến việc truy tìm tung tích tàu biển gây tai nạn càng khó khăn hơn. Mặt khác, các tàu vận tải thường có tải trọng lớn (hàng vạn đến hàng chụvạn c tấn) nên trong đêm khi va chạm với tàu cá (có công suất, tải trọng nhỏ hơn so với tàu vận tải), cũng có thể không biết là tai nạn đã xảy ra để áp dụng các biện pháp cứu nạn.
Tăng cường cảnh giới phòng ngừa tai nạn
Để giảm thiểu và tiến tới loại bỏ các vụ tai nạn, do đâm va giữa tàu biển và tàu cá, bảo đảm an toàn về người và tài sản cho ngư dân khi hoạt động trên biển, bà con ngư dân và mọi ngời cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh và ứng cứu.
Thứ nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và yêu cầu các chủ tàu, ngư dân tuân thủ các quy định về áp dụng Quy tắc Quốc tế phòng ngừa, đâm va tàu thuyền trên biển, cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của tàu thuyền trên biển. Đặc biệt, tuân thủ việc trưng đèn và dấu hiệu trong điều kiện sương mù, tầm nhìn hạn chế và ban đêm. Đồng thời, phải bố trí người trực canh, cảnh giới phòng ngừa tai nạn.
Thứ hai, khuyến cáo bà con ngư dân khi đánh bắt phải đi theo tổ, đội hoặc nhóm để khi gặp sự cố, tai nạn trên biển có thể tổ chức ứng cứu kịp thời và nhận dạng đặc điểm, hướng hành trình của tàu gây tai nạn để cung cấp cho các cơ quan chức năng truy tìm tàu gây tai nạn.
Thứ ba, các tàu cá hoạt động đánh bắt hải sản trên biển cần lưu ý việc lắp đặt phao tự động báo nạn qua vệ tinh của các cơ quan chức năng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đảm bảo tình trạng hoạt động của thiết bị thông tin liên lạc. Khi gặp sự cố, phải liên lạc ngay với một đài thông tin duyên hải (TTDH) trong Hệ thống Đài TTDH Việt Nam để được hỗ trợ.
Khi nhận được thông tin của tàu gặp sự cố, các khai thác viên của Hệ thống Đài TTDH Việt Nam sẽ chuyển ngay thông tin đến các đơn vị phối hợp tìm kiếm cứu nạn và phát bản tin cảnh báo hàng hải để các tàu thuyền đang hoạt động lân cận khu vực tàu bị nạn nhanh chóng đến cứu giúp...