Hội thảo về Biển Đông tại Pháp: ASEAN có thể đóng vai trò kết nối
(TTXVN/VIETNAM+) Đại học Paul-Valérie Montpellier 3 mới đây đã phối hợp với các đối tác tổ chức Hội thảo quốc tế về tình hình Biển Đông, nhấn mạnh khả năng ASEAN có thể đóng vai trò là giao diện kết nối giữa Trung Quốc với Mỹ và các quốc gia liên quan để gợi ý những giải pháp cho căng thẳng trên Biển Đông hiện nay.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Việt Sơn/Vietnam+)
Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần Quốc tế Pháp ngữ với chủ đề năm nay là hướng tới châu Á. Các diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá về tình hình Biển Đông, những tranh chấp về chủ quyền và tiềm ẩn bất ổn leo thang tại khu vực.
Nhiều ý kiến cho rằng Biển Đông có vai trò quan trọng về địa chính trị, có tuyến đường hàng hải giao thương huyết mạch của thế giới, có nguồn lợi thủy sản và thiên nhiên to lớn nhất là dầu khí.
Chính vì thế, tại đây, đã có những tranh chấp, bất đồng giữa Trung Quốc với các quốc gia duyên hải, và với lợi ích của Mỹ với tư cách là cường quốc biển hàng đầu và luôn khẳng định bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Phát biểu tại hội thảo, học giả Sophie Boisseau de Rocher thuộc Viện Nghiên cứu Pháp về quan hệ quốc tế (IFRI) nhấn mạnh. do những tranh chấp và nguồn lợi quá lớn ở Biển Đông nên tại đây luôn tiềm ẩn những tình thế nhạy cảm và phức tạp có thể tạo ra nhiều va chạm hay xung đột. Tuy nhiên, sự đoàn kết của ASEAN có thể là thách thức thật sự đối với Trung Quốc, nếu ASEAN duy trì được mối quan hệ đã có với Mỹ. Về kịch bản sắp tới, bà Rocher cho rằng nhiều khả năng là hiện trạng sẽ được giữ nguyên song cần có cơ chế để quản lý lợi ích chung.
Diễn giả Benoit de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM), nhấn mạnh tới sự phân chia các vùng ảnh hưởng của các quốc gia tại khu vực.
Ông Benoit gợi ý các quốc gia liên quan cần suy nghĩ về một sự hợp tác hàng hải chung, tìm kiếm những mối quan hệ tin cậy lẫn nhau. Ông dẫn ví dụ điển hình là việc Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố muốn tạo ra một chính sách mới về hợp tác. Tuy vậy, ông Benoit cũng nhấn mạnh đến sự hợp tác cần có từ phía Trung Quốc.
Dù có nhiều ý kiến, song tựu chung, nhiều diễn giả nhất trí cho rằng ASEAN về tiềm năng sẽ là một tổ chức, hiệp hội mạnh hơn nếu đoàn kết, chia sẻ lợi ích chung để đàm phán với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. ASEAN cũng có thể đóng vai trò kết nối với Mỹ hay châu Âu trong quan hệ với khu vực và với Trung Quốc./.