Quang cảnh buổi tiếp (Ảnh: Tuấn Việt)
Cùng dự buổi tiếp có, ông Nguyễn Ngọc Hai, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; ông Nguyễn Văn Mỹ, Trưởng ban Ban Á Phi, Liên hiệp Hữu nghị; ông Tạ Minh Châu, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Lào cùng đại diện các sở, ngành tỉnh Bình Thuận.
Tại buổi tiếp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ vui mừng được đón đoàn Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam sang thăm và làm việc tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (một trong ba tỉnh, thành phố mà đoàn tới thăm và làm việc tại Việt Nam lần này gồm thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bình Thuận – pv).
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Tuấn Việt)
Thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng gửi lời chào trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thành viên đoàn công tác.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Bình Thuận có diện tích tự nhiên 7.813 km2, đường bờ biển dài 192 km; dân số trên 1,2 triệu người, 10 đơn vị hành chính bao gồm: 01 thành phố, 01 thị xã và 08 huyện, trong đó có 01 huyện đảo Phú Quý.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng, Bình Thuận có tiềm năng tài nguyên phong phú, đa dạng về đất đai, rừng, biển, khoáng sản,… là khu vực được thiên nhiên ban tặng nhiều nắng, nhiều gió; biển xanh, cát trắng, nắng vàng… là tiền đề để phát triển các ngành công nghiệp, chế biến nông - lâm - thủy sản, năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời và năng lượng gió), phát triển du lịch xanh - nhất là du lịch thể thao biển và chế biến khoáng sản; tỉnh Bình Thuận có lợi thế để phát triển nông nghiệp toàn diện với những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh theo hướng sản xuất tập trung, năng suất, chất lượng cao, bền vững theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận có khoảng 27.000 ha cây thanh long, sản lượng hàng năm trên 600.000 tấn và tiềm năng phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Là một trong 3 ngư trường lớn nhất Việt Nam với sản lượng hải sản khai thác hàng năm trên 200.000 tấn; Quặng Titan có trữ lượng gần 600 triệu tấn (chiếm trên 92% trữ lượng Việt Nam); là Trung tâm năng lượng quốc gia với công suất theo quy hoạch trên 12.000 MW. Hàng năm, tỉnh Bình Thuận tiếp đón trên 4,5 triệu khách du lịch (trong đó có khoảng trên 10% là khách quốc tế), là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế trong nhiều năm qua. Với những kết quả trên, kinh tế tỉnh Bình Thuận trong những năm qua liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá (bình quân hàng năm trên 7,0%).
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bình Thuận luôn nhận thức sân sắc rằng mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào đã và đang tiếp tục được củng cố, đổi mới và phát triển sâu rộng hơn, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển của mỗi nước. Trong từng giai đoạn phát triển của hai nước, hai dân tộc hôm nay, đều có sự đóng góp tích cực của hai bên làm cho quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng keo sơn, bền chặt và không ngừng đơm hoa, kết trái.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng, hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tự lực, tự cường, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng, xây dựng đất nước Lào và đất nước Việt Nam ngày càng phát triển phồn vinh, thịnh vượng; mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước.
Ông Vị-lay-vông Bụt-đa-khăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch - Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam thay mặt đoàn cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng đã dành thời gian tiếp đoàn; đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đã đạt được trong những năm gần đây.
Chủ tịch Hội hữu nghị Lào – Việt Nam Vị-lay-vông Bụt-đa-khăm phát biểu (Ảnh: Tuấn Việt)
Theo Chủ tịch Hội hữu nghị Lào – Việt Nam Vị-lay-vông Bụt-đa-khăm, trong thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào và Việt Nam tiếp tục được củng cố và có bước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, an ninh, quốc phòng. Việt Nam và Lào tiếp tục coi trọng và dành ưu tiên cao nhất trong quan hệ hai nước và luôn khẳng định các thành tựu đã giành được trong công cuộc bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước đều gắn liền với sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Đảng, Chính phủ và Nhân dân hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên thăm viếng lẫn nhau, tăng cường sự gắn bó, tin cậy, tạo cơ sở vững chắc cho những bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.
Chủ tịch Hội hữu nghị Lào – Việt Nam Vị-lay-vông Bụt-đa-khăm cho biết trong hai ngày 25 và 26/8 vừa qua, đoàn đã thăm và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương; tiếp kiến Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam; ông Trần Văn Túy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Lào cũng đã tiếp và làm việc với đoàn. Qua đó, đoàn đã nhận được những tình cảm nồng hậu mà phía Việt Nam dành cho đoàn trong thời gian ở Việt Nam.
Chủ tịch Hội hữu nghị Lào – Việt Nam Vị-lay-vông Bụt-đa-khăm nhấn mạnh, năm 2019 là năm kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống quân đội nhân dân Lào và 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào, Hội hữu nghị Lào – Việt Nam sẽ cùng với Hội hữu nghị Viêt Nam – Lào phối hợp chặt chẽ và tham mưu cho hai Nhà nước, Bộ Quốc phòng tổ chức hoạt động kỷ niệm hai sự kiện có ý nghĩa này. Hai Hội hữu nghị hai nước sẽ đồng chủ trì Lễ dâng hương tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ Việt Nam, Lào. Nhân dịp này, tuyên truyền sâu sắc về lịch sử, truyền thống của quân đội nhân dân Lào và quân tình nguyện Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh (mỗi nước sẽ cử 70 thành viên, tượng trưng cho 70 năm ngày truyền thống quân đội nhân dân Lào và 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào tham gia các hoạt động kỷ niệm). Năm 2019 cũng là năm kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Xu-pha-nu-vông, hai Hội tổ chức các hoạt động kỷ niệm ở mỗi bên và cùng nhau phối hợp tổ chức hoạt động kỷ niệm sự kiện có ý nghĩa này. Chủ tịch Hội hữu nghị Lào – Việt Nam Vị-lay-vông Bụt-đa-khăm đề xuất tổ chức hoạt động "Gặp gỡ trên quên hương Chủ tịch Xu-pha-nu-vông", trong đó hai bên phối hợp đón đoàn các cán bộ Việt Nam từng trực tiếp hoạt động, phục vụ Chủ tịch thăm, giao lưu, nói chuyện truyền thống với sinh viên trường Đại học Xu-pha-nu-vông và tổ chức một số hoạt động khác trong khuôn khổ chương trình. Tỉnh Bình Thuận có Tháp nước Phan Thiết (Công trình do Chủ tịch Xu-pha-nu-vông, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thiết kế, nay là biểu tượng của tỉnh Bình Thuận), Chủ tịch Hội hữu nghị Lào – Việt Nam Vị-lay-vông Bụt-đa-khăm mong muốn Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ phối hợp, giúp đỡ hai Hội hữu nghị hai nước tổ chức chương trình tại tỉnh trong năm tới.
Chủ tịch Hội hữu nghị Lào - Việt Nam Vị-lay-vông Bụt-đa-khăm đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như các doanh nghiệp của tỉnh Bình Thuận quan tâm và đầu sang Lào trong thời gian tới.
Ảnh: Tuấn Việt
Cùng ngày, đoàn đại biểu Trung ương Hội hữu nghị Lào – Việt Nam đã đi thăm Tháp nước Phan Thiết (Công trình do Chủ tịch Xu-pha-nu-vông, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thiết kế, nay là biểu tượng của tỉnh Bình Thuận); thăm Trường Dục Thanh (nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành-tên gọi của Bác Hồ lúc 20 tuổi) dạy học năm 1910, trước khi vào Sài Gòn ra nước ngoài tìm đường cứu nước; thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Tuấn Việt