Tham dự chương trình có ông Harada Yoshinori, Chủ tịch Hội giao lưu Nagano Việt Nam, bà Yonekubo Chikayo, Phó Chủ tịch Hội giao lưu Nagano Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ Nhật Bản, ông Takeji Yoshikama, Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Về phía Việt Nam có ông Chu Tuấn Cáp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, bà Nguyễn Minh Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, bà Trần Thị Xuân Oanh, Phó trưởng Ban Á Phi – LHCTCHN VN, ông Hoàng Văn Nhận, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, cùng các hội viên Hội hữu nghị Việt Nhật, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt – Nhật, Câu lạc bộ cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, Câu lạc bộ thơ Haiku Hà Nội, học sinh, sinh viên đội múa Yosakoi Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí. Mở màn cho chương trình giao lưu là điệu múa Yosakoi hết sức sôi nổi và náo nhiệt với sự tham gia của các em học sinh, sinh viên đến từ Câu lạc bộ Yosakoi Việt Nam.
Đây là loại hình nghệ thuật vừa truyền thống vừa hiện đại đặc trưng của Nhật Bản, xuất phát từ một điệu múa về mùa hè Awa Odori Nhật. Yosakoi là phương ngữ của Kochi, nghĩa là “Đêm nay mời bạn đến”. Tiết mục tiếp theo là màn biểu diễn đàn Koto (Đàn tranh Nhật Bản) với sự tham gia của các nghệ sĩ tỉnh Nagano với diễn khúc Chidori, Tou, đặc biệt là một làn điệu dân ca Việt Nam. Cây đàn Koto được làm từ cây pawlonia, dài 1m80. Mười ba dây tơ căng dài trên mặt âm bảng. Mười ba con nhạn chữ A hứng chịu 13 dây đàn. Đàn tranh Koto không có trục giống như đàn Kayakeum của Đại Hàn và có thể đàn độc tấu, tam tấu với đàn tam shamisen, ống tiêu shakuhachi, hay đàn trong dàn nhạc cổ điển hoặc cận đại. Màn trình diễn về cách mặc Kimono truyền thống Nhật Bản đã thu hút sự chú ý của đông đáo khách mời.
Tiết mục được các nghệ sĩ đàn Koto đệm nhạc với các bài hát như Sakura (Hoa anh đào), Kazoeuta (Hát đếm), Oedo nipponbashi (Cầu Nhật Bản – Edo) và Hanakage (Dưới bóng hoa). Để tạm biệt khán giả, các thành viên của Hội giao lưu Nagano và Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản cùng cất cao lời bài hát Kitano haru (Mùa xuân xứ Bắc) và Ue wo muite arukou (Hãy ngẩng đầu mà đi). Kết thúc chương trình giao lưu văn hóa, ông Hoàng Văn Nhận có gửi lời cảm ơn chân thành tới Hội giao lưu Nagano, Hội đồng Hòa bình hữu nghị Nhật – Việt đã mang tới một chương trình nghệ thuật qua đó nói lên nhiều nét tương đồng giữa hai dân tộc Việt Nam – Nhật Bản.Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản và Hội đồng Hòa bình hữu nghị Nhật – Việt đã triển khai các chương trình giao lưu văn hóa từ nhiều năm nay như việc đưa đoàn Việt Nam sang Nhật Bản và đón các đoàn nghệ thuật Nhật Bản tới Việt Nam. Ông Hoàng Văn Nhận cũng chúc cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản và đặc biệt là với tỉnh Nagano ngày càng tốt đẹp.
Nam Hương