
Photo: NN
Đó là những hoạt động vô cùng ý nghĩa mà những thành viên của tổ chức “Hành trình của tình anh em” (ROtB), đối tác của Hội Việt - Mỹ thuộc Liên hiệp hữu nghị Việt Nam, đang tiến hành tại Việt Nam.
Sang Việt Nam mang theo những kỷ vật của một liệt sỹ tên là Trần Nhật Ký do một cựu binh Mỹ có tên Dean Carter gửi gắm cùng bức tâm thư của ông, các thành viên của RotB đã trân trọng trao lại kỷ vật cho lãnh đạo Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng. Những hiện vật này sau đó sẽ được chuyển cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trưng bày.
Hiện vật gồm 01 chiếc mũ cối bên trong có khắc tên liệt sỹ Trần Nhật Ký và tên người bạn gái của anh có ký hiệu MT cùng lời ước nguyện “Vững hẹn”, một bi đông đựng nước uống. Mặc dù đã trải qua gần nửa thế kỷ nhưng những hiện vật được những cựu binh Mỹ bảo quản tốt, nguyên trạng.
Tại lễ tiếp nhận, Đại tá Trần Quốc Dũng, Phó Cục trưởng cục Chính sách, Bộ Quốc phòng xúc động bày tỏ cảm ơn những cựu binh Mỹ đã trao lại những kỷ vật thiêng liêng của người chiến sỹ Việt Nam đã hi sinh trong chiến tranh.

Ông chia sẻ, sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương khép lại quá khứ, bắt tay với bạn bè trong đó có các cực chiến binh Mỹ để tìm kiếm tung tích những người lính còn đang mất tích trong chiến tranh. Đến nay, phía Việt Nam đã tìm được khá nhiều hài cốt của các liệt sỹ nhưng vẫn còn khoảng 200.000 người chưa được tìm thấy. Công cuộc tìm kiếm ngày càng khó khăn hơn do thông tin ít và địa thế ngày càng thay đổi nhiều.
Trong những năm qua, nhiều tổ chức, bạn bè quốc tế trong đó có các bạn bè, đối tác Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam nhiều hiện vật và thông tin quý báu để tìm kiếm các liệt sỹ. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức trân trọng những điều này và coi đó là cơ sở cho việc tìm kiếm những người lính còn mất tích.
Ông Edward Lewis chia sẻ: Đây là lần thứ tư ông đến Việt Nam. Đất nước Việt Nam rất đẹp, con người hiền hòa, hiếu khách. Tổ chức của ông đã hoạt động từ 2 năm về trước với mong muốn làm được nhiều việc có ý nghĩa cho những gia đình có người thân bị mất tích trong chiến tranh với việc thu thập thông tin từ các cựu binh còn sống sau đó tổng hợp lại, phân tích và cung cấp thông tin chính xác nhất cho Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam.
Lễ trao kỷ vật chiến tranh được diễn ra trang trọng, bên cạnh chiếc mũ cối và bi đông đựng nước của liệt sỹ Trần Nhật Ký còn có bức tâm thư của người lính Mỹ đã sưu tầm những hiện vật này cũng được trao lại. Bức tâm thư làm sáng tỏ về cái chết của liệt sỹ Trần Nhật Ký cũng như nguồn gốc những kỷ vật được sưu tầm.
Theo nội dung bức tâm thư, sau gần nửa thế kỷ bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam, trong đó có cái chết của liệt sỹ Trần Nhật Ký do chính mình gây ra, người lính Mỹ Dean Carter đã gửi trả lại những hiện vật mà ông đã sưu tầm lại sau khi bắn chết chiến sỹ Trần Nhật Ký, một phần là để chuộc lại những lỗi lầm của bản thân để có những giây phút thanh thản lúc tuổi già, một phần mong muốn tìm và trao lại các kỷ vật cho gia đình anh Trần Nhật Ký,
Dean Carter đã dãi bày trong bức tâm thư:
“Tôi tên là Dean Carter, một lính thủy đánh bộ giải ngũ. Tôi đã phục vụ Tổ quốc từ năm 1967 đến 1988.
…..
Ngày hôm đó, 25/3/1969, vẫn còn nhớ như in trong ký ức của tôi dù nhiều năm đã trôi qua. Đó là ngày tôi đã cướp đi mạng sống của một người lính trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam có tên Trần Nhật Ký.
Vào giữa ngày khi hai bên vẫn đang giao tranh, một người lính trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam đứng lên để quan sát chúng tôi đang ở đâu. Cùng lúc đó tôi tình cờ nhìn về phía anh ta, vì anh ta chỉ đứng cách tôi 20 mét. Tôi nổ súng trước khi anh ta có thể bắn tôi. Cho đến ngày hôm nay tôi vẫn thấy ánh mắt kinh hoàng của người lính ấy khi ngã xuống. Tôi tiến về phía anh ta, nhưng anh ta đã chết.
Bất cứ người lính nào ở cả hai bên cũng biết, người ta có thói quen sưu tầm kỷ vật chiến tranh, nên tôi đã lấy mũ cối, thắt lưng, dao và bi-đông của anh ta. Tôi chỉ giữ lại mũ cối và bi-đông, và đưa những vật dụng kia cho một lính thủy đánh bộ khác. Ở Mỹ, gia đình của những người lính tử trận hoặc mất tích muốn được biết điều gì đã xảy ra cho người thân của họ và tôi chắc chắn là các gia đình Việt Nam cũng có suy nghĩ như vậy. Vì thế tôi xin gửi trả lại chiếc mũ cối và bi-đông này cho phía Việt Nam.
Làm như vậy, tôi cung cấp lời giải đáp về số phận của Kỳ cho gia đình anh, và hy vọng khép lại nỗi đau của chính mình, vì tôi vẫn thường thấy gương mặt của anh lúc cuối đời trong những cơn ác mộng của mình.
Tôi sẽ rất trân trọng nếu những kỷ vật này được trao trả cho gia đình của Trần Nhật Ký hoặc người bạn gái mà anh khắc chữ cái đầu của tên (MT) bên trong mũ cối, nhưng nếu điều đó không thực hiện được, tôi đề nghị những kỷ vật này được trưng bày ở một bảo tàng chiến tranh, để người lính trẻ này được mọi người nhớ đến và tôn vinh, và tất cả mọi người sẽ biết Trần Nhật Ký đã chiến đấu rất dũng cảm, và dù định mệnh của anh là chết cái chết của một người lính trên chiến trường, anh vẫn sẽ sống mãi”.
N. Yến