Quang cảnh buổi tiếp (Ảnh: Tuấn Việt)
Cùng dự tiếp có Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ; ông Bùi Văn Nghị, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Châu Mỹ VUFO; ông Chuck Searcy Phó Chủ tịch Chi hội “Cựu chiến binh vì Hòa bình” (Veterans For Peace-VFP) VFP 160 tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, ông Steve Nichols cảm ơn Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga dành thời gian tiếp và bày tỏ vui mừng khi VUFO có tân Chủ tịch; chia sẻ chuyến đi lần này thăm Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, ông Steve Nichols đưa con gái đi cùng để cô hiểu hơn về đất nước mà bố mẹ cô đã dành rất nhiều tình cảm yêu quý, Việt Nam cũng là nơi bắt đầu tình yêu của ông với bà Sally Benson, hai người đã gặp nhau lần đầu tiên ở Việt Nam.
Ông Steve Nichols sang Việt Nam cuối những năm 1960 ông vô cùng nể phục trước tinh thần kiên cường của người dân Việt Nam trong chiến tranh. Chứng kiến hậu quả của chiến tranh nên khi về nước ông là một trong những hạt nhân trong phong trào phản chiến và bị án treo khi trốn quân dịch sang Việt Nam. Ông ấn tượng và cảm động trước sự thấu hiểu, tình cảm tốt đẹp, tấm lòng bao dung của người Việt Nam dành cho nhân dân Mỹ, những người đứng ngoài cuộc chiến phi nghĩa.
Ông Steve Nichols và con gái bày tỏ vui mừng khi chứng kiến sự thay đổi và phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây.
Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga bày tỏ vui mừng được đón tiếp ông Steve Nichols và con gái, đồng thời nhờ ông chuyển lời chào và lời chúc tốt lành đến bà Sally Benson.
Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, nhân dân Việt Nam vô cùng cảm kích và biết ơn những tình cảm và hành động mà gia đình ông Steve Nichols đã và đang dành cho Việt Nam. “Các bạn là những người anh em của chúng tôi”, Chủ tịch VUFO cho biết.
Theo Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga, hiện nay, nhiều gia đình, người dân Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của hậu quả chiến tranh. Những hoạt động CCF hướng đến trong thời gian tới, như những dự án về giảm phát thải khí Carbon, bảo vệ nguồn nước... sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho Việt Nam.
Bà Sally Benson tới Việt Nam lần đầu năm 1968 với tư cách giáo viên tiếng Anh tình nguyện, chứng kiến hậu quả của chiến tranh, khi trở về Mỹ bà đã trở thành một hạt nhân trong phong trào phản chiến. Căn nhà tại thủ đô Washington của vợ chồng bà chính là địa điểm diễn ra các hoạt động phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Lúc đó, bà Sally Benson không thể trực tiếp xuống đường phản chiến, bởi chồng bà - ông Steve Nichols, đã bị phạt án treo do trốn quân dịch sang Việt Nam. Nhưng bà tham gia phản chiến bằng cách phân phát tài liệu, tham gia các đoàn công tác để giới thiệu về Việt Nam thông qua các triển lãm, phim, thuyết trình ở các bang về sự tàn phá của cuộc chiến ở Việt Nam, về hậu quả của chiến tranh đối với con người và môi trường mà chính bà đã tận mắt trông thấy. Căn nhà đó cũng trở thành "ngôi nhà tình nghĩa, ngôi nhà thứ hai" cho nhiều người Việt Nam, từ những quan chức Quốc hội, Chính phủ, đến các công dân bình thường Việt Nam khi sang thăm và làm việc tại Mỹ.
Chiến tranh kết thúc, bà Sally Benson vẫn tiếp tục triển khai nhiều dự án ủng hộ bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt và hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh.
Gần 30 năm sau, bà Sally Benson giờ đã trở thành một phụ nữ đứng tuổi và rất mực dịu hiền, vẫn nhớ rõ chuyến đi Hà Nội lần đầu tiên ấy. Những người bạn Việt Nam đưa bà đi nhiều nơi, kể cho bà nhiều chuyện về cuộc sống của người Việt Nam, về vùng châu thổ sông Hồng, các làng xã, các nhà máy, bệnh viện, trường học, các ngôi chùa, gặp gỡ các cựu chiến binh.
Hiện nay, bà là thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức như Cheer Foundation for Vietnam, Quỹ Hoà giải và Phát triển, Công viên Hoà bình Mỹ Lai, Quỹ Bảo tồn chữ Nôm, Sally Benson và bạn bè vẫn tiếp tục nhiều hoạt động ủng hộ Việt Nam, đặc biệt là giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh, cựu chiến binh, goá phụ, trẻ mồ côi...
Ngày 07/6/2010, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao tặng bà Sally Benson kỷ niệm chương "Vì hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc", như sự ghi nhận những đóng góp không ngừng nghỉ của bà cho Việt Nam.
Tuấn Việt