Ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui cầm bức ảnh đầu tiên của hai người chụp chung vào mùa xuân năm 1971 tại một căn nhà nhỏ ở Hà Nội.
Trong bối cảnh cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sắp diễn ra ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam vào cuối tháng này, ngày 13-2, hãng tin Reuters đã chia sẻ một câu chuyện hết sức cảm động về mối tình vượt thời gian của một chàng sinh viên người Việt và cô gái Triều Tiên từ cách đây khoảng 5 thập niên.
Đã 31 năm sau khi ông Phạm Ngọc Cảnh (hiện 69 tuổi) chụp bức ảnh đầu tiên với bà Ri Yong Hui trước khi cặp đôi được phép kết hôn vào năm 2002 - thời điểm Triều Tiên có bước đi hiếm hoi khi cho phép một trong các công dân nước này kết hôn với người nước ngoài.
Cô gái Triều Tiên "tan chảy trái tim"
"Từ giây phút tôi gặp anh (Cảnh), tôi đã rất buồn vì tôi cảm nhận được rằng một tình yêu chớm nở có thể sẽ không bao giờ thành hiện thực", bà Ri Yong Hui (hiện 70 tuổi) chia sẻ tại một căn nhà nhỏ mà bà và ông Cảnh sống chung ở thủ đô Hà Nội.
Vào năm 1967 - thời điểm kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra, ông Cảnh là một trong 200 sinh viên Việt Nam được gửi tới Triều Tiên học tập.
Vài năm sau đó, trong thời gian học nghề tại một nhà máy phân bón ở khu vực duyên hải phía đông Triều Tiên, ông Cảnh vô tình gặp được ý trung nhân là bà Ri Yong Hui - đang làm việc trong một phòng thí nghiệm.
"Tôi nghĩ thầm rằng chắc tôi phải cưới cô gái đó", ông Cảnh kể lại câu chuyện trúng "tiếng sét ái tình" của mình. Người đàn ông hiện 69 tuổi cho biết thời điểm đó ông đã lấy hết can đảm để tiếp cận bà Ri và tỏ tình với bà.
Còn bà Ri cho biết "trái tim đã tan chảy" khi ông Cảnh "mở cửa" con tim, dù lúc đó "đóa dã quỳ" Triều Tiên cũng gặp nhiều anh chàng bảnh bao khác.
Ông Cảnh và bà Ri liên tục gửi thư cho nhau và cuối cùng cô gái Triều Tiên đã đồng ý cho anh chàng Việt Nam đến thăm nhà.
Từ đó, trong trang phục của Triều Tiên, ông Cảnh cứ di chuyển bằng xe buýt 3 tiếng đồng hồ và đi bộ 2 km để đến nhà bà Ri trong nhiều tháng liền cho đến khi ông Cảnh về lại Việt Nam vào năm 1973.
Ông Cảnh và bà Ri nắm chặt tay nhau sau gần 5 thập niên kể từ ngày đầu gặp nhau
Sự ngăn trở và thử thách thời gian
Tuy nhiên, hai trái tim chung nhịp đập lại không thể đến được với nhau vì một rào cản: Triều Tiên cấm công dân kết hôn với người nước ngoài.
Cuộc tình kéo dài 2 năm tưởng chừng tan theo mây khói sau khi ông Cảnh rời khỏi Triều Tiên. Nhưng duyên số đã cho hai người gặp lại khi năm 1978, ông Phạm Ngọc Cảnh được cử sang lại Triều Tiên để học thêm về sản xuất thuốc trừ cỏ trong thời hạn 3 tháng.
Lúc đó, ông Cảnh đã tìm cách gặp lại bà Ri. Nhưng mỗi khi họ gặp nhau, trái tim bà Ri như tan vỡ khi nghĩ đến lúc họ có thể không bao giờ được gặp lại nhau.
Và rồi họ lại xa nhau khi nhiều ao ước vẫn chưa thực hiện. Nhưng chính những lời hẹn ước của cả hai trước khi ông Cảnh tạm biệt mảnh đất Triều Tiên đã trở thành ngọn lửa duy trì tình yêu mãnh liệt mà cả hai dành cho nhau.
Năm 1992, ông Cảnh một lần nữa được sang Triều Tiên trong vai trò phiên dịch cho một đoàn thể thao Việt Nam, nhưng không gặp được bà Ri. Khi quay lại Hà Nội, ông Cảnh mới biết tin bà Ri đã gửi thư cho ông. Bà vẫn còn yêu ông sâu đậm.
Tháng 5/2002, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm Triều Tiên, cùng đi có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên. Ông Cảnh đã viết một bức thư gửi lên các vị lãnh đạo trong đoàn nhờ can thiệp giúp chuyện tình cảm của mình.
Vào một ngày có lẽ đẹp nhất trong đời mình năm 2002, ông Cảnh bất ngờ nhận được giấy phê chuẩn kết hôn của Uỷ ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên, cho phép ông lấy bà Ri Yong Hui.
Cuối cùng, ông Cảnh và bà Ri kết hôn tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bình nhưỡng và sau đó ổn định cuộc sống ở Hà Nội.
Giờ đây khi đôi vợ chồng Triều - Việt được sống trong niềm hạnh phúc tại Việt Nam, họ hi vọng rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sắp tới sẽ mang đến nhiều thay đổi cho Bình Nhưỡng.
Theo Reuters, là một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất Châu Á và tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng quốc tế, Việt Nam hiện được xem là một mô hình phát triển để Triều Tiên học hỏi.
t/h