Đại sứ Na Uy Grete Lochen tại Việt Nam.
- Xin chào tân Đại sứ! Nhân dịp Tết Kỷ Hợi, xin kính chúc bà và gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúng tôi rất vui mừng được chào đón bà đến Việt Nam! Cảm nhận đầu tiên của bà khi đến với đất nước chúng tôi là gì? Điều gì khiến bà quan tâm đặc biệt về Việt Nam?
- Đại sứ Na Uy Grete Lochen : Xin cám ơn. Khi đến Việt Nam lần đầu cách đây hơn 25 năm, cảm nhận đầu tiên của tôi về Việt Nam là sự thân thiện của mọi người. Tôi rất thích bầu không khí sôi động và những con người dễ mến ở đất nước các bạn. Tôi nhớ, Việt Nam có rất nhiều xe đạp. Hình ảnh những chiếc xe đạp cũ đi lại trên những con phố nhỏ ở Hà Nội đã khiến Việt Nam trở nên đặc biệt hơn với tôi.
Tôi thích Việt Nam, cảnh đẹp thiên nhiên, truyền thống, văn hóa ẩm thực của đất nước này, sự năng động kinh tế, và trên cả là những con người thân thiện. Vì thế, Việt Nam là lựa chọn đầu tiên của tôi khi đăng ký làm Đại sứ cho nhiệm kỳ này và tôi rất vui vì hiện tại tôi đang được sống ở Việt Nam.
- Người Việt quan niệm, Tết Nguyên đán (Tết cổ truyền) là dịp lễ quan trọng nhất trong năm, là thời điểm chuyển giao năm cũ, chào đón năm mới với nhiều hi vọng, niềm tin về những điều tốt đẹp, may mắn và thành công. Bà đã từng đón Tết Nguyên đán của Việt Nam chưa? Năm nay Bà chuẩn bị đón Tết như thế nào?
- Tết của Việt Nam cũng giống như dịp Giáng sinh ở Na Uy, là thời điểm gia đình đoàn tụ và sum họp. Tôi rất hào hứng và quyết định ở lại thành phố để đón cái Tết đầu tiên của mình ở Việt Nam. Thật thú vị khi được biết thêm về những phong tục truyền thống ngày Tết của người Việt từ Lễ Ông Công Ông Táo, đến ý nghĩa của Mâm Ngũ Quả, rồi tục xông đất và tiền lì xì. Tết khiến Hà Nội đẹp hơn vì muôn vàn loại hoa đua nở cùng với hoa đào và quất.
Tôi cũng mua một cành đào cắm ở nhà và cùng nhân viên Sứ quán trang trí cành đào ngày Tết. Nhưng kỷ niệm tuyệt vời nhất của tôi về Tết đầu tiên ở Việt Nam là được cùng các em học sinh khiếm thị ở Trường Nguyễn Đình Chiểu gói bánh chưng. Tôi vô cùng cảm động khi được chứng kiến sự thích thú của các em, cảm xúc của các em khi được chạm tay vào những hạt gạo nếp, những chiếc lá dong, và tự tay bóc bánh. Các em còn gói bánh Chưng giỏi hơn chúng tôi. Tôi tin rằng đó là một trải nghiệm đáng nhớ của các em và thậm chí của cả chính tôi.
Đại sứ Lochen đang trang trí cành đào đón Tết Nguyên đán tại nhà riêng ở Hà Nội.
- Một ngày của bà ở Hà Nội diễn ra như thế nào? Hà Nội là một trong số không nhiều thành phố trên thế giới duy trì được môn thể thao chạy bộ của đông đảo người dân, bà có hay chạy bộ không hay thích môn thể thao nào khác?
- Hà Nội hôm nay đã thay đổi rất nhiều. Xe đạp ít đi, xe máy, ô tô nhiều hơn và tất nhiên phải kể tới những tòa nhà cao tầng. Nhưng với tôi, thành phố này vẫn giữ được vẻ đẹp và sự duyên sáng rất riêng của mình.
Sáng nào tôi cũng đi bộ đi làm, mặc dù tôi vẫn chưa học được cách sang đường của người Hà Nội. Tôi thích đi bộ và ngắm nhìn cuộc sống phố phường bận rộn, những con hẻm nhỏ, xe cộ đi lại như mắc cửi. Hầu như cuối tuần nào tôi cũng chạy bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Tôi thích cuộc sống náo nhiệt mà bình dân ở khu vực này với rất nhiều hoạt động. Thỉnh thoảng, một số em sinh viên học sinh chủ động đến bắt chuyện và thực hành tiếng Anh với tôi, hoặc đôi khi chỉ là một cái ôm để hưởng hướng ứng phong trào của các em. Thật là một thành phố thân thiện!
- Nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam luôn “nhớ thương” về đồ ăn, thức uống của chúng tôi. Cá nhân Bà đã thưởng thức những món ăn Việt nào và thích món gì nhất?
- Tôi không ngạc nhiên bởi nhận định này. Quả thật, đồ ăn thức uống của Việt Nam rất đặc biệt. Tôi là “tín đồ” của súp nên Bún Chả và Phở (phở bò và phở gà) là các món ăn Việt Nam yêu thích của tôi. Nem rán cũng rất ngon. Khi còn ở Oslo, tôi đã từng thử đồ ăn Việt Nam, vì Oslo cũng có một vài nhà hàng Việt Nam, nhưng thưởng thức phở ở Hà Nội thì khác hẳn, “chất” hơn nhiều. Món đồ uống Hà Nội mà tôi rất thích đó là cà phê trứng. Tôi có thể uống cà phê trứng mỗi ngày.
Mặc dù chưa đi được nhiều nơi vì mới sang Việt Nam được 5 tháng, tôi rất hy vọng sẽ được thưởng thức văn hóa ẩm thực của các vùng miền khác nhau ở Việt Nam trong 4 năm tới.
- Thời gian qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Na Uy phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo Việt Nam khẳng định luôn coi trọng phát triển quan hệ với Na Uy, đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Bắc Âu. Trên cương vị Đại sứ, trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, bà sẽ xúc tiến những hoạt động gì để đẩy mạnh quan hệ giữa hai nước?
- Chúng ta sắp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021). Hơn 47 năm qua, thật tuyệt vời khi thấy mối quan hệ này vẫn đang phát triển. Na Uy và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng vì cả hai nước đều có đường bờ biển dài, có ngành công nghiệp thủy sản phát triển và đều nằm trong top 10 nước thủy xuất khẩu sản lớn nhất thế giới. Na Uy là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai thế giới còn Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba.
Năm ngoái, chính phủ Na Uy đã thông qua Chiến lược Đại dương Xanh lấy trọng tâm là phát triển các ngành công nghiệp biển theo hướng an toàn hơn, xanh hơn và bền vững hơn trong những năm tới. Chúng tôi thấy cần phải giải quyết ngay tình trạng ô nhiễm nhựa rất nghiêm trọng ở các đại dương trên thế giới, đảm bảo đại dương lành mạnh cho con cháu chúng ta và những thế hệ mai sau.
Theo tôi, chúng ta có nhiều tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư thương mại song phương trong lĩnh vực này. Sử dụng công nghệ cao, thân thiện hơn với môi trường cùng với những giải pháp kỹ thuật hướng tới sử dụng bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, các doanh nghiệp Na Uy sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
T/H