Một đại biểu phường 13, quận 10, TP. Hồ Chí Minh có ý kiến rằng: Hiện nay, trên địa bàn quận vẫn còn tình trạng phụ nữ bị bạo hành, những nạn nhân này sau đó tìm tới cơ quan công an nhưng do chưa đủ tỉ lệ thương tích nên không thể khởi tố. Để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, cử tri đề nghị các ứng cử viên nghiên cứu để có giải pháp xử lý hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt là ngay từ lần đầu tiên bị bạo hành.
Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị bầu cử số 04 (quận 10, quận 12) tiếp xúc với cử tri thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam quận 10 sáng 12/5.
Nhiều cử tri khách cũng nhấn mạnh, bạo lực gia đình đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và sức khỏe của chị em. Các cử tri mong muốn các ứng cử viên có đề xuất giải pháp cụ thể cho việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, cần có hành động quyết liệt chống nạn bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại trẻ em.Cử tri Ngô Thị Thắng (chi hội 2, khu phố 6, quận 10) cho rằng: tình trạng bất đẳng giới vẫn còn tồn tại ở một số gia đình. Vẫn còn tư duy phụ nữ là người làm các công việc dọn dẹp nhà cửa, đưa đón con cái, bếp núc và không nhận được sự giúp đỡ từ nam giới. Phụ nữ ngày nay hiện đại hơn, tham gia công tác xã hội nhiều hơn, vừa chăm lo cho gia đình, vừa làm công tác xã hội. Bà mong muốn có giải pháp để thay đổi tư duy, giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới trong tâm thức mỗi người.
Với 8 ý kiến kiến nghị, một số cử tri cho rằng, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV cần quan tâm hơn nữa đến chính sách, công tác đào tạo nghề cho lao động nữ; đảm bảo lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách đào tạo nghề riêng cho phụ nữ; có các giải pháp hỗ trợ, bảo đảm cho nữ giới có cơ hội lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở trường phù hợp thị trường lao động; phát triển dịch vụ gia đình (như chăm sóc người già, trẻ em) giúp giảm bớt thời gian làm việc nhà để phụ nữ có cơ hội được đào tạo, đầu tư cho chuyên môn nghiệp vụ, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khẳng định vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tổ bầu cử số 04 cũng đều cho rằng, nếu trúng cử trở thành đại biểu Quốc hội, sẽ tập trung vào việc tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân nói chung; quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em nói riêng nhằm tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng và phát triển.
Ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân trao đổi thông tin với các cử tri bên lề Hội nghị.
"Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức PCPNN hỗ trợ cho quận 12 chương trình cho công nhân nữ là “Tôi mạnh mẽ” với kinh phí 4 tỷ đồng. Chị em được cung cấp 6 chương trình như: quản lý tiền, kinh doanh, giáo dục con cái... Phụ nữ tham gia chương trình “Tôi mạnh mẽ” sẽ được trang bị kiến thức, phương pháp, nguồn lực tài chính vi mô, để họ có thể tự chủ cuộc sống của mình, qua đó nâng cao vị thế, mà đã nâng cao vị thế thì sẽ giải quyết được câu chuyện bất bình đẳng trong ứng xử giữa phụ nữ và nam giới", ông Sơn cho biết thêm.Từ kinh nghiệm, góc nhìn cá nhân, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân chia sẻ: Thứ nhất, để cải thiện tình trạng trên, cần làm tốt công tác tuyên truyền, bằng việc đổi mới, có phương pháp sâu sát tới từng hộ gia đình có thể nâng cao được ý thức của người đàn ông trong gia đình. Thứ hai, cần nâng cao vị thế của người phụ nữ bằng việc tạo việc làm, sinh kế và vị trí xã hội... Nếu phụ nữ chỉ làm nội trợ, hạn chế tiếp cận với các nguồn lực, văn minh, tri thức sẽ làm khó khăn cho việc bình đẳng giới.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) là tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, có vai trò nòng cốt trong hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác phi chính phủ nước ngoài. VUFO cũng là cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, một cơ chế liên ngành do Thủ tướng lập ra có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi, huy động nguồn lực, quản lý các tổ chức PCPNN. Các tổ chức quốc tế vào Việt Nam với sứ mệnh giúp đỡ chính phủ, nhân dân và các đối tác Việt Nam trong giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 496 tổ chức quốc tế và PCPNN đang hoạt động, trong đó 163 tổ chức có văn phòng đặt tại TP. HCM. Khi các cá nhân, tổ chức cần hỗ trợ nguồn lực có thể liên hệ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. Hồ Chí Minh có địa chỉ tại 31 Lê Duẩn để trao đổi thông tin, đề nghị kết nối, phối hợp xử lý những khó khăn.
Q.Hoa t.h / TĐ