Trưởng đoàn Paul Reed (giữa) và con trai vui mừng gặp Đại tá Nguyễn Văn Hán (phải), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình. Paul đến tỉnh Thái Bình lần đầu tiên vào năm 1993 để trao trả lại cuốn nhật ký bị thất lạc của cựu binh Nguyễn Văn Nghĩa trên chiến trường Kon Tum. Sau đó ông đã nhiều lần quay trở về Việt Nam để giúp đỡ cựu binh này chữa bệnh.
Các cựu binh Mỹ là thành viên của đoàn gồm 11 bạn bè Mỹ đang có chuyến thăm và tìm hiểu Việt Nam từ ngày 31/10 đến 11/11/2019. Chiều 3/11 tại Hà Nội họ đã có dịp được gặp gỡ những cựu chiến binh Việt Nam thuộc nhiều quân, binh chủng và thân nhân tại buổi “Tọa đàm Cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ: Bài học từ quá khứ, xây dựng tương lai tốt đẹp hơn” do Hội Việt – Mỹ thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp cùng VALOR, tổ chức hỗ trợ cựu chiến binh Mỹ thực hiện.
Trong số 6 cựu binh Mỹ có một nửa là cựu thành viên lữ đoàn 173, lữ đoàn được phía Mỹ coi là tinh nhuệ nhất, là đơn vị đầu tiên đổ bộ vào Việt Nam và cũng là đơn vị cuối cùng rút khỏi Việt Nam trong chiến tranh. Cuộc gặp chiều 3/11 đã cho họ cơ hội quý báu được gặp gỡ những người lính ở bên kia chiến tuyến như Anh hùng, phi công Vũ Đình Rạng; Anh hùng phi công Nguyễn Hồng Mỹ, Thiếu tướng Nguyễn Cao Cử, Đại tá Nguyễn Văn Hán...
Trong số các cựu binh Mỹ có những người từng nhiều lần quay trở lại Việt Nam sau chiến tranh, thậm chí trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ như Trưởng đoàn Paul Reed (71 tuổi), người đã trở lại Việt Nam vào năm 1993 để trao tận tay cuốn nhật ký nhặt được trên trận địa của cựu chiến binh Nguyễn Văn Nghĩa (quê ở tỉnh Thái Bình).
Bên cạnh đó, cũng có những người lần đầu tiên trở lại Việt Nam sau gần nửa thế kỷ như cựu phi công James Williams (75 tuổi). Cuộc gặp chiều 3/11 đánh dấu lần đầu tiên ông James được gặp bà Nguyễn Thị Lâm, vợ của Anh hùng, liệt sĩ, phi công Đỗ Văn Lanh, người đã bắn rơi chiếc máy bay James điều khiển vào tháng 5/1972.
Trong dịp hội ngộ đáng nhớ với những người vốn chỉ "biết nhau qua tiếng súng, chưa từng thấy mặt" các cựu binh Mỹ đã trân trọng trao tặng những cựu binh Việt Nam những món quà giản dị nhưng ý nghĩa, tự tay gắn lên áo họ những chiếc huy hiệu, biểu tượng của đơn vị mình. Đặc biệt, những cựu binh Mỹ đã mang theo lá cờ của lữ đoàn 173, và trân trọng đề nghị những người lính Việt Nam ký tên lên đó như một biểu tượng của hòa giải, hòa bình và hữu nghị.
Đó là cách họ "thể hiện sự tôn trọng và tôn vinh đối với những người từng là đối địch của mình, trong tinh thần của hữu nghị", như lời Trưởng đoàn, ông Paul Reed phát biểu.
Là người chủ trì của rất nhiều cuộc hội ngộ giữa cựu binh hai phía, ông Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Việt – Mỹ nhận định: “Từng trải qua chiến tranh, các cựu binh là những người trân trọng giá trị của hòa bình và tình hữu nghị hơn cả. Hình ảnh những người từng đối đầu trên chiến trường, nay ngồi bên nhau, trao nhau những nụ cười, cái bắt tay nồng ấm, nói những câu chuyện hướng tới tương lai là những ví dụ về hàn gắn sau chiến tranh hiếm có trên thế giới. Nhiều bè bạn nước ngoài của tôi từng khẳng định, hòa giải Việt - Mỹ là tấm gương sáng của thế giới."
Những khoảnh khắc cảm động của cuộc gặp:
Cựu binh James Williams (trái) xúc động gặp bà Nguyễn Thị Lâm, vợ Anh hùng, Liệt sĩ Đỗ Văn Lanh, người đã bắn rơi máy bay của James vào tháng 5/1972. Không có dịp được hội ngộ người anh hùng bên kia chiến tuyến, với James, được gặp vợ Liệt sĩ Đỗ Văn Lanh đã là một cơ hội quý báu mà ông chưa từng hình dung sẽ có được.
Tuy từng tham chiến tại Việt Nam song với cựu binh James Williams, những người lính Việt Nam "chưa bao giờ là kẻ thù" vì "Tôi hiểu rằng họ thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc họ", ông nói. Trong hình, ông James đang gắn chiếc huy hiệu biểu tượng của đơn vị mình lên áo Anh hùng, phi công Nguyễn Hồng Mỹ, người từng bắn hạ chiếc máy bay F4 đầu tiên - máy bay tiêm kích hiện đại đáng gờm nhất của không quân Mỹ trong chiến dịch không kích năm 1972.
Trong chuyến thăm này, Đoàn cựu binh Mỹ đã chuẩn bị nhiều món quà và trao tận tay các cựu binh Việt Nam.
Gần 50 năm qua, cựu chiến binh Phạm Công Hưởng vẫn đau đáu với hành trình tìm kiếm 16 đồng đội hi sinh trong trận sân bay Khâm Đức tháng 8/1970. Tại cuộc gặp với các cựu binh Mỹ, ông mang theo những bức ảnh về hiện trường trận đánh, hi vọng các cựu binh Mỹ sẽ là cầu nối để giúp ông và gia đình các liệt sĩ hoàn thành tâm nguyện.
Chủ tịch Hội Việt - Mỹ Nguyễn Tâm Chiến (trái) phiên dịch cho Anh hùng phi công Vũ Đình Rạng (áo trắng) với các cựu binh Mỹ.