Tham dự Hội thảo có ông Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Trần Đắc Lợi, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hòa Bình; ông Philip Degenhardt, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Rosa Luxembourg Đông Nam Á; các lãnh đạo và thành viên Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, đơn vị sự nghiệp có liên quan của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Sở Ngoại vụ; Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Hòa Bình; các học giả, các nhà hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương.
Hội thảo tập trung cung cấp thông tin về cơ sở pháp lý, các qui định và công ước quốc tế cũng như những cam kết của Việt Nam trong công tác đối với nhóm dễ bị tổn thương, chia sẻ kinh nghiệm, những mô hình hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương, chỉ ra những thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai công tác đối với nhóm dễ bị tổn thương. Từ đó, đưa ra những giải pháp, đề xuất, khuyến nghị cụ thể nhằm thay đổi nhận thức trong việc “Trao quyền” cho nhóm dễ bị tổn thương.
Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, trong những năm qua, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương, rất nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức nhân dân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, các nhóm thiện nguyện, các cá nhân … đang chung tay tích cực “hỗ trợ” nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, những nỗ lực và hoạt động này phần nhiều dừng lại ở việc tăng cường sự “trợ giúp”. Đa số mọi người trong xã hội đều đang nhìn nhận việc hỗ trợ những người dễ bị tổn thương là công việc “từ thiện”. Chưa có những nhận thức, những biện pháp thực sự hiệu quả để hướng tới “quyền” và “trao quyền” cho những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương này khiến cho việc hội nhập xã hội của họ còn bị hạn chế, có khả năng bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, chưa được hưởng các quyền lợi đầy đủ đối với các cơ sở và phúc lợi xã hội, và khó có cơ hội phát triển đồng đều và đóng góp cho xã hội.
Để nhóm dễ bị tổn thương có thể hòa nhập đầy đủ, tự bảo vệ “quyền” của bản thân, phát huy được năng lực bản thân và có những đóng góp tích cực đối với xã hội, cần có các biện pháp tăng cường thay đổi nhận thức không chỉ của toàn xã hội mà của chính những người thuộc nhóm này. Bên cạnh đó, cần tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ, những ràng buộc về trách nhiệm của toàn xã hội trong việc đảm bảo việc “trao quyền” và thực thi “quyền” của nhóm dễ bị tổn thương.
Ban Đa phương