Pháo đài Môn-ca-đa năm 1953 (ảnh của Báo Bưu điện Orinoco, Venezuela 26/7/2019)
Từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các dân tộc Mỹ La tinh trở thành địa bàn bành trướng đầu tiên của chủ nghĩa tư bản Mỹ trong bước chuyển thành chủ nghĩa đế quốc. Cũng bắt đầu từ thời điểm đó, phong trào đấu tranh cách mạng của các dân tộc Mỹ La tinh bước vào thời kỳ mới. Mặc dù dấy lên được nhiều cao trào đấu tranh, nhưng cuộc cách mạng ở toàn khu vực lâm vào tình thế khủng hoảng nặng nề về đường lối chiến lược, trong đó Cuba là trường hợp điển hình. Cả con đường cải lương của giai cấp tư sản và con đường bạo lực “tả khuynh” của các lực lượng cộng sản đều không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ lịch sử của cách mạng Cuba ngày ấy. Hàng loạt các phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, sinh viên, thanh niên, trí thức, nông dân và các tầng lớp xã hội khác đều hoặc là bị phá sản, hoặc là bị chính quyền độc tài thân Mỹ dìm trong bể máu.
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo của quốc gia dân tộc, đầu năm 1953 xuất hiện một lực lượng cách mạng lấy tên là Phong trào Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hô-xê Mác-ti do Phi-đen Cax-trô đứng đầu. Là một trí thức trẻ mới gần 30 tuổi nhưng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Anh hùng Mác-ti, Phi-đen đã tập hợp trong Phong trào hơn một nghìn thành viên, chủ yếu là thanh niên thuộc các tầng lớp bình dân (công nhân, nông dân, người làm công, trí thức...), bí mật chuẩn bị cuộc đấu tranh lật đổ chế độ độc tài.
Ngày 26 - 7 - 1953, 135 chiến sĩ được lựa chọn cẩn mật trong số hơn một nghìn thành viên của Phong trào đã tổ chức cuộc tấn công Pháo đài Môncađa. Nằm ở tỉnh Ori-ên-tê miền đông của đất nước cách Thủ đô la Ha-ba-na hơn 1000 km, Môn-ca-đa là bản doanh lớn thứ hai trên phạm vi cả nước, được chiếm giữ bởi hơn 2 nghìn binh lính Quân đội của chính quyền Ba-tix-ta. Theo kế hoạch của Phi-đen, sau khi chiếm được Môn-ca-đa, các lực lượng cách mạng sẽ tiến công một số căn cứ quân sự khác như Doanh trại Công an, Doanh trại Cảnh sát Biển, Doanh trại Hải quân; sau đó, phát động nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng; hoặc kéo lên vùng rừng núi miền đông triển khai chiến tranh du kích nếu tình thế bắt phải hành động như vậy.
Trước giờ xuất phát đến mục tiêu, các chiến sĩ cách mạng nghe Phi-đen công bố Tuyên ngôn Môn-ca-đa, được xem như bản cương lĩnh chính trị đầu tiên của cách mạng Cuba. Lực lượng tấn công Môn-ca-đa được chia làm 3 mũi: mũi thứ nhất do Phi-đen chỉ huy tập kích cửa số 3 của pháo đài; mũi thứ hai do A-ben San-ta-ma-ria chỉ huy tập kích Bệnh viện Dân sự nằm sát cạnh pháo đài; mũi thứ ba do Ra-un Cax-trô chỉ huy tập kích Toà án cũng nằm sát cạnh pháo đài. Thật không may cho các chiến sĩ cách mạng, đúng vào giờ phát hỏa, xuất hiện vài tình huống ngẫu nhiên không đoán định được trước làm cho cuộc tấn công mất đi tính chất bất ngờ. Kẻ địch đã kịp báo động toàn doanh trại. Cuộc tập kích bị biến thành cuộc đọ súng không cân sức giữa một bên là mấy chục chiến sĩ không còn cả đạn bắn và bên kia là hàng nghìn binh lính tác chiến tại bản doanh. Mặc dù hai mũi thứ hai và thứ ba hoàn thành nhiệm vụ, nhưng trước tình thế hiểm nghèo ở mũi thứ nhất, lãnh tụ Phi-đen quyết định lui quân để tránh sự tiêu tan hoàn toàn lực lượng. Do quân chính quyền đã kịp thời phong toả các ngả đường, rất ít chiến sĩ thoát hiểm về được với quần chúng cách mạng, phần lớn còn lại đều bị địch bắt, tra tấn dã man ngay tại doanh trại Môn-ca-đa. Tổng cộng 61 người đã hy sinh và bị giết hại; Phi-đen, Ra-un và các chiến sĩ khác bị tù giam.
Gần 2 tháng sau, ngày 21 - 9 - 1953, chính quyền độc tài mở phiên toà xét xử vụ án Môn-ca-đa với số hiệu Bản án 37 tại Toà án thành phố Xan-ti-a-gô. Tại đây, với tư cách bị cáo chính, Phi-đen đã không cần luật sư bào chữa, mà đã tự mình gánh vác chức năng này, cho nên, ông vừa có trách nhiệm trả lời các câu hỏi của thẩm phán, vừa có quyền chất vấn trở lại và luận chứng, phân tích... Nội dung tự bào chữa trước toà của Phi-đen sau này được công bố chính thức với nhan đề Lịch sử sẽ xoá án cho tôi. Trước lý lẽ đanh thép, chặt chẽ của Phi-đen, toà đã phải tuyên bố trắng án cho các lực lượng cách mạng. Ngay sau đó, Phi-đen và các đồng chí của ông đã sang Mê-hi-cô tiếp tục chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc để đến tháng 12 năm 1956, con tàu Gran-ma rẽ sóng đưa 82 người con ưu tú về Tổ quốc phát động cuộc chiến tranh du kích và giành thắng lợi cuối cùng vào ngày 1/1/1959.
Với Môn-ca-đa, cách mạng Cuba đoạn tuyệt với cả chủ nghĩa cải lương mơ mộng giành độc lập dân tộc, chấn hưng quốc gia bằng những cải cách tư bản chủ nghĩa; cả với chủ nghĩa giáo điều duy ý chí của một số lực lượng cộng sản chủ trương triển khai ngay một cương lĩnh xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh Môn-ca-đa là cương lĩnh cách mạng, quy tụ đầy đủ sức mạnh của mọi lực lượng xã hội vào cuộc đấu tranh lật đổ chế độ tư sản độc tài, kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc, thiết lập chế độ xã hội của công nhân, nông dân và toàn thể nhân dân lao động, cam kết bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội trong đường lối, chính sách phát triển đất nước. Ở thời điểm Môn-ca-đa, động lực lớn nhất thúc đẩy hành động cách mạng là mục tiêu độc lập dân tộc, nhưng sau đó chính yêu cầu khách quan của quốc gia dân tộc đã tạo ra cuộc gặp gỡ đẹp đẽ, tất yếu giữa đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, giữa đấu tranh chống đế quốc và đấu tranh vì tiến bộ xã hội, giữa tư tưởng của Hô-xê Mácti và tư tưởng Mác - Lênin, giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội.
68 năm đã trôi qua, đủ để đúc kết những lô gích nội tại của lịch sử. Con đường cách mạng mở đầu bằng Cuộc tấn công Môn-ca-đa năm 1953, được tiếp nối bằng chuyến tàu Gran-ma hiên ngang trước sóng gió cuối năm 1956, kết thúc giành chính quyền vào đầu Xuân năm 1959, được củng cố bằng chiến công Hy- rông bất tử năm 1961, được bảo vệ kiên định bằng mồ hôi và xương máu của các thế hệ nhân dân Hòn đảo Anh hùng trong 61 năm qua... đang toả sáng như con đường duy nhất đúng đắn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội của Cuba và Mỹ La tinh. Thật không khó tìm thấy nguồn cảm hứng Môn-ca-đa trong cương lĩnh, đường lối, chiến lược của trong cuộc đấu tranh đầy thách thức chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tự do mới...của nhân dân Mỹ La tinh hiện nay.
Trường Tiểu học Môncađa hôm nay (nguồn báo Granma, Cuba)
Hôm nay, Môn-ca-đa là một trường học tràn ngập nụ cười của hàng nghìn học sinh, như biểu tượng sống động của một Cuba, cường quốc giáo dục. Năm 1953, tuổi thọ bình quân của người dân Cuba là 59 tuổi, so với 84 tuổi ngày nay, như một bằng chứng đầy sức thuyết phục về một Cuba, cường quốc an sinh xã hội và phát triển con người. Năm 1953, Cuba chỉ đơn thuần là hòn đảo dành cho các triệu phú Mỹ đến uống rượu, hút xì gà và tắm biển; ngày nay, đất nước có không ít mũi nhọn đáng tự hào (sản xuất dược phẩm, khai thác nikên, du lịch, kỹ nghệ gien, công nghệ sinh học, dịch vụ y tế, giáo dục, thể thao...). Năm 1953, chỉ có một nhóm nhỏ chiến sĩ cách mạng khởi đầu sự nghiệp đấu tranh; ngày nay là cả một dân tộc chiến sĩ 11 triệu người, cùng với đông đảo bạn bè khắp năm châu, hiên ngang theo bước lãnh tụ Phi-đen huyền thoại trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sáu mươi tám năm trước, Môn-ca-đa là đốm lửa nhỏ; hôm nay, Cuba là ngọn hải đăng soi sáng cả khu vực Mỹ Latinh và các nước đang phát triển trong tiến trình tìm kiếm các phương án thay thế mô hình tự do mới tư bản chủ nghĩa. Bởi vậy, phía trước là bình minh của hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, vẫn ngời sáng ngọn cờ Cuba - Môn-ca-đa !.
Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Cuộc tấn công pháo đài Môn-ca-đa, PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba và Ngài Orlando Hernández Guillén, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cuba tại Việt Nam đã có thông điệp kỷ niệm dưới đây:
Câu lạc bộ Cựu du học sinh Việt Nam tại Cuba trao số tiền 452.700.000đ ủng hộ nhân dân Cuba mua vật tư y tế chống dịch COVID-19.