Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở Hội trường xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Tại phiên thảo luận đã có 39 đại biểu phát biểu và 4 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội.
Cụ thể: Về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021: đa số các ý kiến đại biểu cho rằng trong điều kiện đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, đại dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh đã tác động mọi mặt đến phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của người dân, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp; sự chỉ đạo quyết liệt, hành động kịp thời của Chính phủ và chính quyền các cấp, kinh tế-xã hội Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định, đạt kết quả tích cực, thành tựu đáng ấn tượng, bảo đảm được chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những hạn chế, tồn tại trong phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021; các biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19; sơ kết, đánh giá việc xét xử các trường hợp vi phạm liên quan đến việc phòng, chống dịch COVID-19; biện pháp, cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước; về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; về chính sách tiền tệ, bài học huy động sức dân; chính sách, gói hỗ trợ cho người dân, người lao động (đặc biệt là người lao động bị mất việc), người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, thực hiện mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số cả nước trong thời gian sớm nhất, cố gắng đạt được miễn dịch cộng đồng vào giữa năm 2022; hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh; xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2021; tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” trong khi điều kiện dịch bệnh ngày càng phức tạp; giảm chi đối với những nhiệm vụ chưa cần thiết, tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới): tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, trong bối cảnh đất nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, phát triển kinh tế-xã hội 5 năm qua đạt được nhiều thành tựu tích cực, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và nâng cao, khẳng định qua thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngoài ra, các đại biểu cơ bản thống nhất với 12 nhiệm vụ, giải pháp lớn được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế như tiếp tục tập trung 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; xây dựng các thể chế thuận lợi để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp nhà nước; dòng vốn FDI; phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật chiến lược; tiết kiệm chi thường xuyên; đẩy mạnh giải ngân và hiệu quả vốn đầu tư công; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; các giải pháp phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững; các giải pháp phát triển giáo dục; về vấn đề phát triển đô thị và kinh tế đô thị; các gói hỗ trợ trong đại dịch COVID-19…
Trong quá trình thảo luận, các Bộ trưởng: Bộ Lao động, Thương binh-Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Nội dung 2: Từ 16 giờ 45 phút, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết này bằng hình thức điện tử, kết quả như sau: có 478 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,79% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 475 đại biểu tán thành (bằng 95,19% tổng số đại biểu Quốc hội), 02 đại biểu không tán thành (bằng 0,40% tổng số đại biểu Quốc hội), 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội).
Thứ Hai, ngày 26/7/2021: Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các thủ tục bầu Chủ tịch nước (Lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước được truyền hình, phát thanh trực tiếp); sau đó, Quốc hội thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Tiếp đó, Quốc hội nghe Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao và Quốc hội tiến hành thảo luận ở Đoàn về các nội dung này.
Buổi chiều, Quốc hội họp ở hội trường, tiến hành các thủ tục bầu Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao (Lễ Tuyên thệ của Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao được truyền hình, phát thanh trực tiếp).
Sau đó, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ; Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao và thảo luận ở Đoàn về các nội dung này./.
Q.Hoa t.h / TTXVN