ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước. Trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước này đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 65% thủy sản và 70% trái cây. Từ đầu năm 2015 đến nay, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt nghiêm trọng và đạt mức thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Tình trạng mặn xuất hiện trên các tuyến sông sớm gần 2 tháng so với cùng kỳ và xâm nhập mặn sâu về phía thượng lưu, nơi xa nhất hơn 90 km. Hiện ĐBSCL có đến 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 775 km. Tốc độ xói lở đã vượt tốc độ bồi và khiến diện tích đất trong khu vực đồng bằng giảm khoảng 300 ha/năm.
Ông Phạm Tuấn Phong, Phó Cục trưởng Cục BĐKH- Bộ TN-MT, cho biết trước diễn biến phức tạp này, ngày 17-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết về "Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH".
"Quy hoạch mới cần chuyển từ "sống chung với lũ" sang "chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn" trên cơ sở quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững" - ông Phong góp ý.
Ảnh minh họa
Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó trưởng Ban Điều phối viện trợ nhân dân thuộc Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, trong vòng 20 năm tới, Việt Nam cần 140-179 tỉ USD cho công tác giảm nhẹ, thích ứng với BĐKH và công nghệ. Tuy nhiên, nguồn lực hiện có chỉ mới đáp ứng khoảng 5% nhu cầu dự tính trong tương lai. Từ năm 2001 đến 2016, các tổ chức phi chính phủ đã viện trợ cho Việt Nam hơn 3,3 tỉ USD, trong khi lĩnh vực TN-MT chỉ chiếm gần 250 triệu USD, tương đương 7,4%. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay, ĐBSCL cần khoảng 10,2 triệu USD cho công tác ứng phó với BĐKH và nước biển dâng.
"Các nguồn lực này cũng còn nhiều hạn chế vì có quy mô vừa, nhỏ và ngắn hạn (2 năm), chủ yếu tập trung vào các dự án nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH. Trong khi đó, các lĩnh vực về bảo vệ nguồn nước, chính sách về môi trường hoặc các dự án liên vùng, liên khu vực thì không cao" - ông Hùng thông tin.
Theo GS-TSKH Trần Đình Long - thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam - hiện chúng ta có rất nhiều ủy ban liên quan đến công tác này nên cần Bộ TN-MT cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng ra làm "đạo diễn" thì mới đạt hiệu quả cao. BĐKH rất phức tạp nên những chính sách được ban hành phải dựa vào thực tế từ cơ sở lên thì mới thành công chứ không nên áp đặt từ trên xuống.
MD (t/h)