Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong (Ảnh: KL)
Phóng viên (PV): Với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về công tác đối ngoại nhân dân, trong năm 2017, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, đóng góp tích cực và hiệu quả vào những thành tựu chung của đối ngoại Đảng và Ngoại giao Nhà nước. Vậy xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của công tác đối ngoại nhân dân trong năm qua?
Ông Đôn Tuấn Phong: Trong gần 70 năm qua, với kinh nghiệm trong việc vận động sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào các hoạt động đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, góp phần quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể khẳng định rằng, trong năm 2017, các hoạt động đối ngoại nhân dân diễn ra sôi nổi, đặc biệt là các hoạt động do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên ở các địa phương tổ chức với nhiều nội dung, phong phú và đa dạng, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.
Năm 2017 có ý nghĩa quan trọng trọng quan hệ giữa Việt Nam với các nước Lào và Campuchia; là năm Việt Nam và Lào kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 – 5/9/2017) và 40 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18/7/1977 – 18/7/2017). Năm 2017 cũng là năm Việt Nam và Campuchia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967 – 24/6/2017). Theo đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam – Lào, Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia và các thành viên ở các tỉnh, thành phố có quan hệ với hai nước Lào và Campuchia đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để chào mừng những sự kiện ý nghĩa trên. Đặc biệt, phải kể đến các hoạt động đặc biệt là các hoạt động về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, thăm những nơi bộ đội, chuyên gia, quân tình nguyện của Việt Nam đã sống và chiến đấu tại Lào và Campuchia; Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam lần thứ IV diễn ra tại Lào vào tháng 7/2017 và Liên hoan hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Campuchia lần thứ IV diễn ra tại Việt Nam vào tháng 10/2017; phát hành các ấn phẩm, chuyên san về quan hệ hữu nghị Việt – Lào , Việt Nam – Campuchia… Có thể nói, những hoạt động này đã góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân hai nước Lào, Campuchia.
Trong năm 2017, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Cộng đồng ASEAN, trong đó có các hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu hữu nghị, mít tinh, đẩy mạnh tuyên truyền về cộng đồng ASEAN trong nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân ASEAN nói chung.
Với Trung Quốc, trong năm 2017, các hoạt động đối ngoại nhân dân cũng được triển khai với nhiều hoạt động phong phú. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị Đối ngoại nhân dân Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2017 – 2022, trong đó đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân, tuyên truyền về quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc về mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt – Trung, đề xuất những biện pháp nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới...
Về công tác phi chính phủ nước ngoài, chủ trương chung của chúng ta là tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Có thể nói năm 2017 tiếp tục là một năm thành công mặc dù có những khó khăn nhất định. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam trong năm 2017 không có nhiều biến động lớn với trên 2.000 chương trình, dự án và khoản viện trợ được triển khai thực hiện, giá trị cam kết viện trợ cho Việt Nam ước đạt 260 – 280 triệu USD. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tiếp tục hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả chiến tranh… Trong năm 2017 đã có khoảng 30 tổ chức mới đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Công tác quản lý hoạt động phi chính phủ nước ngoài tiếp tục được cơ quan thường trực và các cơ quan thành viên Ủy ban duy trì tốt, cơ chế phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan được phát huy hiệu quả.
PV: Năm 2017, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Uỷ ban công tác phi chính phủ nước ngoài tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013-2017. Vậy ông đánh giá thế nào về hiệu quả của chương trình này đối với công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững tại Việt Nam?
Ông Đôn Tuấn Phong: Sau 5 năm thực hiện Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013 – 2017, có thể nói công tác phi chính phủ nước ngoài của Việt Nam đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Hiện có trên 500 tổ chức phi chính phủ nước ngoài thường xuyên hoạt động tại Việt Nam. Giá trị viện trợ giai đoạn 2013 – 2017 có sự gia tăng so với các giai đoạn trước với giá trị giải ngân đạt trên 1,5 tỉ USD, tương đương mức trung bình khoảng 300 triệu USD/năm. Trong khi giai đoạn 2006 – 2010, tổng giá trị giải ngân đạt khoảng 1,2 tỉ USD và giai đoạn liền kề 2008 – 2012 là khoảng 1,4 tỉ USD .
Mỗi năm các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện từ 2000 – 2500 chương trình, dự án, chủ yếu hướng tới hỗ trợ đối tượng là người dân gặp khó khăn, người nghèo ở các vùng miền núi, nông thôn, thành thị trên khắp 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các dự án cơ bản phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, thiết thực góp phần giải quyết một số khó khăn, đặc biệt là trong phát triển kinh tế xã hội trên một số lĩnh vực như nông nghiệp phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường...đóng góp tích cực trong giảm nghèo và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Các dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai trong giai đoạn này và trước đó nhìn chung có quy mô vừa và nhỏ. Tính trung bình, giá trị mỗi dự án vào khoảng 150.000 USD. Với quy mô vừa và nhỏ, hoạt động của các tổ chức có những thuận lợi nhất định như thủ tục đơn giản, quá trình xét duyệt cũng như triển khai ở các địa phương nhanh chóng. Bản thân các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng như các đối tác Việt Nam có cơ chế để kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ hơn, đảm bảo nguồn viện trợ này được sử dụng đúng mục đích và có tác động thực sự. Thêm vào đó, với tính chất, quy mô vừa và nhỏ như vậy cùng với cách tiếp cận hợp lý của các tổ chức phi chính phủ thì các dự án này rất phù hợp, gắn trực tiếp với những ưu tiên và nhu cầu của các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam.
Giai đoạn 2013 - 2017 vừa qua đã chứng kiến sự thay đổi trong cách thức, nội dung hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam. Viện trợ phi chính phủ nước ngoài có xu hướng chuyển từ tập trung hỗ trợ các dự án hạ tầng, đầu tư liên quan đến xây dựng cơ sở vật chất sang nâng cao năng lực cho con người, đặc biệt là nâng cao năng lực cho bộ máy các cơ quan đối tác, để các cơ quan này có thể triển khai được các dự án một cách độc lập và thực hiện các công việc của mình một cách bền vững trong tương lai khi không còn nguồn tài trợ. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng ưu tiên một số nội dung khác, gắn với thực tiễn của Việt Nam, ví dụ như trước những thách thức của biến đổi khí hậu đang diễn ra khá trầm trọng ở nước ta, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tập trung và ưu tiên nhiều hơn cho các dự án liên quan đến ứng phó để thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, nếu những năm trước đây, nguồn tài trợ cho lĩnh vực môi trường nói chung chỉ ở mức khoảng 5% đến 7% của tổng giá trị viện trợ thì 5 năm trở lại đây, giá trị viện trợ dành cho môi trường, trong đó đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu đã tăng lên trên 10% tổng giá trị viện trợ.
Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, công tác phi chính phủ gặp phải những thách thức nhất định. Một nhóm các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trước hết là các tổ chức có quy mô nhỏ gặp khó khăn về mặt tiêu chí hoạt động, chẳng hạn những tổ chức này có chính sách hỗ trợ cho các nước có thu nhập thấp, thì hiện nay nước ta không còn phù hợp nên họ buộc phải chấm dứt hoạt động tại Việt Nam. Một số khác gặp phải khó khăn về mặt tài chính, liên quan đến việc vận động nguồn tài trợ cho Việt Nam, nhất là các tổ chức tranh thủ nguồn tài trợ ODA vì nguồn tài trợ này đã và đang thuyên giảm.
Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ lớn, có quy mô hoạt động rộng, hoạt động mang tính chuyên nghiệp vẫn cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong những năm sắp tới bởi Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức phải đối mặt như hậu quả chiến tranh, vấn đề vật liệu chưa nổ, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, vấn đề biến đổi khí hậu, chênh lệch xã hội... Chính vì vậy, Việt Nam mong muốn tiếp tục có sự hợp tác quốc tế để cùng giải quyết những thách thức trên.
PV: Trên cơ sở đánh giá Chương trình Quốc gia xúc tiến viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013 – 2017, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ chủ trì xây dựng Chương trình cho giai đoạn tới. Vậy, ông có đề xuất kiến nghị gì để tiếp tục nâng cao hiệu quả của các chương trình, dự án cũng như thúc đẩy công tác phi chính phủ nươc ngoài theo đúng nhu cầu và ưu tiên của Việt Nam?
Ông Đôn Tuấn Phong: Theo tôi, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục quan tâm và tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, kể cả những nguồn lực tài chính hoặc phi tài chính để hỗ trợ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Để khuyến khích các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến hoạt động, có sự quan tâm hợp tác lâu dài, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi và phù hợp cho hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; tiếp tục đẩy mạnh chia sẻ thông tin với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để họ thấy được những hoạt động, những nội dung, lĩnh vực mà Việt Nam đang cần sự hỗ trợ. Trên thực tế có những tổ chức mới vào hoạt động, họ chưa biết cụ thể hiện nay Việt Nam đang thực sự cần hỗ trợ những gì; bên cạnh đó, cần tăng cường chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan của Việt Nam về công tác phi chính phủ để họ có thể chủ động tìm kiếm và thiết lập các mối quan hệ phù hợp với các tổ chức phi chính phủ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc giám sát hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để đảm bảo viện trợ không chỉ phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của các Bộ, ngành, địa phương Việt Nam mà phải được triển khai một cách có hiệu quả.
PV: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, theo ông, công tác đối ngoại nhân dân có vai trò như thế nào và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ làm gì để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới?
Ông Đôn Tuấn Phong: Trong bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp khó lường như hiện nay thì đối ngoại nhân dân với nòng cốt cơ quan chuyên trách là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ phải tiến hành rất nhiều việc để nâng cao hiệu quả công tác trong tình hình mới.
Điều đầu tiên có thể thấy rằng, trước đây chúng ta đã có những bạn bè truyền thống, có những nhóm quan tâm tới Việt Nam. Hiện nay, họ đều là những người cao tuổi nên công tác đối ngoại nhân dân trong thời gian tới phải tạo ra một môi trường hoạt động như thế nào đó để lôi cuốn được đa dạng người tham gia, quan trọng nhất là lớp trẻ để tạo ra đội ngũ kế cận, những cây cầu hữu nghị nối Việt Nam với thế giới.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc đa dạng hóa quan hệ đối tác là một trong những yêu cầu cần thiết góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân. Để làm được điều này thì ngoài các quan hệ đối tác mang tính truyền thống, chúng ta cần mở rộng hợp tác với các đối tác là các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, những du khách quốc tới Việt Nam, các nhà nghiên cứu… và tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam, tạo điều kiện để họ hiểu rõ hơn về tình hình Việt Nam, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới.
Theo tôi, với kinh nghiệm trong việc vận động sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong suốt gần 70 năm qua, công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được những thành quả trong tình hình mới. Để nhân dân thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn thì điều quan trọng nhất là đưa được những giá trị văn hóa giá trị tinh thần và giá trị truyền thống và những mặt tốt đẹp của xã hội Việt Nam đến bạn bè quốc tế một cách nhanh nhất, hiện đại nhất qua các phương tiện truyền thông đại chúng qua các mối quan hệ truyền thống của chúng ta và các thông tin này phải được truyền tải thường xuyên, liên tục và đến được nhiều tầng lớp nhân dân thế giới, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người kế tục và phát triển mối quan hệ với Việt Nam, đây là một thách thức lớn nên chúng ta phải tập trung nguồn lực nhân tố hạt nhân nòng cốt mới trong quan hệ Việt Nam ở mỗi nước, mỗi khu vực.
Với vai trò là đầu mối trong công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh vận động viện trợ nâng cao hiệu quả sử dụng viện trợ; hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tốt nhất tại Việt Nam trong điều kiện pháp lý và pháp luật của Việt Nam; tạo điều kiện gần gũi hơn bám sát tốt hơn các hoạt động thông qua các biện pháp quản lý về tài chính, dự án, tăng cường năng lực cho các đầu mối làm về công tác phi chính phủ các địa phương đạt hiệu quả tốt nhất, tranh thủ vận động phi chính phủ được nhiều hơn để mỗi năm viện trợ phi chính phủ nhiều hơn cho đất nước.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, Viện nghiên cứu quốc tế và đối ngoại nhân dân – đơn vị trực thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt được động thái về công tác đối ngoại, chính sách đối ngoại, chính sách phát triển của các nước phục vụ trước hết cho công tác của mình, góp phần tham mưu cho các đồng chí lãnh đạo Việt Nam trong việc hoạch định kế hoạch chiến lược về đối ngoại./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
ĐCS