Cuộc bỏ phiếu năm nay có thêm một phiếu thuận so với kết quả năm 2007 là 184 phiếu thuận, 4 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Đây là năm thứ 17 Đại hội đồng LHQ liên tục kêu gọi Mỹ hủy bỏ lệnh cấm vận này. Trước cuộc bỏ phiếu, Ngoại trưởng Cuba Felipe Perez Roque khẳng định việc Mỹ cấm vận Cuba là vi phạm luật pháp quốc tế và là cản trở chính trong sự phát triển kinh tế, xã hội của Cuba. Hiện nay 2/3 dân số nước này sinh ra trong thời điểm bị Mỹ phong tỏa. Lệnh cấm vận khiến mọi chương trình xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học, giao thông vận tải và nhiều dịch vụ khác của Cuba gặp nhiều khó khăn.
Lệnh cấm vận đã ảnh hưởng đến nỗ lực của Cuba nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà các lãnh đạo thế giới đã thông qua tại chính Đại hội đồng LHQ cách đây 8 năm. Không chỉ vậy, cuộc cấm vận kéo dài và ngày càng thắt chặt của Mỹ còn gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với những nước muốn quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại bình thường và cùng có lợi với La Habana.
Mỹ lần đầu tiên áp dụng lệnh cấm vận vũ khí với Cuba vào cuối những năm 1950. Năm 1960, chính quyền của Tổng thống Eisenhower đã áp dụng thêm lệnh cấm vận kinh tế từng phần đối với Cuba. Kể từ đó, mỗi đời Tổng thống Mỹ lên cầm quyền đều củng cố chính sách trừng phạt Cuba. Năm 1992, Washington áp dụng đạo luật Helm-Burton, theo đó, Mỹ sẽ trừng phạt các công ty nước ngoài làm ăn giao dịch với Cuba. Cuộc cấm vận đã được thắt chặt trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bush. Mỹ không có quan hệ ngoại giao với Cuba, liệt nước này vào danh sách các nước đỡ đầu, tài trợ cho khủng bố và liên tục từ chối xóa bỏ các lệnh trừng phạt đối với Cuba.
Sau bỏ phiếu, Ngoại trưởng Perez Roque khẳng định thắng lợi của Cuba là tất yếu, điều này chứng tỏ Mỹ đã hoàn toàn bị cô lập trong chính sách chống Cuba, đồng thời cho rằng chính sách thù địch này của Mỹ đã thất bại. Ông Perez Roque hối thúc Mỹ nên thay đổi chính sách và bình thường hóa quan hệ với Cuba, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và nhấn mạnh Cuba không phải là một mối đe dọa đối với Mỹ.
Mai Anh (Tổng hợp)