Hiệp định Geneva 1954 đã chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam, từ đó cổ vũ phong trào đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc trên toàn thế giới. Kể từ sau năm 1954, Việt Nam không ngừng mở rộng đoàn kết quốc tế, trước hết là Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa, sau là nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Trong số các bạn bè quốc tế, Cuba là một trong những nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ rất sớm với Việt Nam (2/12/1960), đã “sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” cũng như “đổ mồ hôi để giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước” như Chủ tịch Fidel Castro từng nói.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024), Đại sứ Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Orlando Hernández Guillén đã chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về tình cảm thủy chung, gắn bó của nhân dân hai nước trong suốt những biến thiên lịch sử.
Hiệp định Geneva: Dấu mốc trong ngoại giao cách mạng Việt Nam
- Đại sứ có đánh giá thế nào về ý nghĩa của Hiệp định Geneva đối với nền độc lập ở Việt Nam và hòa bình thế giới?
Đại sứ Orlando Hernández Guillén: Đó là lần đầu tiên trong lịch sử các quyền cơ bản của Việt Nam (độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ) được khẳng định trong một hiệp định quốc tế, được các nước tham gia Hội nghị Geneva công nhận và tôn trọng.
Việc ký kết Hiệp định là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài chống chủ nghĩa thực dân mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954).
Lãnh tụ Fidel Castro, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cách mạng Cuba chụp ảnh kỷ niệm bên đồn An ninh Nhân dân Bến Hải, địa cầu của miền Nam trong chuyến đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15-9-1973. (Nguồn: TTXVN)
Hiệp định đã chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ của đế quốc kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam, mở ra chương mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đánh dấu sự hình thành chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và mở đầu cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam nhằm thực hiện đầy đủ mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Đây không chỉ là sự khẳng định vị thế độc lập, chủ quyền của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam đồng thời để lại những bài học quý giá, góp phần đào tạo ra nhiều nhà ngoại giao kiệt xuất trong thời đại Hồ Chí Minh.
- Ngày 2/12/1960, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên ở Tây bán cầu thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam. Đại sứ nghĩ sao về sự tin tưởng và tình hữu nghị giữa hai dân tộc suốt những năm qua?
Đại sứ Orlando Hernández Guillén: Hơn sáu thập kỷ qua, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Cuba và Việt Nam không ngừng được phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, tình anh em giữa hai nước, hai dân tộc, ngày nay thể hiện mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa hai Đảng, Nhà nước, Chính phủ và lực lượng vũ trang.
Đại tướng Raul Castro Ruz, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi chiêu đãi trọng thể chào mừng Đoàn thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, tối 8/7/2012, tại Hà Nội. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Vào năm 1966, Đại Tướng Raul Castro đã có chuyến thăm Việt Nam. Khi đó, Bác Hồ đã bày tỏ: “Giữa Cuba và Việt Nam có khoảng cách rất xa, người này ngủ người kia thức. Trong quá khứ người ta nói về Đế quốc Anh rằng Mặt Trời không bao giờ lặn trên lá cờ nước Anh. Nhưng bây giờ phải nói rằng Mặt Trời không bao giờ lặn dưới lá cờ Cách mạng. Điều đó có nghĩa là hai quốc gia chúng ta đối cực về mặt địa lý, nhưng có sự đồng nhất hoàn toàn về mặt đạo đức.”
...Mặt Trời không bao giờ lặn dưới lá cờ Cách mạng. Điều đó có nghĩa là, các quốc gia của chúng ta đối cực về mặt địa lý, nhưng có sự đồng nhất hoàn toàn về mặt đạo đức."
- Chủ tịch Hồ Chí Minh
Là người dân Cuba, chúng tôi cảm thấy vô cùng tự hào và vui mừng khi được chứng kiến sự phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia anh em, cùng chia sẻ với Cuba những lý tưởng về chủ nghĩa xã hội, dưới sự hướng dẫn, lãnh đạo của Đảng Cộng sản và các nhà lãnh đạo của Đảng, là thành quả của một cuộc Cách mạng quần chúng với phương châm chính là xây dựng một xã hội có nhiều cơ hội và bình đẳng hơn.
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày 23/2/2003. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
- Việt Nam có Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu vào ngày 7/5/1954, Cuba có Chiến thắng Cách mạng ngày 1/1/1959, được xem là sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 và thay đổi bối cảnh chính trị ở Mỹ Latinh. Phải chăng sự tương đồng về mặt lịch sử như vậy đã khiến hai dân tộc thấu hiểu và đoàn kết với nhau hơn sáu thập kỷ qua?
Đại sứ Orlando Hernández Guillén: Ngay khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đang trên đà thắng lợi, cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân Cuba bắt đầu lật đổ chế độ độc tài Batista, kết thúc vào ngày 26/7/1953.
Chiến thắng của nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ năm 1954 đã đến với Lãnh tụ Fidel trong phòng giam của ông trên đảo Isla de Pino cùng với 28 chiến sỹ vẫn bị cầm tù sau cuộc tấn công vào doanh trại Moncada năm 1953. Sự kiện Điện Biên Phủ đã mang lại cho Lãnh tụ Fidel niềm hy vọng và sự an tâm rằng Cuba cũng có thể được giải phóng khỏi tình trạng thuộc địa mới của Hoa Kỳ và chế độ độc tài Fulgencio Batista.
Có thể nói rằng những chiến công của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc hình thành ý thức cách mạng trong thanh niên Cuba trước áp bức. Tương tự như vậy, Điện Biên Phủ đã mang lại kinh nghiệm và sự tự tin cần thiết để Cuba phá vỡ ách thực dân mới. Những tư tưởng độc lập của Hồ Chí Minh và bản chất xã hội chủ nghĩa trong cương lĩnh chính trị của Người đã đặt ra một chuẩn mực cho giới trẻ Cuba và Mỹ Latinh thời bấy giờ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng nước Cộng hòa Cuba Manuel Marrero Cruz duyệt Đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (29/9/2022). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Dù đang bị tù đày, Lãnh tụ Fidel đã hoàn thành văn bản “Historia me Absolverá,” (Lịch sử sẽ xóa án cho tôi), được xem là bản cương lĩnh của cách mạng giải phóng dân tộc ở Cuba.
Tiếp đó, Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Héctor Rodríguez Llompart trong lễ ký thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ với Việt Nam năm 1960 đã bày tỏ: “Trong khi mặt trận Điện Biên Phủ ác liệt, lãnh tụ cách mạng của chúng tôi đã tập hợp thanh niên Cuba để chống lại các thế lực phản động hung hãn. Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng hùng hồn bất kỳ dân tộc nào, dù nhỏ, nếu biết đoàn kết và quyết tâm đấu tranh vì tự do thì đều có thể đánh bại đế quốc.”
Việt Nam-Cuba: Tình cảm hiện diện trong trái tim mỗi người dân
- Đối với cá nhân Đại sứ, từ thuở thơ ấu đến khi trưởng thành, ông cảm nhận thế nào về sự hiện diện của Việt Nam trong trái tim người dân Cuba?
Đại sứ Orlando Hernández Guillén: Tôi rất vui khi trả lời câu hỏi này bởi tôi có thể hồi tưởng lại ký ức xa xôi, nhiều lần ở Cuba và nước ngoài khi còn là sinh viên, chúng tôi đã xuống đường kêu gọi chống lại đế quốc xâm lược Việt Nam, và sau đó, trong suốt chặng đường phát triển của mình, người dân Cuba chúng tôi luôn dõi theo tư tưởng và bài học về Việt Nam.
Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Trung tâm Fidel Castro ở Thủ đô La Habana trong chuyến thăm chính thức Cuba khi còn ở cương vị Bộ trưởng Bộ Công an. (Ảnh: Mai Phương/TTXVN)
Tôi cũng như mọi người dân Cuba đều đã ăn mừng những thành tựu và thắng lợi của Việt Nam, dù trong chiến tranh hay sau này, trong chính trị, kinh tế và quan hệ quốc tế.
- Khi trở thành Đại sứ Cuba tại Việt Nam, ông thấy tình cảm của Việt Nam đối với Cuba như thế nào?
Đại sứ Orlando Hernández Guillén: Người dân Cuba chúng tôi luôn nhận thức rằng mọi điều Cuba làm cho Việt Nam đều được đón nhận với lòng biết ơn và tình cảm đặc biệt. Trong những thời khắc khó khăn mà Cuba đã trải qua, chúng tôi cũng cảm nhận được sự ủng hộ, đoàn kết từ phía Việt Nam.
Khi đến Việt Nam, tôi vui mừng và cảm động khi thấy rằng tình hữu nghị đó không chỉ xuất phát từ sự chỉ đạo định hướng của Đảng mà còn hiện diện trong tâm trí và trong trái tim mỗi người dân Việt Nam dù ở vị trí nào trong xã hội.
Thủ tướng Cuba Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuộc mít tinh của nhân dân Quảng Trị chào mừng Đoàn đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. (Ảnh: TTXVN)
- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước hiện nay, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp và nhiều thể chế chính trị có sự thay đổi?
Đại sứ Orlando Hernández Guillén: Mối quan hệ hết sức đặc biệt giữa nhân dân hai nước, tình hữu nghị giữa Việt Nam và Cuba từ thế kỷ trước đã tạo ra những cơ cấu hợp tác rộng rãi và vững chắc, có trách nhiệm, thúc đẩy và phát triển mọi tiềm năng hợp tác về thương mại và nhiều lĩnh vực khác.
Hiện tại, Cuba đang phải hứng chịu cuộc chiến kinh tế ngày càng gay gắt do cường quốc kinh tế chính trị lớn nhất thế giới gây ra. Trong khi đó, quan hệ giữa các quốc gia cũng đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Khủng hoảng tài chính, khủng hoảng do biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố khác ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường của nền kinh tế các quốc gia. Trong hoàn cảnh đó, mối quan hệ hợp tác chân thành giữa Việt Nam và Cuba rõ ràng là quan trọng hơn bao giờ hết.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Theo Vietnamplus