Ông Vi Tiêu Nghị, con trai tướng Vi Quốc Thanh – trưởng Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc. |
- Thưa ông, cha ông - Tướng Vi Quốc Thanh đã kể cho ông những câu chuyện đáng nhớ gì về Việt Nam?
Cha tôi kể: Năm 1950, thực hiện thỏa thuận giữa Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng với sự chi viện về vật chất, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc (Đoàn cố vấn) do cha tôi - ông Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn đã sang Việt Nam. Từ năm 1950 - 1956, ông gần như dành trọn thời gian ở Việt Nam. Đoàn cố vấn xuất phát từ Quảng Tây. Ban đầu đoàn đi ô tô, sau khi đến biên giới Trung - Việt thì chuyển sang đi ngựa. Môi trường chiến đấu lúc bấy giờ khắc nghiệt, sức khỏe của cha tôi không được tốt, nhưng ông chỉ đau đáu một tâm nguyện sát cánh cùng các đồng chí và nhân dân Việt Nam. Suốt những chặng đường đi qua, người dân Việt Nam nhiệt tình tiếp đón, chào Đoàn cố vấn. Họ cung cấp lương thực, thực phẩm cho Đoàn cùng những nụ cười và bàn tay nắm chặt.
- Ông đã cảm nhận về Việt Nam qua lời kể và tình cảm của cha mình như thế nào?
Tình yêu của cha tôi dành cho Việt Nam đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Khi nhỏ cha mẹ tôi thường nhắc đến Việt Nam. Từ đó tôi bắt đầu biết đến đất nước này.
Khi làm việc tại Quảng Tây, cha mẹ tôi cũng thường xuyên có những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với người Việt Nam. Tôi thường thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp có trao đổi thư từ, quà tặng với cha tôi.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất là mô hình bắn pháo mà quân đội Việt Nam sử dụng khi chiến đấu với quân đội Mỹ được đặt trong nhà chúng tôi. Đây là mô hình rất to với kích thước khoảng 1 mét vuông. Ngoài ra còn có một mô hình máy bay Mỹ làm bằng nhôm và một khẩu súng lục mà cha tôi mang về từ Việt Nam.
Kỷ vật đó làm cha tôi luôn nhớ về quãng thời gian ở Việt Nam. Khi còn nhỏ, tôi rất thích thú những mô hình này. Đến nay, ở nhà tôi vẫn lưu giữ một kỷ vật là ống cắm bút được làm từ vỏ đạn pháo có ghi dòng chữ “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”.
Qua lời kể của cha, tôi rất khâm phục tinh thần chiến đấu anh dũng, khắc phục khó khăn, gian khổ của quân dân Việt Nam, nhất là việc vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực trong chiến dịch Điện Biên Phủ đều hoàn toàn dựa vào sức người. Việt Nam đã giành chiến thắng trong điều kiện thiếu thốn và chênh lệch lớn về tương quan lực lượng với địch.
- Tâm tư của ông về Việt Nam là gì, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng nhân dân hai nước có thể hỗ trợ lẫn nhau, tạo cơ hội thuận lợi để cùng phát triển. Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, vậy Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu quặng và khoáng sản sang Trung Quốc. Hai bên có thể tăng cường giao lưu học hỏi, tích cực tìm kiếm khả năng hợp tác khoáng sản then chốt. Ngược lại, Trung Quốc có thể xuất khẩu điện và một số máy móc thiết bị kỹ thuật sang Việt Nam… Như vậy có thể đạt được lợi ích chung của nhân dân hai nước.
Thanh niên hai nước cần tăng cường các hoạt động giao lưu học hỏi tìm hiểu lẫn nhau. Thúc đẩy gắn kết mật thiết giữa thế hệ trẻ thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng nhằm tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai bên. Cần hợp tác về văn hóa, giáo dục; kể những câu chuyện của Trung Quốc và câu chuyện của Việt Nam.
Ngoài ra tôi cũng mong hai bên sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch. Hy vọng giới trẻ Trung Quốc có thể đến Việt Nam nhiều hơn để ngắm phong cảnh tuyệt vời, thưởng thức ẩm thực nơi đây. Chúng ta cần suy nghĩ để những kỷ niệm xưa của cha anh là dinh dưỡng tiếp tục tạo sinh trong hiện tại và tương lai.
- Thưa ông, cảm nhận của ông về chuyến đi này thế nào?
Cách đây 10 năm tôi đã đến thăm Việt Nam. Tuy nhiên lần này tôi có một cảm giác rất khác so với lần trước. Tôi thấy đường sá và kiến trúc Việt Nam có sự thay đổi rất lớn, Việt Nam ngày càng phát triển. Tôi cảm nhận nhân dân Việt Nam đang ngày càng hạnh phúc.
Ông Vi Tiêu Nghị (thứ 9 từ phải sang) chụp ảnh cùng Đoàn nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc trước lăng Bác. |
Cả hai lần đều có sự đón tiếp của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Tôi cảm thấy các đồng chí ấy nhiệt tình, chuyên nghiệp. Lấy ví dụ như lần này đến Việt Nam, chuyên viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chăm sóc chúng tôi chu đáo. Các bạn giới thiệu cho tôi các danh lam thắng cảnh di tích lịch sử, hướng dẫn tôi cách thưởng thức những món ăn Việt Nam, chụp những bức ảnh đẹp.
Tôi cho rằng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có vai trò quan trọng và đóng góp to lớn cho quan hệ Trung - Việt. Hy vọng sau này chúng ta có thể tiếp tục giữ liên lạc, tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp. Tôi nghĩ, ngoại giao nhân dân Trung - Việt cần được nâng cấp, đẩy mạnh phát triển hơn nữa; cần tổ chức nhiều hơn các hoạt động giao lưu nhân dân…
- Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Vi Tiêu Nghị: cha tôi kể, vào khoảng năm 1954, Bác Hồ đi công tác, thăm cơ quan Đoàn cố vấn và muốn gặp ông. Nhưng lúc đó cha tôi đi vắng nên Bác viết bài thơ bằng chữ Hán “Thám Vi Quốc Thanh đồng chí vị ngộ” (Thăm đồng chí Vi Quốc Thanh mà không gặp) để gửi ông. Thơ rằng: Bách lí tầm quân vị ngộ quân, Mã đề đạp toái lĩnh đầu vân. Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ, Mỗi đóa hoàng hoa nhất điểm xuân. (Nhà giáo, Phó Giáo sư Phan Văn Các đã dịch bài thơ như sau: Trăm dặm tìm không gặp cố nhân Mây đèo giẫm vỡ ngựa chồn chân Nẻo về chợt gặp cây mai núi Mỗi đóa hoa vàng một nét xuân.) |
Theo Thời Đại