Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam tổ chức chia sẻ thông tin về tình hình nước Nga và hợp tác hai nước |
Xa mặt mà chẳng cách lòng
Chỉ nhìn trên bản đồ cũng đủ thấy sự cách trở muôn trùng của hai dân tộc Việt và Nga. Ở xứ ta, chang chang nắng gắt. Có lúc lên đến 40 độ C đốt cháy mùa màng, da thịt. Còn đất bạn, là những ngày dài đi mải miết không hết được màu trắng của băng tuyết. Cái lạnh từng tới âm 40 độ C, có thể chết người. Người Việt nhanh nhẹn, nhỏ bé. Còn các bác Séc - Gây hay I - Va - Nốp gì đó thì cao lớn lừng lững với những đôi giày da lội tuyết mà thanh niên Việt Nam xách lên cũng thấy ngại.
Rồi ngôn ngữ, màu da, tín ngưỡng, văn hóa, đến các phong tục tập quán… đều rất khó tìm thấy nét tương đồng nào. Dường như cái sự “khác máu tanh lòng” ấy còn khiến ta thấy xa xôi hơn cả muôn vạn dặm đường kia… Dân tộc Việt bắt đầu có mối tương giao với dân tộc Nga, tính cho đến nay được vài chục năm. Đó là thời gian rất ngắn so với chiều dài lịch sử ngoại giao của một tộc người. Sự giao lưu, hợp tác hay ràng buộc bởi quá khứ của hai dân tộc cũng không phải quá nhiều. Mà sự bắt đầu của mối tương giao cũng do hoàn cảnh chính trị đưa đến chứ không phải do tự thân cuộc sống của dân chúng.
Thế nhưng, thực tế thì dường như ngược lại. Bởi có vẻ như những người Việt có mẹ nuôi, cha nuôi, anh em kết nghĩa là người dân tộc khác thì nhiều nhất chính là ở nước Nga. Đất nước Nga đào tạo hàng triệu sinh viên, học sinh từ khắp thế giới nhưng cũng chỉ người Việt Nam là các thày cô Nga nhận làm ruột thịt nhiều nhất, bền nhất và thật nhất.
Phần lớn những người Việt đã từng sống ở Nga, kết tình với người Nga đều chung tâm cảm rằng: cứ nghe đến Nga hay Liên Xô thì đã mừng rỡ, bồi hồi và tin tưởng, thân thương lắm rồi. Lòng không chút gợn, không chút hoài nghi. Nói cười không cần giao đãi… Tôi nghĩ rằng, các vị lãnh đạo Nga khó có thể tìm được ở đâu trên thế giới sự mến trọng, thân thuộc và nồng hậu như khi đến Việt Nam, khi trò chuyện với những người Việt từng sống ở Nga.
Khi Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, nhiều quốc gia trong và ngoài khối xã hội chủ nghĩa (XHCN) tương trợ lương thực, vũ khí, tri thức và xương máu, trong đó có Liên Xô. Không có quy định gì, văn kiện lịch sử nào tuyên xưng nhưng có lẽ người dân, người lính và nhiều cán bộ Việt Nam lúc đó đều cảm nhận rất rõ, rất thật rằng: Liên Xô giúp Việt Nam không chỉ là đồng minh XHCN, không chỉ là quan hệ ngoại giao hai Đảng, hai Nhà nước. Mà nhân dân Liên Xô đã đau chung với mất mát của chúng ta, vui chung với chiến thắng của Việt Nam. Từ trong ánh mắt, lời tâm sự đến những cử chỉ của mỗi người bạn Nga, khiến ta thấy, nhân dân Nga từ sâu thẳm như trong tiềm thức, đã coi nhân dân Việt Nam là anh em đúng nghĩa. Khi cuộc chiến ở Việt Nam kết thúc. Lịch sử sang trang thì trong tâm tưởng của mỗi người dân cũng như cả hai dân tộc đều không thấy gợn một tâm tư rằng: sự tương trợ năm xưa là một món nợ, là một ràng buộc quá khứ. Tất cả cứ trong veo, nồng hậu từ đáy lòng.
Trước đây, Việt Nam quan hệ đặc biệt với Liên Xô mà cốt lõi là người Nga, bởi vì hai quốc gia là đồng minh trong khối XHCN. Cả hai tôn thờ và theo đuổi lý tưởng Cộng sản. Cách làm, lối sống, lối nghĩ… đều được thiết kế, tổ chức, vận hành giống nhau. Vậy nên sự ân tình hay cảm thông, thấu hiểu mà ủng hộ nhau cũng là dễ hiểu. Nhưng nay, nhân dân Nga đã và đang xây dựng một xã hội theo mô hình hoàn toàn khác trước và cũng là hoàn toàn khác với chúng ta hôm nay.
Sự xa cách không gian và văn hóa càng trở nên vời vợi hơn. Và như vậy xét về lý trí thì có thể nói “quan hệ tinh thần nhân dân” hai nước có vẻ như không còn là bao. Nhưng ngạc nhiên thay, những người anh em Việt và Nga vẫn cứ thấy nhau trong vòng tay thân thương đến kỳ lạ. Những cách trở, những khác biệt, những hư hao của thời gian… và đến nay là sự thử thách nghiệt ngã của lý trí đều đã không làm tổn hại đến tình cảm ấy. Thậm chí chỉ làm chói chang thêm tấm tình hai dân tộc.
Vậy điều gì đã khiến cho nhân dân hai nước Việt - Nga “xa mặt” mà chẳng “cách lòng”? Tôi cho rằng đó là sự đồng điệu về tâm hồn và khí phách của hai dân tộc.
Các hoạt động giao lưu ẩm thực giúp tăng thêm tình hữu nghị Việt-Nga |
Chung tâm hồn, khí phách
Những ngày đầu tiên đến nước Nga, tôi mới qua tuổi thiếu niên và được nghe những bản nhạc đậm chất dân ca Nga như KaLinKa, Cây thùy dương… Tôi rung động mãnh liệt bởi sự rất đỗi gần gũi, truyền cảm của nó. Dù chưa hiểu lời ca, xuất xứ hay ý nhạc nhưng âm hưởng, giai điệu của những bài hát ấy đọng sâu trong tôi cứ như mình đã thuộc nó từ thuở nghe lời ru quê nhà vậy. Cổ nhân phương Đông từng quan niệm: nhạc là điểm cùng cực, tầng cao nhất của giá trị chân thiện mỹ. Trong nhạc có sự hòa hợp của mọi vẻ đẹp cả thanh cao lẫn hiện sinh; cả sự vĩnh cửu trường tồn lẫn sự tươi mởn muôn màu của cuộc sống, vũ trụ. Nói gọn hơn thì nhạc chính là sự thể hiện đầy đủ, trung thực nhất của tâm hồn. Vậy nên khi có sự “đồng thanh tương ứng” thì dù khác biệt về ngôn ngữ, thể chất và mọi thứ khác nhưng người ta vẫn thấy rất gần nhau. Thậm chí có thể tương hòa, giao cảm ngay lập tức…
Cũng theo cách hiểu như vậy, có nhiều người cảm nhận rằng, người Việt Nam nếu nói về ảnh hưởng văn học thì phải là ảnh hưởng nhiều nhất từ văn học Trung Hoa, rồi văn học Pháp. Thế nhưng sự chiếm lĩnh tâm hồn bạn đọc Việt thì mạnh mẽ nhất lại là văn học Nga. Ngoài việc bị cuốn hút bởi sự hùng vĩ của nền văn học lớn này, bạn đọc Việt Nam như bị mê hoặc bởi sự gần gũi, sự tương đồng đến kỳ lạ của văn học Nga. Những nhân vật, hình tượng văn học của Nga dường như chỉ khác người Việt về tên gọi… Phải chăng trong sâu thẳm nguyên thủy, trong “cơ chế vận hành” của tâm hồn Việt và Nga đã không còn ranh giới?
Giao lưu văn hóa gắn kết tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga |
Thời kỳ kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi được chứng kiến một cuộc nói chuyện của ba tôi (Tổng Bí thư Lê Duẩn) với một số thanh niên, sinh viên Liên Xô. Trong cuộc trao đổi, một sinh viên Nga đứng dậy hỏi ông: “Thưa Tổng Bí thư, theo ông thì liệu Việt Nam có thắng Mỹ không?”.
Ba tôi nói: “Tôi nhận thấy trên thế giới có hai dân tộc giống nhau ở khí phách anh hùng, đánh giặc rất giỏi. Đó là Nga và Việt Nam. Thế kỷ XIX, khi Napoleon giành chiến thắng trên tất cả các chiến trường châu Âu và nắm trong tay những đội quân hùng mạnh nhất đến thôn tính nước Nga. Nhưng vấp phải sự chiến đấu của một dân tộc anh hùng, Napoleon đã thất bại. Ở Việt Nam thời phong kiến, quân Nguyên Mông chinh phạt từ Á sang Âu, gieo rắc kinh hoàng cho tất cả mọi quốc gia mà họ tới. Nhưng ba lần xâm lược Việt Nam, quân Nguyên thảm bại cả ba. Đầu thế kỷ XX, khi phát xít Đức tàn phá châu Âu, bách chiến bách thắng và tham vọng thâu đoạt thế giới thì đã gục ngã trên đất Nga… Ngày nay, đế quốc Mỹ là siêu cường số một và chưa từng biết đến thua trận. Nhưng họ cũng đang gặp phải sự chống trả của một dân tộc đầy khí phách anh hùng là Việt Nam. Người Nga đã thắng phát xít Đức thì chắc hẳn lịch sử cũng dành cho Việt Nam thắng Mỹ”. Và đúng vậy, lịch sử đã dành cho khí phách anh hùng Việt Nam chiến thắng.
Đối với người Việt ta, bạn bè đến với nhau, có thể giúp nhau dù ít dù nhiều không quan trọng. Giá trị đáng tôn quý nhất là đến với nhau bằng lòng chân thành, bình đẳng và đặc biệt là không vụ lợi. Những người bạn Nga xa xôi kia qua những thăng trầm, dâu bể; như lửa thử vàng, đã chứng minh được giá trị đó. Thật quý lắm thay!
Trong cõi trăm năm của mỗi kiếp người tìm được kẻ đồng cảm sâu sắc thì gọi là bạn tri âm, thực là rất khó. Trong hàng ngàn năm lịch sử của mỗi dân tộc, tìm được một tộc người đồng điệu về cốt lõi tâm hồn và tương hòa về phẩm cách, khí phách thì còn khó hơn muôn phần. Dù chưa biết gọi đó là gì cho đúng nhất nhưng tôi có thể thấy rằng sự hiếm có đó chính là tình nghĩa “tri âm” của hai dân tộc Việt và Nga.
TS Lê Kiên Thành (Theo Thời Đại)